|
Thuế nhập khẩu ô tô từ các nước liên minh châu Âu (EU) vào Việt Nam (VN) hiện nay rất cao, 65%-75%. Cộng thêm nhiều loại thuế, phí khác nữa nên khi tới tay người tiêu dùng VN, giá ô tô từ EU thường đắt gấp 2-3 lần bán tại các nước thuộc khu vực này.
Khi Hiệp định Thương mại tự do VN-EU (EVFTA) có hiệu lực, hàng loạt thuế nhập khẩu, trong đó có thuế nhập khẩu ô tô cũng như linh kiện, phụ tùng ô tô từ EU sẽ giảm dần về 0%. Chính vì vậy, nhiều người kỳ vọng giá ô tô nhập khẩu từ khu vực này sẽ rẻ hơn.
Ô tô nhập giảm cả tỉ đồng nhưng phải đợi
Theo thỏa thuận trong EVFTA, VN cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với ô tô phân khối lớn dung tích động cơ trên 3L cho động cơ xăng và trên 2,5L cho động cơ diesel sau chín năm hiệp định có hiệu lực. Với các loại ô tô khác, thuế nhập khẩu sẽ về 0% sau 10 năm.
Hiện nay các dòng xe nhập khẩu từ EU chủ yếu là xe hạng sang như BMW, Mercedes, Audi, Volvo, Maserati... Những dòng xe này thường có giá từ vài tỉ đồng trở lên, chủ yếu dành cho phân khúc người tiêu dùng có thu nhập cao.
Đại diện truyền thông hãng xe Mercedes-Benz cho biết các mẫu xe nhập khẩu của hãng này từ EU về VN có thuế suất nhập khẩu khoảng 65%. Cộng thêm các loại thuế và phí, giá xe chào bán tại VN thường cao gấp 2-3 lần giá bán nội địa ở châu Âu.
Khi hiệp định có hiệu lực, thuế nhập khẩu về 0%, giá xe ban đầu sẽ cắt giảm được 65% theo thuế nhập khẩu. Sau đó, các loại thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng cũng giảm đi. “Tuy nhiên, vẫn phải chờ hướng dẫn chi tiết, lộ trình giảm thuế áp dụng cụ thể ra sao thì hãng mới có thể tính chính xác giảm giá xe ra sao, giảm bao nhiêu” - vị đại diện này chia sẻ.
Khách hàng kỳ vọng được mua ô tô với giá hợp lý khi EVFTA chính thức có hiệu lực. Ảnh: QUANG HUY |
Trong khi đó, đại diện một công ty chuyên nhập khẩu ô tô từ EU tính toán khi thuế nhập khẩu về 0%, giá xe sẽ giảm khá nhiều. “Ước tính giá xe sang nhập từ châu Âu sẽ rẻ hơn 1,2-12 tỉ đồng so với hiện tại, tùy dòng xe. Bởi ngoài thuế nhập khẩu thì thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đều giảm. Đặc biệt, do thuế tiêu thụ đặc biệt tính theo dung tích động cơ nên xe dung tích càng lớn càng hưởng lợi. Có điều theo lộ trình thì còn khá lâu nên khách hàng vẫn phải chờ đợi” - vị đại diện doanh nghiệp trên phân tích.
Còn đại diện Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) thì cho rằng giá ô tô nhập khẩu lẫn ô tô trong nước chắc chắn sẽ giảm khi thuế về 0%. Song khi đến tay người tiêu dùng giảm bao nhiêu thì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác như chi phí logistics, các loại thuế, phí khác mà VN áp dụng.
Ô tô sản xuất trong nước cũng có cơ hội
Hiệp định không chỉ tác động đối với xe nhập khẩu mà những dòng xe sản xuất, lắp ráp tại VN cũng có cơ hội xuất ngoại, xâm nhập thị trường châu Âu. Bởi thuế sẽ về 0% khi những xe lắp ráp tại VN đạt đủ điều kiện nội địa hóa xuất khẩu sang châu Âu. Mặt khác, việc VN tham gia các hiệp định tự do với Nhật Bản, Hàn Quốc… thì trong vài năm tới chi phi nhập khẩu linh kiện về sản xuất, lắp ráp sẽ giảm khi thuế giảm dần về 0%.
Đại diện Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) dẫn chứng: Thuế suất nhập khẩu linh kiện, phụ tùng từ châu Âu giảm dần sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành, sản phẩm xuất khẩu sẽ cạnh tranh hơn. Ví dụ, khi hưởng ưu đãi thuế từ Hiệp định Thương mại tự do hàng hóa ASEAN (ATIGA), Thaco đã xuất khẩu những chiếc Kia Cerato và Sedona sang Myanmar hay xuất khẩu xe buýt sang Thái Lan, Philippines.
“Tuy nhiên, để tận dụng được các cơ hội từ hiệp định như EVFTA, các doanh nghiệp VN phải thay đổi, nỗ lực đẩy mạnh tỉ lệ nội địa hóa. Có như vậy mới hưởng được thuế suất ưu đãi và có thể cạnh tranh trên thị trường trong nước cũng như xuất khẩu” - đại diện Thaco chia sẻ.
Trong khi đó, theo chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng, VN khó có cơ hội xuất khẩu ô tô nguyên chiếc vào EU bởi đây là thị trường rất khó tính, đòi hỏi phải đầu tư nhiều và bài bản. Nhưng các công ty ô tô Việt vẫn có thể hưởng lợi từ những tác động tích cực của hiệp định này. Chẳng hạn, ngành ô tô có thể tận dụng hiệp định để nhập khẩu thiết bị, máy móc công nghệ cao với giá rẻ hơn hiện nay khi thuế giảm.
“Muốn công nghiệp ô tô trong nước phát triển, sản phẩm làm ra cạnh tranh được với xe nhập nguyên chiếc thì phải có giá thành thấp và chất lượng tốt. Như vậy mới bán được hàng và giúp các công ty tăng quy mô sản xuất. Quy mô tăng sẽ lôi kéo các nhà đầu tư vào sản xuất linh kiện, qua đó nâng cao tỉ lệ nội địa hóa và công nghiệp hỗ trợ sẽ phát triển. Khi đó ngành ô tô mới đứng vững và giữ được thị trường, còn không thị trường sẽ thuộc về xe nhập khẩu” - ông Đồng nhấn mạnh.
Mở ra hy vọng mua ô tô giá mềm, nhưng… Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc hệ thống đại lý Hiền Toyota (TP.HCM), cho biết các thương hiệu xe EU tại VN chủ yếu đều nhập khẩu nguyên chiếc, rất ít mẫu xe lắp ráp tại VN. Tất cả dòng xe được nhập về từ trước đến nay giá cao ngất ngưởng. Lấy ví dụ một mẫu xe nhập từ EU về cảng VN có giá khoảng 30.000 USD, tương đương khoảng 690 triệu đồng/xe. Chiếc xe này phải gánh thêm mức thuế suất nhập khẩu 70%, tương đương khoảng 21.000 USD và chi phí vận chuyển 1.000 USD. Như vậy tổng tiền đã là 52.000 USD. Tiếp đó, xe chịu thêm thuế tiêu thụ đặc biệt khoảng 60% (có dung tích động cơ dưới 3L), tương đương giá xe cộng thêm 31.000 USD. Lúc này giá xe nhập khẩu từ EU đã vọt lên 83.000 USD. Đó là chưa kể sau đó phải cộng lợi nhuận cho đơn vị nhập khẩu, đóng lệ phí trước bạ... khiến chiếc xe tới người tiêu dùng lên đến khoảng 1,9-2,1 tỉ đồng. Nghĩa là giá một chiếc xe nhập về cảng biển ban đầu chỉ khoảng 30.000 USD nhưng giá bán đến tay người tiêu dùng gần ba lần. “Vì vậy, để giá ô tô từ EU rẻ thì ngoài yếu tố thuế suất nhập khẩu giảm về 0% phải kèm theo điều kiện các loại thuế, phí khác cũng phải giảm. Nếu không sẽ xảy ra tình trạng như khi thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN từ 40% về 0% nhưng giá xe không giảm bao nhiêu. Nói cách khác, khi thuế nhập khẩu giảm mà cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt lại điều chỉnh tăng khiến giá xe khó giảm, đâu lại vào đấy” - bà Hiền phân tích. |
Tác giả: Quang Huy
Nguồn tin: Pháp luật TPHCM