Giáo dục

Á khoa khối B xứ Nghệ: Làm gia sư từ năm lớp 6!

Gia cảnh khó khăn, cậu học trò Trần Quốc Trường đi làm gia sư từ năm lớp 6 để kiếm tiền giúp bố mẹ trang trải cuộc sống. Yêu thích nghề giáo nhưng Trường cho biết em sẽ chọn trường Y, trước tiên là để có thể chữa bệnh cho bố, sau nữa là trở thành một bác sỹ giỏi chữa bệnh cứu người.


akhoakhoibxunghelamgiasutunamlop6
Với 28,2 điểm, cậu học trò trường huyện Trần Quốc Trường trở thành Á khoa khối B Nghệ An.

Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, Trần Quốc Trường (lớp 12A1, Trường THPT Bắc Yên Thành, Nghệ An) đạt 28,2 điểm xét tuyển đại học khối B (trong đó Toán: 9, Hóa: 9,8, Sinh 9,4). Trường là học sinh có điểm xét tuyển ĐH cao nhất trường THPT Bắc Yên Thành, xếp thứ 2 tỉnh Nghệ An và đứng vị trí 21 trong danh sách 100 thí sinh có điểm xét tuyển ĐH khối B cao nhất cả nước.

“Tôi không bất ngờ về kết quả thi của Trường bởi đó là thành quả xứng đáng cho những nỗ lực không mệt mỏi của em. Năm lớp 11, Trường đạt giải Ba Học sinh giỏi môn Hóa học toàn tỉnh, 3 năm liền là học sinh giỏi toàn diện”, thầy giáo Nguyễn Văn Trọng - giáo viên dạy Hóa, tự hào về học trò cưng của mình.

Ít ai biết rằng cậu học trò này có tới 7 năm đi làm gia sư. Nhà Trường làm nông, bố mẹ xoay sang phát kiển kinh tế bằng nghề dịch vụ (xay xát lúa) để có thể trang trải đủ cho cuộc sống. Bố Trường bị sỏi thận, đã trải qua 2 lần phẫu thuật, mẹ bị bệnh phổi sức khỏe kém nhưng cả hai làm cả ngày không ngơi tay, chỉ khi nào mệt quá mới chịu nghỉ. Là anh cả trong gia đình có 2 anh em, ngay từ nhỏ Trường đã ý thức được trách nhiệm của mình trong gia đình.

“Em bắt đầu đi gia sư từ năm học lớp 6. Một phần vì yêu thích nghề giáo, một phần vì muốn san sẻ với bố mẹ một phần gánh nặng kinh tế. Ít nhất với số tiền từ gia sư, em có thể tự mua sắm sách vở hay tài liệu tham khảo cho mình”, Trường tâm sự.

2akhoakhoibxunghelamgiasutunamlop6
Bí quyết của Trường là yêu từng môn học và tìm niềm vui trong kho tàng kiến thức vô tận của nhân loại.

Đi gia sư nhưng Trường không lơ là nhiệm vụ chính của mình là học. Hỏi bí quyết, Trường cười: “Bí quyết của em không có gì ngoài 1 từ: “yêu”. Phải yêu những môn học của mình, “say” với những kiến thức mà mình chưa tích lũy để học. Từ “yêu”, “say”, em tìm thấy niềm vui trong kho tàng kiến thức vô hạn mà mình chưa có để từ đó học một cách nghiêm túc. Học là để tích lũy kiến thức cho mình chứ không phải vì điểm số. Hơn nữa em có những người thầy, người cô tận tâm, bày dạy cho mình, tìm cho em những quyển sách quý để học, không bao giờ từ chối bất kỳ câu hỏi nào của học trò”.

Với những kiến thức tích lũy từ những bài giảng của thầy cô, những cuốn sách tham khảo mua từ những đồng tiền chắt chiu dạy thêm, Trường mượn thêm tài liệu của các anh chị đi trước rồi tự mình mày mò cách giải.

“Nhiều khi thấy con ham học, học đến gầy sọp cả người thương lắm. Nó bảo, nhà mình nghèo, chỉ có học, học thật giỏi mới có nhiều cơ hội thoát nghèo. Học rứa nhưng nghỉ ngày mô là tranh thủ đi dạy thêm, phụ giúp bố mẹ việc nhà. Thấy con được điểm cao cũng mừng nhưng cũng lo. Bố mẹ bệnh tật, sức khỏe yếu, sợ không kham nổi chi phí học tập 4-5 năm học của Trường. Thi xong, các bạn nghỉ ngơi, đi chơi nhưng thấy con tất tả đạp xe đi dạy thêm để lo tiền trang trải khi nhập trường, mẹ thương lắm, chỉ biết động viên cả gia đình đều cố gắng”, chị Phan Thị Phượng - mẹ của Trường chia sẻ.

3akhoakhoibxunghelamgiasutunamlop6
Trần Quốc Trường (thứ hai từ trái qua) cùng các bạn thân trong lớp.

Cộng với 1,5 điểm ưu tiên, tổng điểm xét tuyển ĐH của Trần Quốc Trường là 29,7 điểm. Với số điểm này, Trường cho biết em sẽ nộp hồ sơ vào Trường ĐH Y Hà Nội. “Hồi nhỏ em mơ ước được làm thầy giáo nhưng 2 lần đưa bố đi bệnh viện để phẫu thuật, chứng kiến nỗi đau đớn của bố, của các bệnh nhân cùng phòng, chứng kiến những công việc thầm lặng của các y bác sỹ đang nỗ lực cứu chữa cho người bệnh, em nuôi dưỡng ước mơ trở thành bác sỹ từ đó. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để trở thành một người bác sỹ tốt, xoa dịu nỗi đau của người bệnh bằng chuyên môn giỏi và tấm lòng nhân ái”, Trường tâm sự.

Trong lúc chờ đợi kết quả xét tuyển đại học, ngày ngày Trường vẫn đạp xe đi gia sư. “Học Y rất tốn kém nên em cố gắng tự lo cho mình được bao nhiêu thì bố mẹ sẽ bớt vất vả bấy nhiêu”, Á khoa khối B xứ

Tác giả bài viết: Hoàng Lam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok