1001 điều đáng sợ về mẹ: Lột sạch đồ khi bị đuổi khỏi nhà, viết gần 100 bản kiểm điểm vì…tè dầm, học dốt
Đòn roi, quát nạt có lẽ là kí ức "yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi" mà rất nhiều bạn trẻ đã từng trải nghiệm.
Tuổi thơ của nhiều người trẻ thế hệ 9X, không phải là smartphone, game trực tuyến mà gắn liền với những buổi trốn học bắn bi, những bản kiểm điểm lời phê vì học kém, cả những trận đòn roi vì đội mưa đội nắng đi chơi về muộn.
Nghĩ về quá khứ, cậu bạn đất Cảng Nguyễn Trọng Nguyên (SN 1995, biên tập
viên, Hà Nội) cũng từng có một "tuổi thơ dữ dội" như thế. Với cậu, có đến 1001 điều đáng sợ mang tên "mẹ".
Cô Nguyễn Thị Lương (SN 1972, giáo viên mầm non, Hải Phòng) – mẹ của Nguyên luôn răn dạy cậu bằng nhiều hình thức khá nghiêm khắc.
Vốn mải chơi, lại là cậu trai đang tuổi trưởng thành, những năm cấp hai, thành tích học tập của Trọng Nguyên vốn chẳng bao giờ vượt lên khỏi top cuối của lớp. Thấy con mình bền bỉ giữ hạng chót về thành tích học tập, mẹ của Nguyên luôn đau đầu tìm cách để cậu chăm chỉ hơn.
Nhưng không phải người mẹ nào làm giáo viên cũng bình tĩnh dùng nghiệp vụ Sư phạm để dạy dỗ con cái. Những lúc nóng giận, cô Lương thường đuổi Nguyên ra khỏi nhà.
Năm lần bảy lượt bị đuổi, Trọng Nguyên đều im lặng để nghe mẹ "tổng sỉ vả". Nhưng rồi "tức nước vỡ bờ", cậu trai ấy rồi cũng hằn học khó chịu vì bị mẹ mắng mỏ.
Cô Lương từng là nỗi sợ của cậu con trai. |
Khi bị mẹ đuổi đi lần thứ n, Nguyên bỏ đi thật. Nguyên kể: "Bị đuổi nhiều rồi mà mặt dày nên cứ cố ở lại nghe mẹ chửi, nhưng lần đó, chẳng hiểu sao mình lại gan quay đầu bỏ nhà đi thật.
Ra khỏi cổng thì mẹ bảo dừng lại. Mẹ nói: "Quần áo này mẹ mua cho mày, cởi ra mới được đi". Bố thì đứng cười bởi cảnh cãi vã trong nhà xảy ra nhiều hơn cơm bữa. Mẹ thì đuổi đi. Trước tình hình chẳng ai giúp đỡ níu kéo ấy, thế là… Nguyên cởi hết ra.
Lột sạch đồ để lại rồi đi ra đến cổng, mẹ đã đuổi theo, tức giận ném cả chiếc lược vào người mình rồi chửi: "Nói thế mà đi thật, ngu vừa thôi". May mà không bị đuổi đi thật chứ không thì hài hước lắm".
Bẵng đi một thời gian không bị mẹ dọa đuổi ra khỏi nhà, anh chàng lại bị ám ảnh bởi hình thức phạt mới của mẹ.
Tuổi thơ của bạn trai nào cũng có vài lần trốn học, trốn nhà đi chơi. Nhưng hên xui, có người bị bắt và bị đòn roi; có người lại được tha bổng hoặc trốn thành công không bị phát hiện.
"Nhiều bạn rất hên, còn mình thì xui"- Đó là điều Nguyên tự nhận định về mỗi lần bỏ nhà đi chơi của mình.
Vì bị nhốt trong nhà khi bố mẹ đi làm, cậu đã từng trèo tường ra khỏi nhà để đi chơi với bạn. Chẳng may, trèo tường, tường đổ. Lỗi lầm to lớn này đã nhanh chóng được mẹ phát hiện ra và xử lí theo một cách rất khác.
Ngoài những câu "tổng sỉ vả" quen thuộc, mẹ của Nguyên lại bắt cậu bạn viết bản kiểm điểm xin chữ kí cô giáo để..treo giữa nhà. Chuyện ngược đời là ở trường học, giáo viên vẫn bắt bạn viết bản tường trình, bản kiểm điểm khi phạm lỗi rồi xin chữ kí phụ huynh để răn dạy học trò.
Còn với mẹ của Nguyên, cứ phạm một lỗi là một lần tự tay viết bản kiểm điểm mang đến cho cô giáo chủ nhiệm xin chữ kí để về…treo giữa nhà cho nhớ. Trốn học, điểm kém, làm hỏng đồ đạc, thậm chí là…tè dầm những ngày cấp 1, Nguyên đều phải xin chữ kí rồi treo đầy nhà.
Gần 100 bản kiểm điểm ấy là điều đáng sợ ám ảnh cậu bạn suốt cả một thời gian dài. Ngỡ tưởng chỉ có mẹ dùng biện pháp mạnh làm cậu bạn bị ám ảnh, nhưng đã có ít nhất 1 lần, Nguyên làm mẹ khóc và đau lòng.
Ngày lớp 5, sau một trận cãi vã lớn, cô Lương đã nóng giận nói: "Nếu mày còn cãi nữa thì mày đừng gọi mẹ là mẹ nữa". Tức tối vì những lời mẹ nói, cậu bạn đã làm theo và không gọi mẹ suốt 3 ngày liền.
Nguyên kể: "Những lúc ăn cơm thì mình chỉ nói là "con mời", mẹ đi làm thì chỉ nói là "Con chào" chứ nhất quyết không thêm chữ mẹ. Đến ngày thứ ba thì mẹ khóc khi nghe câu "Con chào" và nói: "Mày đối xử với mẹ thế đấy à?".
Mẹ khóc to lắm, cứ thế ngồi xuống mà khóc nức nở làm mình cũng khó xử. Lúc đó dù đã xin lỗi và hai mẹ con làm lành nhưng kí ức ấy vẫn làm Nguyên cảm thấy có lỗi với mẹ nhất từ khi sinh ra".
Cậu bạn đã từng làm mẹ bật khóc vì...không gọi mẹ trong 3 ngày. |
1.500 ngày đều đặn gọi Skype cho mẹ và những giọt nước mắt để đời
Ngỡ rằng có đến 1001 điều đáng sợ về mẹ nhưng mỗi khi nhớ lại những chuyện đã qua, điều chàng trai đất Cảng khắc ghi luôn là những giọt nước mắt và tình yêu thương vô bờ bến của mẹ.
Cô Lương vẫn thường kể cho các con nghe về "tình yêu trứng vịt lộn" giữa mình và chồng. Ngày ấy cô Lương còn là phụ bếp, bố của Nguyên khi ấy là đầu bếp đã "cưa đổ" mẹ của cậu bạn bằng những quả trứng vịt lộn.
Kinh tế khó khăn, đó cũng là những món quà đắt giá nhất họ trao cho nhau. Ngày bố Nguyên quỳ xuống cầu hôn mẹ cậu với lời dọa: "Nếu không cưới anh, anh sẽ về làm loạn cả quê nhà em", cặp vợ chồng đã nên duyên một cách đầy hài hước như thế.
Gia đình hiện tại của Nguyên rất hạnh phúc. |
Thời ấy, gia đình còn nhiều khó khăn mọi chuyện mẹ Nguyên đều phải gồng gánh hết. Những lần mẹ bất lực ngồi khóc một mình, Nguyên đều trông thấy và thương mẹ vô cùng.
Có lần mẹ chỉ có 10.000 đồng trong túi, cả nhà chỉ ăn 1 đĩa rau luộc chấm mắm trong bữa cơm. Mẹ phải giải thích và cố nhường cho con cái.
Nhớ lại cảm xúc câu mẹ nói: "Nhà nghèo lắm, con cố ăn nhé", đến giờ cậu bạn vẫn thấy đau lòng trước dòng nước mắt của mẹ. Đó cũng là động lực để Nguyên vươn lên từng ngày.
Khác với những lần giận dữ, đanh đá khi quát nạt con cái, thực ra mẹ của Nguyên là người phụ nữ sống rất tình cảm và yếu đuối.
Cậu kể: "Mẹ và mình yêu động vật lắm. Nhà mình từng nuôi con chó tên Bông. Vì nghèo quá nên phải bán cho người mua chó dạo. Lúc họ sang tận nhà bắt Bông đi, mẹ và mình đều không dám nhìn cảnh đau lòng ấy.
Mẹ khóc 2 ngày trời, rồi sau đó mẹ đòi chuộc về nhưng chó đã bị giết rồi nên mẹ cứ hối hận mãi. Âu cũng vì nghèo quá mà thôi".
Mỗi lần xem những chương trình xúc động "Như chưa hề có cuộc chia li" hay những bộ phim cảm động, mẹ và Nguyên đều khóc ngon lành trong khi bố thì bật cười khúc khích. 4 năm xa nhà lên Hà Nội học tập, mỗi lần về là một lần mẹ khóc thầm vì lo cho cậu con trai học xa.
Nguyên chia sẻ: "Năm nhất Đại học đợt nghỉ Tết, đến ngày cuối phải xếp đồ lên Hà Nội học thì mẹ mình vừa thu dọn vừa khóc. Cảnh tượng ấy khiến mình nhớ mãi và luôn hiểu được mẹ thương yêu mình nhiều thế nào".
Bạn bè vẫn ghen tị mãi với cậu bạn về việc ngày nào mẹ cũng gọi điện lên. 1.500 ngày sống xa nhà là quãng thời gian đều đặn cậu gọi Skype về cho mẹ.
Cô Lương và con trai luôn dành thời gian rảnh mỗi tối để Skype nói chuyện. |
Cậu bạn khoe tài nấu nướng để mẹ an tâm. |
Tối nào cũng vậy, hai mẹ con lại gọi để kể cho nhau nghe về công việc suốt 1 ngày. Dù đang đi sinh nhật bạn, đi chơi…thì Nguyên vẫn tạm dừng để gọi điện cho mẹ như một thói quen. Biết con hay dẫn chương trình về muộn, điều mẹ Nguyên lo nhất là chuyện cậu không ăn đủ no, đi đường có cẩn thận hay không.
Dù đã từng có một thời là nỗi sợ hãi của Nguyên, nhưng cậu bạn luôn hiểu rằng, mẹ làm mọi chuyện đều vì quá yêu thương con cái và gia đình.
Tác giả: Thùy Trang
Nguồn tin: Báo Trí thức trẻ