Hà Nội không chỉ nổi tiếng với những con phố cổ, những ngõ nhỏ đan xen, 12 mùa hoa gây thương nhớ hay những gánh hàng rong có mặt trên mọi con phố, nẻo đường mà còn được biết đến với một nền ẩm thực vô cùng phong phú, đa dạng. Các món ngon Hà Nội không quá cầu kì nhưng đòi hỏi sự tinh tế, thanh cao trong từng chi tiết, thể hiện phong cách sống tao nhã, sang trọng của người dân kinh kì.
Nền ẩm thực kinh kì tiếp nhận công nghệ
Ẩm thực Hà Nội là cả một niềm tự hào của người Thủ đô và có thể hấp dẫn bất cứ ai đặt chân đến đây. Thực tế, ẩm thực Hà Nội chủ yếu xuất phát từ món ăn dân dã hàng ngày, từ món quà vặt đến những bữa cơm, bữa cỗ và rất nhiều tỉnh, thành phố khác cũng có. Duy chỉ có điều, người Hà Nội vốn sành ăn, sành mặc, thanh lịch, tao nhã trong lối sống nên ẩm thực Hà Nội vì thế cũng ảnh hưởng theo phong cách đó.
Cốm - Thức quà dân dã, thanh tao của người Hà Nội |
Mạng xã hội (MXH) phát triển cũng là thời điểm thông tin được lan truyền nhanh chóng chỉ bằng một cú “click” chuột. Nhờ đó mà nền ẩm thực Hà Nội giờ đây không chỉ nằm gói gọn tại đất Hà thành, qua những lời truyền miệng của khách đã đi qua, mà nó còn vươn xa hơn nữa, đến mọi miền Tổ quốc và bạn bè trên toàn thế giới. Sức lan toả của nét truyền thống văn hoá Việt Nam đã được đón nhận rất tích cực.
Từ đó sinh ra phong trào “Review đồ ăn”, “Footour” hay gọi cách khác là du lịch ẩm thực dành cho những ai chưa từng đến Hà Nội. Du lịch ẩm thực là khái niệm mới xuất hiện trong khoảng vài năm trở lại đây, được hiểu là sự tiếp cận và trải nghiệm văn hóa của một địa điểm thông qua ẩm thực tại đó. Từ “foodtour” của giới trẻ nghĩa là một chuyến đi ăn uống khi tới thành phố và la cà hàng quán để thưởng thức những món ngon.
Nếu như du lịch mạo hiểm, giải trí được phần lớn là người trẻ ưa thích, hay du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh lại thu hút người lớn tuổi hơn thì du lịch ẩm thực lại sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của mọi lứa tuổi, giới tính, điều kiện của khách.
Nhưng để tạo ra được 1 tour ăn uống thì cần có mặt của những bài Review – quảng bá, giới thiệu, nhận xét đánh giá món ăn, quán ăn trên mạng xã hội. Điều này giúp mọi người nắm bắt được thông tin và chất lượng của món ăn từ những Reviewer đã trải nghiệm để ra quyết định có nên đến và mua hay sử dụng dịch vụ đó hay không.
Theo “Sách trắng Thương mại điện tử năm 2020”, tại Việt Nam, 56% người tiêu dùng coi các bình luận, đánh giá trên mạng là lý do lựa chọn để mua hàng qua mạng. Từ đó có thể thấy nhận xét của những người review trên mạng thực sự đóng vai trò quan trọng đối với khách hàng.
Với những lợi ích mà doanh nghiệp có thể khai thác từ nhận xét trực tuyến, có một thực tế là trong những năm gần đây đã xuất hiện tình trạng đăng nhận xét giả (Fake Reviews) để thuyết phục người tiêu dùng, người xem mua sản phẩm, dịch vụ. Nhận xét giả thường là những nhận xét tích cực về sản phẩm/dịch vụ mục tiêu hoặc tiêu cực về sản phẩm/dịch vụ cạnh tranh. Nói cách khác, người review trên MXH nhận xét không khách quan về món ăn mình trải nghiệm, quảng cáo để được nhận ưu đãi cá nhân.
Một đánh giá tệ có thể gây ảnh hưởng lớn đến danh tiếng nhà hàng |
Điều đó khiến doanh nghiệp được review bị ảnh hưởng rất lớn cũng như tác động đến tâm lý người xem, ngừoi tiêu dùng. Ngoài ra, người nghe theo review còn tốn thời gian, tiền bạc mà không biết mình bị lừa, bởi trải nghiệm không hề giống lời kể trên mạng.
Trao đổi với Người Đưa Tin về vấn đề này, anh Nguyễn Đăng Khoa – sở hữu trang Facebook và Youtube “Hanoi food” với một số bài đăng lên đến cả triệu lượt xem chia sẻ: “Để đưa ra nhận xét khách quan nhất về món ăn chính là cái khó nhất của reviewer. Mình không thể vùi dập quán sau khi đã xin phép để ghi hình người ta. Mình cũng không thể khen quá khi đồ ăn không đáng khen.
Cách duy nhất là lựa chọn quán cho đúng để quay. Đó là lý do mình không thể tăng tần suất video lên được mặc dù cũng muốn tăng để có thêm lượng người xem”.
Cơ hội nhìn từ những bài review
Bà Nguyễn Thị Dung, người đã tiếp nối mẹ chồng “nuôi” thương hiệu Bánh cuốn bà Hoành, kể với Người Đưa Tin, tuy đã bán rất lâu đời tại Hà Nội, nhưng trước đây chủ yếu là khách quen và người được giới thiệu qua truyền miệng. Từ khi xuất hiện các Reviewer đến thưởng thức, ghi hình, lượng khách tăng lên rõ rệt, đặc biệt là những khách phương xa như Đắc Nông, Lâm Đồng, TP.HCM,…
Khách tới đây cũng bởi Bánh cuốn bà Hoành dẫu bảy chục năm, qua 3 đời kế nghiệp vẫn luôn giữ được hương vị truyền thống, đảm bảo vệ sinh mà tất cả nguyên liệu ăn kèm cũng được bà Dung tự tay làm.
Đồng thời bà Dung chia sẻ thêm bà luôn sẵn sàng tiếp thu ý kiến của thực khách, không lựa chọn bảo thủ mà ưu tiên trải nghiệm của mỗi người ăn, với mong muốn món ăn truyền thống nhưng tinh thần hiện đại.
Bánh cuốn bà Hoành có địa chỉ tại số 66 Tô Hiến Thành |
Không cao sang, cầu kỳ, Bánh cuốn bà Hoành là một món ăn bình dị, thân quen đối với mọi đối tượng thực khách, từ sang trọng cho đến bình dân, góp phần làm đẹp thêm bức tranh văn hóa ẩm thực Hà Nội.
Bà Nguyễn Thị Mùi, người con dâu gìn giữ tên tuổi cho “Xôi chè bà Thìn” có tâm sự: “Món chè gia truyền tính đến nay đã bán được 60 năm rồi từ đời bà Thìn, khách toàn truyền miệng nhau đến đây ăn món xôi chè bà cốt mà bà nấu mỗi buổi chiều tan tầm. Thế nhưng từ khi có thêm mấy bạn Review, kể cả khách Sài Gòn, khách từ Mỹ về đây cũng biết quán bà, ai cũng muốn đến thử xôi chè”.
Tuy nhiên bà Mùi cho rằng bà không chú trọng việc được Review, bởi bản thân quán, những loại chè đều do bà tự tay nấu, hương vị bà gìn giữ bao đời với những khách hàng quen thuộc. Vì vậy, nếu được các Review quảng bá giúp thì việc kinh doanh sẽ khá hơn nhưng quán lựa chọn không hoàn toàn phụ thuộc vào những bài Review đó.
Xôi chè bà Thìn - Số 1 Bát Đàn |
Đồng quan điểm với “Xôi chè bà Thìn”, quản lý cửa hàng “Ngan cháy tỏi” – 2b Bà Triệu cũng cho rằng việc Review chỉ là phụ, bản thân quán vẫn luôn có một lượng khách nhất định. Nếu được các bạn Reviewer đến thì rất hoan nghênh nhưng không vì thế mà lựa chọn đấy là kênh bán hàng mới.
Tuy mỗi quán đều có những bí quyết kinh doanh riêng nhưng là những người yêu mến Hà Nội cũng như say mê ẩm thực chốn này, dù đi tới nơi đâu họ cũng ghé qua Hà Nội để ăn một bát phở, hay thưởng thức cốc chè hoa cau,… Bởi hương vị đồ ăn nơi đây có nét đặc trưng riêng mà không nơi nào có.
Anh Nguyễn Quang Huy trú tại quận Phú Nhuận, Tp.Hồ Chí Minh, cho biết: Tôi là một thực khách quen thuộc của bánh cuốn bà Hoành, qua một lần xem trên page Review Hà Nội, tôi đã đến ăn thử. Giờ đây mỗi lần ra Hà Nội, tôi đều đưa vợ con tới thưởng thức bánh cuốn. Bánh ở đây tráng mỏng, ngon, ăn vừa miệng, đặc biệt vị nước chấm rất hấp dẫn, khác xa với bánh cuốn ở Sài Gòn.
Bên cạnh đó, nhiều thực khách địa phương cũng nhờ xem được Review trên mạng xã hội, nhờ những bức ảnh, video mang mùi thơm của bánh cuốn mà tìm đến quán. Anh Nguyễn Xuân Nhật (Kinh Môn, Hải Dương) chia sẻ rằng bản thân không thích ăn bánh cuốn, thế nhưng khi thưởng thức bánh cuốn bà Hoành qua lời giới thiệu của bạn bè cũng như các bài quảng bá trên mạng, anh đã tìm đến thưởng thức và đã trở thành khách quen của quán.
Ngoài bánh cuốn, mảnh đất kinh kỳ còn rất nhiều những món ăn vẫn luôn giữ được hương vị cổ xưa như cốm làng Vòm, bún chả Sinh Từ, xôi Phú Thượng, phở Thìn,… cùng rất nhiều món ăn chờ bạn bè gần xa về đây thưởng thức.
Không chỉ gói gọn trong lãnh thổ, ẩm thực Hà Nội đã vươn xa hơn, đến với những người con xa quê như chị Bích Hường – Việt kiều Mỹ, dù đã xa quê 20 năm nhưng mỗi khi trở về Việt Nam, chị rất thích được ăn những món vỉa hè truyền thống tại Hà Nội. Chị bảo bên Mỹ cũng có phở, có bánh mỳ người Việt mang sang nhưng không thể sánh được phở trên Lò Đúc hay bánh mỳ Như Ý tại đây. Chị hay xem các bạn Food vlogger để có thể nhớ lại hương vị tuổi thơ và luôn mong có thể trở về quê nhà.
Năm 2016, Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng cố đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain thưởng thức món bún chả trên phố Lê Văn Hưu; Hoàng tử Anh William thưởng thức cà phê phố cổ hay cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande uống cà phê trên phố Mã Mây vào năm 2016; Năm 2018, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và phu nhân đã cùng thưởng thức món phở bò tại một cửa hàng ở Hà Nội; Và mới đây nhất, hồi tháng 2/2019, Tổng thống Argentina Mauricio Macri đã dừng chân thưởng thức cà phê ngay tại một quán vỉa hè...
Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng cố đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain thưởng thức món bún chả tại số 24 Lê Văn Hưu |
Không phải ngẫu nhiên mà các món ngon Hà Nội đều được quốc tế vinh danh. Phở Hà Nội được bình chọn vị trí 28/50 trong danh sách món ngon nhất thế giới của CNN; Bún chả là một trong 10 món ngon đường phố tuyệt vời nhất của các du khách trên tạp trí National Geographic; Bún riêu cua được chuyên trang du lịch Traveller của hãng truyền thông Fairfax Media, Australia đã chia sẻ danh sách 21 món ngon nhất thế giới; Chả rươi đã từng được Hãng thông tấn AFP giới thiệu là một trong các món ăn đặc sản Hà Nội được yêu thích vào dịp Đông… Điều này khẳng định giá trị văn hóa của ẩm thực Hà Nội trên bản đồ du lịch quốc tế.
"Con dao hai lưỡi"
Trao đổi với Người Đưa Tin về văn hoá, ẩm thực Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Tiến, nhà báo – nhà “Hà Nội học” nhấn mạnh: “Ẩm thực Hà Nội đặc biệt hơn những vùng khác vì nơi đây từng là kinh đô từ thời Lý cho tới thời Nguyễn, sau đó là Thủ đô của Liên bang Đông Dương và thời nay là Thủ đô của Việt Nam. Ở kinh đô và thủ đô sẽ tập trung nhiều món ăn của các vùng miền. Quan trọng nhất khi về kinh đô, thủ đô được người dân nâng cấp lên tạo ra món ăn độc đáo, riêng biệt và tinh tế”.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến - nhà "Hà Nội" học |
Vì vậy, bất kì thực khách nào đến Hà Nội, việc đầu tiên là tìm hiểu ẩm thực nơi đây khác biệt thế nào so với nơi mình sống. Bởi ẩm thực cũng chính là văn hoá của vùng miền. May mắn thay, ẩm thực bây giờ có thể đáp ứng cái gu thưởng thức của từng người, từng vùng không làm mất đi cái riêng biệt.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ, phở chính là quốc hồn quốc tuý của người dân Việt Nam nhưng khi nhắc đến người ta hay nhớ đến hương vị phở Hà Nội. Nguyên liệu, cách chế biến như nhau nhưng người Hà thành lại có công thức nấu nước dùng độc đáo như thêm gừng, thảo quả… làm cho món phở có chất riêng mà không vùng nào có được.
Đối với xu hướng tạo foodtour (du lịch ẩm thực) tại các địa phương, ông Tiến cho rằng, việc hành lập các tour ẩm thực cũng có cái hay đối với đoàn đông người, nhưng với khách lẻ thì không thuận lợi lắm. Vì khách lẻ không gọi được nhiều món mà chỉ ăn một số món thôi. Do đó, việc thành lập các foodtour riêng tùy thuộc vào vị trí khác nhau, quan trọng nhất vẫn là ẩm thực nơi đấy mang lại những màu sắc như thế nào.
Mạng xã hội ngày một phát triển và không ngừng gắn liền với cuộc sống hàng ngày, cùng với đó xuất hiện những Reviewer - người chia sẻ nội dung về những trải nghiệm sau khi sử dụng sản phẩm, họ đã góp phần phát triển hơn nữa ẩm thực Hà Nội đến với du khách trong và ngoài nước.
Theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến, mạng xã hội giúp mọi người biết được món ăn đấy ở chỗ nào, chỗ nào ăn ngon hơn, chỗ nào độc đáo hơn. Nhờ mạng xã hội thì khách hàng mới biết nhiều đến các món ăn độc lạ trong mọi ngóc ngách của Hà Nội.
Tuy vậy, khi xem những thông tin về các món ăn ở Hà Nội, ông Tiến nhắn nhủ rằng hãy kham khảo nhiều từ nguồn khác nhau để có sự so sánh các thông tin một cách chính xác.
Bởi theo ông, tất cả các bài viết, video chia sẻ về ẩm thực trên mạng xã hội đều quan điểm cá nhân và khẩu vị riêng của mỗi người. Chính vì vậy, thực khách nên cẩn trọng và có chọn lọc, vì sẽ có những người tận dụng mạng xã hội để quảng bá, đưa một món ăn bình thường trở nên quá đặc biệt.
Mạng xã hội (Facebook, Instagram, Tiktok,…) là “con dao hai lưỡi” đối với nền ẩm thực Hà Nội nói riêng và nước nhà nói chung. Nếu thực sự biết nắm bắt cơ hội, các bài Review đó sẽ đưa những tinh hoa văn hoá ấy tới mọi miền Tổ quốc và trên thế giới, bất kì bạn là ai, bạn ở đâu, bạn cũng có thể biết rằng khi đến Hà Nội sẽ ghé thăm quán nào, thưởng thức món gì.
Thế nhưng thách thức đi kèm là những nhà kinh doanh dịch vụ cùng người xem Review phải thực sự tỉnh táo và cẩn thận trước mỗi thông tin, mỗi lời nhận xét được đưa ra. Mặc dù chỉ là ý kiến cá nhân của người trải nghiệm, cũng góp phần tác động đến tình hình kinh doanh dịch vụ cũng như thị yếu của người xem Review.
Tác giả: Hồng Nhung
Nguồn tin: nguoiduatin.vn