Kinh tế

Ai cản trở, ai thao túng chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Sơn (Thành phố Đà Nẵng) thẳng thắn đặt ra vấn đề này trong phiên thảo luận chiều 9/6 tại nghị trường Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn nói rằng, vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, câu chuyện cố tình trì hoãn, kéo dài thời gian làm chậm tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa có hồi kết nhưng chưa được xử lý triệt để.

"Được biết, tổng giá trị vốn thuộc sở hữu nhà nước từ 50% trở lên trong các doanh nghiệp là khoảng 5,4 triệu tỷ đồng, số người nhà nước tham gia quản lý khối tài sản này không hề nhỏ. Đi cùng với nó là chế độ, là quyền lợi, là chính sách với họ.

Có một câu hỏi, phải chăng đây chính là lý do cản trở chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, một chủ trương lớn, mở đường giải phóng nguồn vốn dành cho đầu tư phát triển trong tương lai.

Cử tri Đà Nẵng luôn đặt câu hỏi với chúng tôi rằng có hay không sự thao túng của nhóm lợi ích trong câu chuyện này. Thật khó có thể trả lời rằng không, vì khi ở đâu đó hiện tượng thâu tóm cổ phần, biến tài sản công thành tài sản tư, làm giàu một cách rõ ràng không bình thường vẫn đang diễn ra", ông Sơn nói.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Sơn đề nghị Chính phủ ngăn chặn hiện tượng thao túng, lợi dụng cổ phần hóa. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội.

Vị đại biểu đoàn Đà Nẵng cũng thẳng thắn đặt ra hiện tượng một số người có chức có quyền trong doanh nghiệp nhà nước và người thân của họ lợi dụng việc nắm giữ thông tin, thao túng quá trình cổ phần hóa, chuyển những lô đất vàng được đánh giá với giá trị thấp nhưng sau khi cổ phần hóa được bán ra với giá cao ngất ngưởng mà không thể tìm thấy bất cứ lý do nào dẫn đến sự tác động làm cho đột biến tăng giá như vậy.

"Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ trong nhiệm kỳ này. Vì vậy, kính đề nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể để người dân yên tâm", ông Sơn kiến nghị.

Đối với vấn đề thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Đại biểu Nguyễn Bá Sơn nhận định, một trong các mục tiêu quan trọng của thu hút đầu tư nước ngoài là tạo ra sự lan tỏa từng bước chuyển giao công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phục vụ phát triển lâu dài.

Tôi thấy rằng nếu trạng thái này tiếp tục tồn tại thì mục tiêu chuyển giao công nghệ cho phát triển lâu dài của chúng ta sẽ còn gặp nhiều khó khăn."Theo quan sát của tôi, việc thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian vừa qua vẫn nằm trong trạng thái biệt lập giữa 2 khu vực, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Tôi nhận thấy trong báo cáo của Chính phủ mới chỉ dừng lại ở các con số mà lẽ ra cần nhiều hơn những thông tin phân tích, đánh giá về hiệu quả sử dụng nguồn vốn FDI, hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp này.

Thời gian qua Chính phủ đã có nhiều chính sách ưu đãi, trải thảm đón doanh nghiệp FDI, chúng ta cũng ghi nhận những thành quả đóng góp của khu vực kinh tế này, nhưng không phải không có những vấn đề cần phải quan tâm nhiều hơn: hiện tượng chuyển giá, hạch toán lỗ trong khi vẫn xin mở rộng quy mô đầu tư, chuyển nhượng dự án gây thất thoát, kém hiệu quả, thậm chí có những dự án không thể đi vào vận hành.

Tình trạng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, lợi dụng đầu tư để tuồn máy móc, công nghệ lạc hậu vào trong nước đã gây ra những hậu quả khó lường, gây bức xúc dư luận, bất an xã hội nảy sinh từng ngày. Những vấn đề này rất mong được Chính phủ nghiên cứu, xem xét", ông Sơn nêu quan điểm.

Một tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định đóng tại Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Đại Nguyên Dương bị gỉ sét vỏ tàu sau vài tháng xuất xưởng - Ảnh: CÔNG VĨNH (Tuổi Trẻ)

Làm rõ trách nhiệm sau khi hàng loạt tàu đánh cá vỏ thép hư hỏng

Vị đại biểu đến từ thành phố có tiềm năng khai thác kinh tế biển rất lớn (Đà Nẵng - PV) cũng nêu ra một thực trạng là: "Vui mừng khi sản lượng thủy sản xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng nhưng không khỏi lo lắng khi vẫn còn đó những doanh nghiệp thủy sản lớn ở khu vực miền Trung, khu vực trọng điểm về thủy sản, không đủ nguyên liệu trong nước để sản xuất, phải nhập khẩu từ nước ngoài để duy trì sản xuất, để hoàn thành các hợp đồng đã ký kết và để giữ chân khách hàng".

Những ngày gần đây, dư luận lại nóng lên vì câu chuyện trong số 37 con tàu đánh cá vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ, mới chỉ đóng có 37 con tàu thôi mà có đến 18 con tàu trong số đó hư hỏng nặng sau một vài chuyến đi biển.

Đã có một chiếc phải nằm lại trong lòng biển khơi, số còn lại buộc phải nằm bờ.

Ngư dân đóng tàu để vươn khơi, sản xuất và thực hiện nhiệm vụ tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Có vị đại diện của một công ty đóng tàu giải thích tàu hỏng do nước biển mặn.

Ông Sơn phát biểu:"Tôi không thể bình luận nổi câu trả lời này, nhưng tôi biết chắc chắn trong khi những sai phạm tưởng chừng mười mươi đã rõ, khi các bên liên quan trong vụ này vẫn còn đang tranh cãi, thậm chí tìm cách chối bỏ trách nhiệm của mình thì từng ngày, tình cảnh của những ngư dân càng trở nên khó khăn, nợ ngân hàng đến hạn phải trả nhưng không thể, lãi trồng lên nợ trong khi con đường đòi lại công bằng của ngư dân chắc chắn còn không ít gian nan, thì nợ xấu lại có nguy cơ tiếp tục gia tăng.

Một chủ trương lớn, đúng đắn tạo niềm tin trong nhân dân của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về phát triển kinh tế biển kết hợp bảo vệ chủ quyền biển đảo đang có nguy cơ không đạt được mục tiêu đề ra.

Cuộc sống của ngư dân ngày càng trở nên bất ổn, bà con ngư dân các tỉnh duyên hải và cử tri cả nước trông chờ sự ra tay quyết liệt của Chính phủ để giải quyết dứt điểm câu truyện này không để cái xảy nảy cái ung".

Tác giả: Ngọc Quang

Nguồn tin: Báo Giáo dục Việt Nam

  Từ khóa: cố phần hóa , Doanh nghiệp

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok