Cụ thể, câu thơ “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa” trong bài thơ “Tiếng Việt” của cố nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ được sử dụng trong đề thi môn Ngữ Văn bị cho là đã... trích dẫn sai.
Rất nhiều giáo viên, những bạn đọc yêu văn học, thậm chí có cả các nhà văn, nhà thơ cho rằng Bộ GD&ĐT đã nhầm lẫn trong đề thi năm nay. Bởi theo họ, câu thơ chính xác phải là: “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa”.
Khi thông tin này được chia sẻ trên mạng xã hội ngay lập tức đã gây sự chú ý lớn của dư luận, đặc biệt là giới cầm bút.
Rất nhiều giáo viên, những bạn đọc yêu văn học, thậm chí có cả các nhà văn, nhà thơ cho rằng Bộ GD&ĐT đã nhầm lẫn trong đề thi năm nay. Bởi theo họ, câu thơ chính xác phải là: “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa”.
Khi thông tin này được chia sẻ trên mạng xã hội ngay lập tức đã gây sự chú ý lớn của dư luận, đặc biệt là giới cầm bút.
Thí sinh sau buổi thi Ngữ Văn vào sáng 2/7
Nhiều người đã lớn tiếng đòi Bộ GD&ĐT phải công khai xin lỗi cố nhà thơ Lưu Quang Vũ và thí sinh trước sai sót này. Thậm chí còn cho rằng: “Đây là sai lầm không thể… chấp nhận được”.
Những ý kiến suy diễn như: Với thứ từ ngữ được thay thế rất phản cảm và đen tối thì học sinh sẽ "ngân nga" thế nào về tiếng Việt?
Hay nhận định: Đến đề thi cấp quốc gia mà còn như thế, thì bảo sao chất lượng giáo dục đi xuống?
Những ý kiến này ngay lập tức nhận được sự đồng tình của đông đảo cư dân mạng.
Khi nhận được thông tin này, ngay chiều tối ngày 2/7, Bộ GD&ĐT đã có phản hồi về thông tin tới giới truyền thông.
Xin được trích nguyên văn như sau: Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia 2016 nhận được một số phản ánh liên quan đến đề thi môn Ngữ văn trong Kỳ thi THPT quốc gia 2016. Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia 2016 có ý kiến như sau:
“Về nội dung Phần đọc hiểu: Trích đoạn thơ trong bài thơ “Tiếng Việt” của Lưu Quang Vũ được Hội đồng ra đề thi trích dẫn từ bài thơ “Tiếng Việt” của nhà thơ Lưu Quang Vũ trong cuốn Thơ Việt Nam 1945-1985 (Ban tuyển chọn và chú giải: Nguyễn Đức Nam (chủ biên), Bằng Việt, Nguyễn Văn Long, Nguyên An, Nguyễn Quốc Túy); Nhà xuất bản Giáo dục - 1985 (sách được xuất bản trong thời gian nhà thơ Lưu Quang Vũ còn sống).
Nội dung trích dẫn:
“Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa
Óng tre ngà và mềm mại như tơ”.
(Nguyên bản dòng thứ 3 và 4 từ trên xuống trang 218, Sách đã dẫn)
Bản thơ của cố nhà thơ Lưu Quang Vũ được Bộ GD&ĐT sử dụng
Theo Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia 2016 khẳng định: Trong quá trình biên soạn đề thi, Hội đồng ra đề thi đã kiểm tra kỹ lưỡng, đảm bảo độ chính xác tuyệt đối của ngữ liệu được trích dẫn, đáp ứng yêu cầu của đề thi”.
Đương nhiên những dẫn cứ một chiều của Bộ GD&ĐT chưa hẳn thuyết phục. Nhưng ngay sau đó, sự vào cuộc của báo giới khi gặp PGS.TS. Lưu Khánh Thơ (em gái cố nhà thơ Lưu Quang Vũ) cũng khẳng định: “Đề thi Ngữ văn năm nay không sai”.
Theo bà Thơ thì sở dĩ có xuất hiện hai từ khác nhau trong bài thơ này là do quá trình biên tập để in ấn, có sự đồng ý của tác giả. Do vậy, sử dụng văn bản nào cũng đúng.
Hiện, chưa rõ bản gốc của bài thơ, cố nhà thơ Lưu Quang Vũ đã sử dụng từ ngữ nào. Thế nhưng, rõ ràng Bộ GD&ĐT sử dụng bản in này là không sai, khi đưa ra một văn bản bài thơ có dẫn nguồn đầy đủ. Hơn nữa, bài thơ này không nằm trong nội dung SGK, chỉ nằm trong nội dung tham khảo, thì Bộ GD&ĐT có quyền chọn bất cứ một bản thảo nào thấy phù hợp.
Tưởng chừng, những dữ liệu này dập tắt được những suy diễn từ dư luận thì nhiều ý kiến tranh cãi vẫn diễn ra rằng dùng từ “bùn” hay hơn, hay dùng từ “đất cày”?
Thơ ca thì muôn hình vạn trạng, ví như từ “bùn” bị chê ỏng eo rằng làm xấu thơ của cố nhà thơ Lưu Quang Vũ thì chính bà Lưu Khánh Thơ đã kể lại trên báo Dân Việt: “Nhiều người đọc chữ “bùn” thường liên tưởng đến “hôi tanh mùi bùn”, nhưng với quan niệm của Lưu Quang Vũ, “bùn” cũng là một thứ “phù sa”. Từ lớp “phù sa” ấy đã sinh ra bao nhiêu thứ có ích. Ngay cả loài hoa cao quý và tinh khiết cũng mọc lên từ bùn…”.
Dùng từ nào hay hơn, xin không khẳng định mà để tự cảm của mỗi người. Nhưng vấn đề đặt ra rằng, đằng sau những tranh cãi vừa qua, kết lại là điều gì?
Bộ GD&ĐT đã không sai. Vậy thì có quyền nhận một lời xin lỗi? Chưa kể, ai sẽ xin lỗi các thí sinh? Trong khi, các em rất nhiều mối lo khi kỳ thi vẫn đang diễn ra thì lại phải chi phối bởi thông tin dư luận.
Ai dám chắc rằng những thông tin này không ảnh hưởng tới tâm lý của các em? Khi mà song song với thông tin đề thi Ngữ văn bị trích dẫn sai, thì còn có thông tin đề thi Ngữ văn đã bị lộ?
Dư luận xã hội, tự bao giờ đã tự cho mình quyền năng quá lớn là phán xét và suy diễn khi chưa có đầy đủ dữ liệu thông tin đáng tin cậy?
Trước nay, đã quá nhiều những những “trái đắng” xảy ra cũng từ những thông tin không chính xác, mang tính suy diễn từ dư luận mạng. Nên chăng, đã đến lúc mỗi người cần nhìn lại cách sử dụng cũng như trách nhiệm trong xử lý thông tin của mình trên mạng xã hội!
Tác giả bài viết: Huy An