Theo hãng tin PTI, vụ việc xảy ra ở khu vực Begumpur, Rohini vào tối 10-8 (giờ địa phương). Người phụ nữ - 20 tuổi – khi đó đi chơi cùng bạn trai và 2 người đàn ông khác – bao gồm nghi can 20 tuổi và một người bạn của cô.
Lúc trở về, nghi can đề nghị bỏ người phụ nữ ở lại nhà mình để anh ta đi lấy xe hơi. Bạn trai cô gái cùng người bạn đồng ý lái xe ra khỏi khu Rama Vihar. Ít lâu sau, họ nhìn thấy đám đông dồn về ngôi nhà nơi người phụ nữ vừa mới trú lại rồi nhận được thông tin nghi can chạy ra khỏi tòa nhà sau khi ném nạn nhân từ tầng 4 xuống đất.
Người phụ nữ được cho là bị tấn công tình dục, sau đó bị ném ra khỏi tầng 4 một ngôi nhà ở thủ đô New Delhi. Ảnh: PTI |
Khi cảnh sát có mặt, người phụ nữ đã được chuyển tới bệnh viện trong tình trạng nguy kịch. Cảnh sát tin rằng nghi can định cưỡng hiếp cô gái nhưng bị chống cự nên đã đẩy nạn nhân xuống đất. Chưa rõ hắn có thực hiện được ý định hay chưa.
Gia đình người phụ nữ cho biết còn một người đàn ông khác cũng có mặt tại hiện trường nhưng cho đến nay, cảnh sát chỉ mới bắt được một nghi can và đang mở rộng điều tra.
Ấn Độ tăng cường luật xử phạt tội phạm tình dục kể từ vụ cưỡng hiếp tập thể trên xe buýt ở thủ đô New Delhi chấn động hồi năm 2012 nhưng không thu được hiệu quả.
Vào tháng 6, một phụ nữ Ấn Độ, 23 tuổi, bị 3 người đàn ông cưỡng hiếp trên một chiếc xe 3 bánh, còn con gái 9 tháng tuổi của cô bị những kẻ tấn công ném ra ngoài dẫn đến tử vong.
Tờ Indian Express cho biết vụ việc xảy ra vào tối 29-5 ở TP Gurugram, miền Bắc Ấn Độ. Người phụ nữ là cư dân ngôi làng Bass Kusla. Trong đơn khiếu nại gửi đến cảnh sát, cô cho biết 3 người đàn ông đã tấn công tình dục mình trên chiếc xe 3 bánh tại đường Khandsa, sát cao tốc nối liền thủ đô New Delhi và TP Gurugram.
Cưỡng hiếp phụ nữ và trẻ em gái bị xem là vấn nạn gây nhức nhối tại Ấn Độ. Riêng thủ đô New Delhi ghi nhận 2.199 vụ cưỡng hiếp vào năm 2015, tức trung bình 6 vụ/ngày.
Mỗi năm, nhà chức trách Ấn Độ tiếp nhận khoảng 40.000 đơn khiếu nại liên quan đến nạn tấn công tình dục nhưng con số thực tế được cho là cao hơn nhiều vì một số nạn nhân không dám tố cáo thủ phạm do sợ bị kỳ thị.
Tác giả: Phạm Nghĩa (Theo PTI)
Nguồn tin: Báo Người lao động