Kinh tế

Agribank hỗ trợ LS sai quy định, để cán bộ chiếm dụng, tham ô hơn 270 tỷ đồng

Báo cáo Kiểm toán năm 2016 của Kiểm toán Nhà nước cho biết, năm 2015, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã để cán bộ chiếm dụng, tham ô 270,50 tỷ đồng, ngoài ra còn hỗ trợ lãi suất sai quy định 99,73 tỷ đồng.

Agribank để cán bộ chiếm dụng, tham ô hơn 270 tỷ đồng. (Ảnh: Tuổi trẻ).

Theo báo cáo Kết quả Kiểm toán năm 2016 của Kiếm toán Nhà nước (KTNN), năm 2015, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã để cán bộ chiếm dụng, tham ô 270,50 tỷ đồng. Ngân hàng này cũng hỗ trợ lãi suất sai quy định 99,73 tỷ đồng.

Công tác hạch toán của Agribank còn nhiều sai sót, Agribank đã xác nhận gặp nhiều sai sót đối với dự phòng rủi ro tín dụng, KTNN cho biết Agribank trích lập thiếu dự phòng rủi ro tín dụng 2.848,7 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, KTNN cho biết, hầu hết các chi nhánh của Agribank được kiểm toán còn sai sót về trình tự, thủ tục cho vay. Một số khoản vay ngân hàng này thẩm định thiếu chặt chẽ, thiếu tài sản đảm bảo, giải ngân không đúng mục đích, không được kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay.

Tính đến 31/12/2015, Agribank có 6/9 công ty con lỗ lũy kế với tổng số tiền 12.431 tỷ đồng; trích lập dự phòng rủi ro đầu tư chứng khoán kinh doanh 53,7 tỷ đồng (bằng 48,1% giá trị đầu tư).

Nợ xấu của Agribank nếu tính cả nợ đã bán cho VAMC là 73.472 tỷ đồng, chiếm 10,7% tổng dư nợ. Trong khi đó, nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng đến 31/12/2015 tính đầy đủ (cả nợ tồn đọng tại VAMC, nợ được cơ cấu lại, nợ chưa chuyển nhóm nợ xấu theo kết luận thanh tra NHNN) là 476,86 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,85% tổng dư nợ.

Kiểm toán Nhà nước còn cho biết thêm, Công ty Tài chính Cao su gửi 599,50 tỷ đồng tại Công ty cho thuê tài chính II - Ngân hàng Agribank từ năm 2009 chưa thu hồi được.

Một số tổ chức tín dụng trong thời gian tái cơ cấu chưa trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro tín dụng, ngoài Agribank, KTNN cũng điểm danh thêm Maritime Bank.

Mặc dù báo cáo Kiểm toán chỉ ra nhiều sai sót của Agribank, tuy vậy KTNN cũng cho biết, năm 2015, đơn vị này cơ bản hoàn thành nhiệm vụ được giao, kinh doanh có lãi với 3.133,01 tỷ đồng.

Ngoài ra, báo cáo cũng điểm danh một loạt các sai sót của các tổ chức tín dụng khác.

Cụ thể, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB) cũng mắc lỗi hạch toán kế toán. Theo đó, VCB chưa hạch toán theo phương pháp dồn tích đối với các khoản lãi và phí phải thu thẻ tín dụng. Từ năm 2001 đến nay, ngân hàng này chưa tính và hạch toán đầy đủ trên hệ thống phần mềm tiền lãi của các tài khoản tiền gửi không kỳ hạn nhỏ hơn 1.000 VND hoặc 0,1 đơn vị ngoại tệ.

Một số đơn vị còn tồn tại nhiều khoản công nợ phải thu tồn đọng từ nhiều năm, chưa được thu hồi và xử lý dứt điểm. Cụ thể, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) còn tồn đọng 15,6 tỷ đồng của 57 doanh nghiệp SCIC đã bán hết vốn (nhiều khoản phát sinh từ năm 2007, 2008). Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex PJICO để cán bộ chiếm dụng 0,81 tỷ đồng.

Tác giả: Nam Anh

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok