Thế giới

Al-Baghdadi bị tiêu diệt: Bước lùi tạm thời của IS?

Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã hứng chịu tổn thất nặng nề khi thủ lĩnh tối cao Abu Bakr al-Baghdadi bị đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt tại Syria cách đây vài ngày. Việc al-Baghdadi bị tiêu diệt được cộng đồng quốc tế xem là một cột mốc quan trọng, song nhiều ý kiến cho rằng những nguyên nhân sâu xa dẫn tới sự tồn tại của tổ chức thánh chiến này, cùng các cuộc tấn công của chúng tại Trung Đông và nhiều khu vực khác, vẫn chưa được "nhổ tận gốc".

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã xác nhận việc al-Baghdadi bị tiêu diệt. Washington nhấn mạnh đây là một thắng lợi của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng việc mất đi thủ lĩnh có làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới các năng lực của tổ chức này hay không vẫn là điều chưa ai dám khẳng định. Ngay cả khi IS gặp những khó khăn lớn trong việc chuyển giao vị trí cầm đầu, hệ tư tưởng và những quan điểm phe phái cực đoan của tổ chức này vẫn có sức hút rất lớn với nhiều đối tượng.

Nhà nghiên cứu Rashad Alo - làm việc tại Viện Đối thoại Chiến lược, một viện nghiên cứu chính sách có trụ sở tại London - bình luận: “Về mặt tổ chức, chúng sẽ không bị ảnh hưởng gì nhiều bởi chúng vốn đã quá rạn nứt khi các cuộc tấn công của chúng trên toàn cầu sụt giảm. IS hiện chỉ tập trung chủ yếu ở vùng biên giới Iraq và Syria… Cái chết của al-Baghdadi thực tế chỉ mang đến một khác biệt mang tính biểu tượng. Nếu người ta chỉ tiêu diệt một kẻ khủng bố, nhưng lại không xử lý triệt để gốc rễ vấn đề khiến hệ tư tưởng này lan rộng thì họ thực sự đã sai lầm." Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenza cho rằng cái chết của al-Baghdadi chỉ là “một bước lùi tạm thời của IS, nhất là khi xét đến mức độ và phạm vi ảnh hưởng của chúng trên thế giới.”

Trùm khủng bố Abu Bakr al-Baghdadi đã bị tiêu diệt

Trong khi đó, GS Jean Piere Filiu thuộc trường Khoa học Chính trị Paris, nhận định cái chết của al-Baghdadi là một “thất bại mang tính tượng trưng và sẽ không ảnh hưởng sâu rộng tới cách vận hành và chiến lược của tổ chức này” bởi IS có nhiều lá chủ bài khác trong tay. Trước hết, “vương quốc Hồi giáo” (caliphate) được hình thành từ năm 2014 bao trùm một phần lãnh thổ giữa biên giới Iraq và Syria từng được IS “quản lý” rất chuyên nghiệp. Ngoài hai nhân vật số 1 và số 2, danh tính của những thành phần trong nhóm cầm đầu tổ chức hoàn toàn được giữ bí mật, người ta chỉ biết rằng chúng đa phần là những kẻ từng phục vụ trong quân đội và tình báo Iraq dưới thời Saddam Hussein.

Thứ hai, kể từ khi IS để mất các thành trì tại Syria và Iraq như Palmyra hay Mossoul, al- Baghdadi không còn thực sự điều hành tổ chức này. Một số nhà quan sát cho biết hiện vẫn còn nhiều nhóm thánh chiến IS nằm vùng tại Iraq, và một trong những điểm tựa của mạng lưới khủng bố này là cộng đồng Hồi giáo theo dòng Sunni. Số này bất mãn với các chính sách của chính quyền theo dòng Hồi giáo Shi’ite thân Iran tại Baghdad. Hơn thế nữa, tổ chức tội phạm này có cả một mạng lưới hỗ trợ quan trọng - đặc biệt là về mặt tài chính - ở khắp khu vực, từ Lebanon đến Thổ Nhĩ Kỳ hay Jordan. GS Filiu cho rằng rất có thể IS đang tìm cách “tái tổ chức” và chọn Syria làm địa bàn hoạt động để chuẩn bị các đợt phản công.

Yếu tố thứ ba khiến giới phân tích quả quyết rằng IS vẫn còn sức công phá rất lợi hại là “cửa ngõ Thổ Nhĩ Kỳ.” Ankara đóng một vai trò quan trọng cho phép “vô hiệu hóa” thủ lĩnh IS tại một khu vực chỉ cách biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ 5km, song theo nhà báo Pháp Georges Malbrunot, “Thổ Nhĩ Kỳ luôn là cửa ngõ của IS,” giúp chúng vươn ra bên ngoài. Một số công dân châu Âu tham gia lực lượng thánh chiến tại Syria và Iraq đều phải đi ngang qua Thổ Nhĩ Kỳ. Việc Mỹ rút quân khỏi miền bắc Syria đã làm suy yếu lực lượng người Kurd tại Syria, vốn luôn trên tuyến đầu chống lại IS. Quyết định của Washington bị xem là vô hình chung nới lỏng vòng vây cho IS. Bên cạnh đó, suốt hơn một năm qua, lực lượng thánh chiến tại Syria và Iraq đã liên tục đào thoát sang các khu vực bất ổn từ Libya đến miền Bắc Bán đảo Sinai của Ai Cập.

Trong bối cảnh đó, giới nghiên cứu khủng bố quốc tế nhận định rằng cũng giống như al-Qaeda, IS vẫn tồn tại. Sau cái chết của al-Baghdadi, IS sẽ “im hơi lặng tiếng” và tận dụng cái chết đó để tuyển mộ thêm các chiến binh. Các vụ khủng bố tự sát trên thế giới vẫn sẽ tiếp diễn, bởi mục tiêu sau cùng của những phần tử cuồng tín này là chết như những người “tử vì đạo”. Tại Syria, việc các tổ chức khủng bố như IS dễ dàng chiêu mộ các tân binh một phần xuất phát từ việc nhiều người Sunni thiệt mạng trong các chiến dịch càn quét của quân đội chính quyền Syria dưới sự hậu thuẫn của Iran và Nga. Nhà phân tích chính trị người Iraq Abu Ragheef cho rằng IS bành trướng mạnh mẽ là nhờ sự trung thành của các tay súng đối với hệ tư tưởng cuồng tín, và việc tiêu diệt thủ lĩnh của chúng là chưa đủ để làm lung lay “đức tin” này.

Theo ông, Hội đồng Shura - hay nhóm thủ lĩnh - của IS gồm 9 thành viên được cho là đã gặp mặt và tìm ra một kẻ cầm đầu mới từ 5 ứng cử viên. Trong số những gương mặt nổi bật nhất có Abu Abdullah al-Jizrawi (người Saudi Arabia) và Abdullah Qaradash, (cánh tay phải của al-Baghdadi và từng là sỹ quan quân đội thời Saddam Hussein, nhưng cũng vừa bị Mỹ tuyên bố đã tiêu diệt). Ông Abu Ragheef nói: “Thủ lĩnh mới sẽ bắt đầu tìm cách thúc đẩy sức mạnh của tổ chức bằng việc chiêu mộ tân binh và chào đón những tay súng thoát khỏi các nhà tù ở Syria. Hắn nhiều khả năng sẽ tiến hành hàng loạt vụ tấn công trả đũa việc Baghdadi bị tiêu diệt.”

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng dù kẻ nào thế chỗ al-Baghdadi thì hắn cũng sẽ vấp phải làn sóng tranh cãi trong nội bộ IS, lực lượng cực đoan gồm nhiều thành phần sắc tộc và quốc tịch, vốn đã có hàng loạt rạn nứt.

Tác giả: Hồng Phúc

Nguồn tin: Báo Pháp luật & Xã hội

  Từ khóa: tiêu diệt , IS

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok