Thế giới

Ả Rập Saudi "chảy máu" tài sản

Riyadh bắt giữ 201 người để thẩm vấn trong chiến dịch trấn áp tham nhũng đang diễn ra

Giới lắm tiền nhiều của ở Ả Rập Saudi đang chuyển tài sản ra khỏi khu vực để tránh nguy cơ bị liên lụy trong chiến dịch bài trừ tham nhũng đang diễn ra trong nước.

Một số tỉ phú, triệu phú Ả Rập Saudi đang chuyển nhượng các khoản đầu tư ở những nước láng giềng thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) - một số nguồn tin giấu tên nói với hãng tin Bloomberg hôm 9-11. Ngoài ra, một số người còn bàn với các ngân hàng, công ty quản lý tài sản về chuyện chuyển tiền ra bên ngoài Ả Rập Saudi.

"Rõ ràng là nhiều nhà đầu tư ở nước ngoài đang đánh giá lại quan điểm của họ về vùng Vịnh như là một khu vực ổn định và có thể dự báo được cho công việc kinh doanh" - chuyên gia Philippe Dauba-Pantanacce tại Ngân hàng Standard Chartered (Anh) nhận định.

Ngân hàng Trung ương Ả Rập Saudi đã yêu cầu các ngân hàng trong nước đóng băng tài khoản của hàng chục cá nhân chưa bị bắt giữ, cũng như tài sản của những người đang bị tạm giam. Thêm vào đó, Ngân hàng Trung ương Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất đã yêu cầu các tổ chức tài chính cung cấp thông tin cụ thể về tài khoản của 19 công dân Ả Rập Saudi.

Hoàng tử Al-Waleed bin Talal, người giàu thứ 61 trên thế giới, bị bắt trong chiến dịch chống tham nhũng ở Ả Rập Saudi. Ảnh: INDEPENDENT

Cuộc thanh trừng trên ảnh hưởng đến một số gia đình giàu nhất Ả Rập Saudi. Trong nhiều thập niên, họ hưởng lợi từ mối quan hệ gần gũi với giới lãnh đạo vương quốc này - những người giúp họ giành được những hợp đồng lớn và sự hợp tác với các công ty quốc tế muốn tìm chỗ đứng ở nền kinh tế lớn nhất thế giới Ả Rập.

Ông Jason Tuvey, nhà kinh tế Trung Đông, nhận định dù nỗ lực trấn áp tham nhũng được hoan nghênh nhưng "tốc độ và quy mô của chiến dịch khiến một số nhà đầu tư hoang mang". Một nỗi lo khác, theo ông Tuvey, là tình hình chính trị kém ổn định có thể dẫn đến một giai đoạn "chảy máu vốn", buộc Ngân hàng Trung ương Ả Rập Saudi sử dụng nguồn dự trữ ngoại hối với nhịp độ nhanh hơn.

Trước mắt, các vụ bắt giữ trong cuộc chiến chống tham nhũng ở Ả Rập Saudi đã thúc đẩy các nhà đầu tư trong khu vực bán tài sản. Tính đến ngày 8-11, làn sóng bán tống bán tháo cổ phiếu khắp GCC đã khiến 17,6 tỉ USD "bốc hơi" khỏi các thị trường chứng khoán. Trước đó một ngày, các nhà đầu tư vùng Vịnh đã bán số cổ phiếu trị giá 92,5 triệu USD ở Dubai - Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, mức cao nhất kể từ tháng 2 năm nay.

Dựa trên các cuộc điều tra trong 3 năm qua, nhà chức trách Ả Rập Saudi ước tính ít nhất 100 tỉ USD đã bị sử dụng sai trái "thông qua các hành vi tham nhũng, biển thủ có hệ thống trong suốt nhiều thập kỷ" - tuyên bố của Tổng chưởng lý Ả Rập Saudi Sheikh Saud Al Mojeb cho biết hôm 9-11. Thêm vào đó, 208 cá nhân đã bị triệu tập để thẩm vấn nhưng chỉ 7 người trong số đó được thả. Tuy nhiên, giới chức Ả Rập Saudi không công bố danh tính những người bị bắt.

Chiến dịch chống tham nhũng diễn ra vào thời điểm Riyadh đang phải vất vả đương đầu với tình trạng giá dầu chưa hồi phục trong lúc tỉ lệ thất nghiệp tăng. Nỗi lo về sự đối đầu đang tăng giữa Ả Rập Saudi và Iran cũng đang khiến các nhà đầu tư từ bỏ cổ phiếu trong khu vực.

"Nhiều tiền bạc của GCC đã ở bên ngoài khu vực này, đặc biệt là ở TP Paris - Pháp, Geneva, Zurich (2 thành phố của Thụy Sĩ) và châu Á. Các trung tâm tài chính này sẽ tiếp tục hưởng lợi nếu như có thêm nhiều tiền nữa được chuyển ra" - chuyên gia Sergey Dergachev của Quỹ Đầu tư Union Investment Privatfonds GmbH (Đức) dự báo.

Nỗi lo xảy ra xung đột mới ở Lebanon

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 9-11 đến Ả Rập Saudi giữa lúc căng thẳng trong quan hệ giữa nước chủ nhà và Iran leo thang vì tình hình Lebanon và Yemen. Phát biểu trước khi gặp Thái tử Mohammed bin Salman ở Riyadh, ông Macron cho rằng điều quan trọng là cần đối thoại với tất cả các bên liên quan và Pháp có vai trò trong việc duy trì hòa bình ở Trung Đông. Truyền thông Ả Rập Saudi cho biết Tổng thống Macron và Thái tử Mohammed đã bàn về những diễn biến mới nhất của Trung Đông và nỗ lực của 2 bên nhằm bảo đảm an ninh, ổn định tại khu vực, trong đó có cuộc chiến chống khủng bố.

Tình hình Lebanon cũng được thảo luận tại cuộc gặp giữa lúc có nỗi lo xung đột mới có thể nổ ra ở nước này sau khi một số nước kêu gọi công dân rời khỏi đó càng sớm càng tốt, trong đó có Ả Rập Saudi. Trước đó, vào cuối tuần, ông Saad al-Hariri bất ngờ thông báo quyết định từ chức Thủ tướng Lebanon, lấy lý do tính mạng ông bị đe dọa và sự kiểm soát của Iran đối với quốc gia mình.

Dù vậy, giới chức chính phủ Lebanon hôm 9-11 cáo buộc Riyadh cầm giữ ông al-Hariri sau khi buộc nhà lãnh đạo này từ chức. Một quan chức cấp cao Lebanon nói chính phủ nước này chưa nhận được đơn xin từ chức của ông al-Hariri nên vẫn xem ông là thủ tướng. Cùng ngày, kênh Al-Jazeera dẫn một số nguồn tin nói thủ tướng Lebanon có thể đang bị quản thúc tại gia hoặc tạm giam ở Riyadh. Theo đài này, Tổng thống Lebanon Michel Aoun sẽ sớm kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp tìm hiểu lý do đằng sau tuyên bố từ chức bất ngờ của ông al-Hariri.Hoàng Phương

Tác giả: LỤC SAN

Nguồn tin: Báo Người lao động

  Từ khóa: Ả Rập

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok