Số hóa

Ai đã tiếp tay cho Thử thách Momo, tin đồn ác ý làm náo động xã hội?

Thử thách Momo đang kích động trẻ em tự tử và tham gia vào cả những hành vi kích động bạo lực. Vậy đâu là nguồn tiếp lửa cho những tin đồn thất thiệt này?

VietNamNet đã từng đăng tải nhiều bài viết liên quan đến Momo Challenge hay Thử thách Momo. Đó là những đoạn video có chứa hình ảnh một người phụ nữ có hình hài đầu người, mình gà, tóc đen, mắt lồi. Những thông tin lan truyền trên Internet cho rằng, Momo Challenge sẽ hướng dẫn trẻ nhỏ cách để tự làm tổn thương mình, thậm chí là tự tử.

Nhân vật Momo thực chất là một tác phẩm điêu khắc có tên "Chim mẹ" của nghệ sĩ Nhật Bản Keisuke Aisawa. Hình ảnh đáng sợ của nó lần đầu xuất hiện vào năm 2016. Nó chỉ biến tướng thành nhân vật có hại khi xuất hiện những kẻ xấu ẩn dưới hình hài Momo để tung ra những nội dung gây tác động tới tâm sinh lý của trẻ nhỏ.

Ai đã tiếp tay cho Thử thách Momo, tin đồn ác ý làm náo động xã hội?

Từ vài đoạn video lẻ tẻ trên mạng, nhân vật Momo đang dần trở thành một con "ngáo ộp" và được nhắc tới trong bữa cơm của mỗi gia đình.

Hiện vẫn chưa rõ ai là cha đẻ của “Thử thách Momo” cũng như động cơ việc làm của người này. Tuy nhiên hành động đó đang bị lên án gay gắt bởi cộng đồng xã hội.

Thực tế đã chứng minh Momo không thực sự nguy hiểm như những gì người ta đang lo sợ. Thế nhưng các câu chuyện xoay quanh thử thách này lại ngày một nóng lên ngay trên chính mâm cơm của mỗi hộ gia đình.

Dù không tìm ra người đã bắt đầu câu chuyện này, không khó để chỉ ra những thế lực đã tiếp tay biến Thử thách Momo thành tin đồn chấn động mạng xã hội. Đó là hàng loạt các tài khoản YouTube, các fanpage và các kênh truyền thông đang ngày đêm chia sẻ tin tức, câu chuyện xoay quanh chủ đề Momo, cố gắng khai thác thông tin về sự kiện này trên mọi góc cạnh.

Ai đã tiếp tay cho Thử thách Momo, tin đồn ác ý làm náo động xã hội?

Trên Youtube và các trang mạng không giấy phép xuất hiện rất nhiều nội dung ăn theo trào lưu Thử thách Momo. Với hàng trăm nghìn lượt xem và chia sẻ, đây chính là thế lực tiếp tay khiến Momo ngày càng được biết đến nhiều hơn.

Chính những kênh thông tin này đã góp phần thổi phồng, thậm chí thêm thắt câu chuyện thêm phần rùng rợn hơn, để biến nó trở thành một đề tài nóng nhằm thu hút sự chú ý. Cứ như vậy, Momo Challege hay Thử thách Momo lại ngày càng được biết đến nhiều hơn, chia sẻ với tốc độ chóng mặt hơn và trở thành một con “ngáo ộp” sẵn sàng đe dọa tất cả mọi người.

Đưa thông tin để cảnh báo về hiểm họa liên quan đến Thử thách Momo là việc nên làm. Thế nhưng, các kênh truyền thông nên đưa thông tin một cách có trách nhiệm, có kiểm chứng rõ ràng, để mọi người hiểu đúng, hiểu trúng về Thử thách Momo. Việc ngăn chặn các tin tức giật gân ăn theo Thử thách Momo giờ đây lại là câu chuyện từ phía các cơ quan quản lý nhà nước.

Ai đã tiếp tay cho Thử thách Momo, tin đồn ác ý làm náo động xã hội?

Một khi những kẻ sáng tạo ra Momo thấy hành động của mình mang lại hiệu quả truyền thông, chúng sẽ còn tiếp tục tạo ra nhiều thông tin độc hại hơn và reo rắc chúng trên các trang mạng xã hội.

Cách tốt nhất để đối phó với Thử thách Momo là phớt lờ nó. Khi kẻ tạo ra nội dung xấu không đạt được cái mà chúng muốn (người xem), tự những nội dung độc hại như vậy sẽ biến mất.

Nếu không làm như vậy, chính chúng ta sẽ vô tình hay cố ý tiếp tay cho Momo và khiến tin đồn cũng như tầm ảnh hưởng của câu chuyện này ngày càng xa hơn nữa. Đó cũng chính là hành động dung dưỡng cho những kẻ đã, đang và sẽ tạo ra cũng như phát tán những nội dung đáng sợ này.

Tác giả: Trọng Đạt

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok