Chụp ảnh kỷ yếu vốn là hoạt động nhằm lưu giữ những kỷ niệm, hình ảnh đẹp bên nhau trước khi chia tay bạn bè, thầy cô để đến một môi trường mới nên từ lâu hoạt động này đã sớm trở thành một phần không thể thiếu của các bạn học sinh, sinh viên cuối cấp.
Ban đầu, những bức ảnh kỷ yếu manh nha xuất hiện ở các trường đại học, trường THPT, khi đó hình thức đơn giản chỉ là hình ảnh gồm đầy đủ các bạn học sinh, sinh viên cùng nhau xếp hàng rồi chụp ảnh, trang phục là bộ áo cử nhân hay đồng phục của trường, lớp.
Dần dần, với sức lan tỏa mạnh mẽ về ý nghĩa, ảnh kỷ yếu đã phủ sóng rộng khắp các khóa học cuối cấp, thậm chí ngay cả các bé học sinh mẫu giáo, học sinh lớp 5 cũng xúng xính trong bộ áo cử nhân được thiết kế riêng, nhiều kích cỡ để chụp bộ ảnh kỷ yếu chia tay bạn bè.
Tuy phổ biến rộng khắp nhưng có thể thấy ảnh kỷ yếu không phải là một nghi thức do nhà trường bắt buộc mà chủ yếu xuất phát từ mong muốn tự phát của các tập thể lớp.
Nhiều năm trở lại đây, không thể phủ nhận ảnh kỷ yếu đã trở thành một trào lưu với sự phát triển trong cả hình thức lẫn ý tưởng. Không chỉ đơn giản là những tấm ảnh tập thể với đồng phục là sơ mi đóng thùng, áo dài trắng mà là những bộ ảnh kỷ yếu độc lạ với trang phục mặc theo chủ đề riêng: ảnh kỷ yếu bao cấp, ảnh kỷ yếu cái bang, ảnh kỷ yếu thổ dân,…
Cũng là ảnh kỷ yếu nhưng có những bộ ảnh mang ý nghĩa nhân văn, ca ngợi vẻ đẹp quê hương đất nước, con người như ảnh kỷ yếu bao cấp, hoài niệm về một giai đoạn lịch sử của đất nước hay ảnh kỷ yếu áo lính thể hiện tinh thần cảm phục người lính bộ đội cụ Hồ,… phần lớn đều nhận được sự ủng hộ của cộng đồng mạng.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, hiện nay việc chụp ảnh kỷ yếu đang dần bị biến tướng không còn là hình thức lưu giữ những hình ảnh đẹp mà trở thành cơ hội để học sinh tiêu tốn tiền bạc cho những cuộc chơi không bắt buộc. Thậm chí cất công lên rừng, xuống biển chỉ để chụp những bộ ảnh kỷ yếu theo sở thích của mình.
Do đó, không ít bộ ảnh kỷ yếu hứng phải “gạch đá” của dân mạng khi làm sai khác ý nghĩa của ảnh kỷ yếu, mang việc chụp ảnh ra như một hình thức để sống ảo, lãng phí về tiền bạc, thời gian, thể hiện thái quá hay có những hành động nhạy cảm trong bộ ảnh của mình.
Bày tỏ về quan điểm này, anh Lưu Minh Khương, một thợ chụp ảnh kỷ yếu nhiều năm tại Hà Nội cho rằng: “Tôi nghĩ nên dùng từ thay đổi hay cải tiến thay cho “biến chất” hay “biến tướng”. Thực tế, trước đây không có nhiều điều kiện để quay phim, chụp ảnh thì người chụp chỉ chụp một vài kiểu để làm kỷ niệm.
Nhưng hiện nay, xã hội phát triển và theo đó nhu cầu của con người được nâng lên. Họ muốn lưu giữ kỷ niệm của tuổi học trò - tuổi đẹp nhất của cuộc đời mỗi con người. Họ bỏ ra chi phí trung bình từ 200-300.000 đồng, chỉ bằng giá một cái quần cái áo để có một ngày vui đùa bên nhau, đầu tư nguyên một ngày để tạo lên những tấm hình đẹp.
Trong một ngày chụp như vậy, các bạn trong lớp học được nhiều thứ mới mẻ cũng như rèn luyện tinh thần tập thể, một người vì mọi người.
Còn về ý tưởng, theo tôi mỗi lớp sẽ có những đặc điểm tính cách riêng vì thế họ sẽ nghĩ ra những ý tưởng phù hợp với cá tính của họ nhưng theo tôi vẫn phải trong chuẩn mực cho phép”.
Mỗi giai đoạn lại có một quan điểm khác nhau phù hợp với lối suy nghĩ của thời điểm đó. Song, với ý nghĩa lâu bền của bộ ảnh kỷ yếu, mỗi tập thể sẽ có ý thức hơn trong việc lựa chọn chủ đề, ý tưởng chụp ảnh để bộ ảnh kỷ yếu của mình là nơi lưu giữ kỷ niệm đẹp tuổi học trò chứ không phải sự độc đáo khác người, cơ hội để sống ảo.
Tác giả: Kim Bảo Ngân
Nguồn tin: Báo Dân trí