Kinh tế

Anh Sơn: Thoát nghèo từ mô hình tổ hợp tác sản xuất chổi đót

Tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương, năm 2014, Hội phụ nữ xã Đức Sơn, huyện Anh Sơn đã thành lập tổ hợp tác sản xuất chổi đót, góp phần tạo công ăn việc làm cho lao động lúc nông nhàn. Sau 2 năm đi vào hoạt động, tổ hợp tác đã phát triển ổn định, giúp nhiều chị em phụ nữ vươn lên thoát nghèo.

Năm 2014, hội phụ nữ xã đã vận động chị em ở xóm 11 và 12 tham gia lớp tập huấn làm chổi đót do Hội phụ nữ huyện và Trung tâm khuyến công tỉnh tổ chức. Sau 3 tháng tập huấn, hội đã thành lập tổ hợp tác sản xuất chổi đót. Qua một thời gian hoạt động, nhận thấy nghề làm chổi đót khai thác được tiềm năng, nguồn lực sẵn có, lại tranh thủ thời gian lúc nông nhàn để tăng thu nhập cho gia đình, đến nay tổ đã có 12 thành viên tham gia.
1images1337737 2016 12 30 choi dot toan canh 2
Tổ hợp tác sản xuất chổi đót hiện có 12 thành viên tham gia sản xuất tăng thu nhập.

Gia đình chị Nguyễn Thị Chín ở thôn 12, xã Đức Sơn đã vươn lên thoát được nghèo sau khi tham gia vào tổ hợp tác sản xuất chổi đót. Bình quân mỗi tháng, thu nhập từ làm chổi đót gia đình chị đạt 1,8 - 2 triệu đồng/người/tháng, tương đương với thu nhập từ một sào lúa khi được mùa. Tay thoăn thoắt hoàn thiện công đoạn bện chân tít, chị Chín bộc bạch tâm sự: “Trước đây, quanh năm làm mấy sào ruộng chỉ đủ cung cấp lương thực nên gia đình tôi luôn thuộc diện hộ nghèo, từ khi gắn bó với nghề chổi đót đã cải thiện cuộc sống gia đình rất nhiều. Nói là tranh thủ, nhưng hầu hết chị em khi đã tham gia làm chổi đều say mê, chỉ ngày mùa các chị mới tạm nghỉ vài hôm để cấy, gặt.”
2images1337740 2016 12 30 choi dot buoc choi
Người làm chổi cẩn thận trong từng công đoạn: chẻ lạt, tước bòn, gài chổi, buộc chổi,...
3images1337738 2016 12 30 choi dot buoc choi
Tỉ mỉ bện chân tít để tạo chắc chắn cho từng sản phẩm.
4images1337739 2016 12 30 choi dot ben choi
Trên mỗi sản phẩm thể hiện sự khéo léo, tỉ mỉ của người làm.

Không riêng gì chị Chín, hầu hết các chị em ở tổ sản xuất chổi đót đều rất phấn khởi bởi tham gia tổ hợp tác được cùng nhau tìm tòi, học hỏi thêm kiến thức, kỹ thuật. Đặc biệt là với những chị em bao đời quen sinh sống chủ yếu dựa vào đồng ruộng, thì nay lúc nông nhàn đã có việc làm giúp họ tự tin, mạnh dạn hơn trước.

Chị Nguyễn Thị Thành - Tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất chổi đót cho biết: “Mặc dù giá thành này vẫn xếp vào hàng cao hơn so với giá thị trường nhưng với những ưu điểm như chiếc chổi được đan chặt, chắc chắn, đót dày, màu đót lại sáng, thời gian sử dụng lâu hơn chổi đót ở các vùng miền khác nên sản phẩm chổi đót của chị em tổ hợp tác xã Đức Sơn vẫn luôn được nhiều khách hàng lựa chọn. Sản phẩm chổi đót của tổ hợp tác làm ra đến đâu, tiêu thụ hết đến đó, được nhiều tiểu thương ở Đô Lương và các huyện lân cận đến tận nơi thu mua.”

5images1337741 2016 12 30 choi dot chi viec
Sản phẩm chổi đốt của Tổ hợp tác sản xuất chổi đót Anh Sơn được người tiêu dùng ưa chuộng.

Bên cạnh những hiệu quả thiết thực từ mô hình tổ hợp tác chổi đót mang lại cho người nông dân, vẫn còn tồn tại rất nhiều khó khăn. Bà Đinh Thị Phương – Chủ tịch Hội phụ nữ xã Đức Sơn cho biết thêm: "Tổ hợp tác chổi đót của chị em bước đầu đã mang lại hiệu quả, giải quyết được nhu cầu việc làm cho phụ nữ ở nông thôn khi xong thời vụ. Nhưng hiện tại tổ vẫn còn gặp không ít khó khăn do thiếu nguồn vốn đầu tư mua nguyên liệu; đầu ra cho sản phẩm còn bấp bênh, chưa ổn định.”

Để duy trì và phát huy mô hình tổ hợp tác chổi đót xã Đức Sơn hoạt động có hiệu quả, phát triển và có thương hiệu rất cần có sự hỗ trợ, giúp sức của các cấp, các ngành hơn nữa để giúp hội viên, phụ nữ xã Đức Sơn nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập ổn định đời sống và gắn bó lâu dài với nghề.

Tác giả bài viết: Thái Hiền

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok