Thế giới

9 dự đoán tình hình thế giới năm 2017

Chính sách đối ngoại của Donald Trump khi vào Nhà Trắng, phiến quân IS thay chiến thuật để tồn tại, phong trào dân tuý ở châu Âu... là những điểm nhấn về thế giới trong năm 2017.

Donald Trump sẽ chính thức trở thành tổng thống thứ 45 của Mỹ vào ngày 20/1. Ảnh: Reuters.

2017 được dự báo là một năm có nhiều biến động khó dự đoán, tuỳ thuộc vào các yếu tố như chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Donald Trump, phong trào dân tuý lan rộng ở châu Âu và những chiến thuật mới của khủng bố IS.

1.Mỹ sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc

Một tháng sau khi thắng cử, Trump nhanh chóng bắn tín hiệu đến Trung Quốc qua việc điện đàm với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Ông đồng thời tỏ ý sẽ không tôn trọng chính sách “Một Trung Quốc”.

Bắc Kinh đã phản ứng qua hành động thu giữ tàu lặn của Mỹ khi nó hoạt động ở vùng biển quốc tế. Trước việc này, Trump chỉ trích Trung Quốc “đánh cắp” và tuyên bố “cứ giữ lấy”. Tuy nhiên, bức tranh toàn cảnh phức tạp hơn những sự kiện đơn lẻ này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ phải làm quen với một tổng thống Mỹ mới và khó đoán sau khi Donald Trump chính thức nhậm chức. Ảnh: Reuters.
Những ảnh vệ tinh mới nhất của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) cho thấy Trung Quốc vẫn đang tiếp tục quân sự hoá trên Biển Đông, sẵn sàng đối đầu với hải quân Mỹ nhằm làm suy yếu vị thế của Mỹ ở Thái Bình Dương. Những đối tác thương mại quan trọng của Mỹ trong khu vực như Singapore, Indonesia... sẽ có thể mất lòng tin nếu Washington không ủng hộ quan điểm của các nước này về Biển Đông.

Đội ngũ của Trump đang nắm nhiều công cụ trong tay để “chỉnh” Trung Quốc, qua việc lên án Trung Quốc thao túng tiền tệ, đe doạ chiến tranh thương mại, (ngầm) ủng hộ Đài Loan, hoặc tăng cường tuần tra hàng hải xung quanh các căn cứ quân sự mà Trung Quốc xây trái phép trên Biển Đông.

2.Chính sách Iran và Cuba của Mỹ sẽ không bị xóa sổ

Khi tranh cử, Trump phản đối mạnh mẽ thoả thuận Iran nhưng ông sẽ không (hoặc ít nhất không phải ngay lúc này) “xé bỏ” hoàn toàn thoả thuận. Về cơ bản, đây là thoả thuận đa phương; và dù Mỹ không tham gia thì các nước khác vẫn có thể giao thương với Iran.

Tuy nhiên, Trump có thể tạo ra nhiều khó khăn cho việc đầu tư vào Iran, qua đó làm nản chí những công ty Mỹ hoặc những nước đồng minh muốn rót vốn vào quốc gia Hồi giáo.

Tương tự, Trump cũng phản đối các nội dung trong chính sách cởi mở quan hệ với Cuba của Tổng thống Obama. Ông đe doạ sẽ bãi bỏ toàn bộ nếu Havana không chịu chấp thuận “thoả thuận mới tốt hơn”.

Giáo sư Frank Mora của trường Florida International University lo ngại chính sách với Cuba có thể quay trở về như giai đoạn trước thoả thuận.

Nếu Trump quyết áp đặt một số chính sách trừng phạt, ông có thể nhận được nhiều sự ủng hộ từ các nghị sĩ Cộng hoà tên tuổi. Tuy nhiên, một số nghị sĩ khác vì muốn duy trì lợi ích và mối liên hệ ở Cuba nên có thể sẽ cố gắng xoa dịu tình hình.

3. Triều Tiên: Thử thách đầu tiên của ông Trump

Đất nước bí ẩn luôn là một trong những “vé vớt” trong chính sách an ninh quốc gia của Mỹ. Trong khi phần lớn chuyên gia có thể dự đoán tình hình của một số nước trong những thời điểm nhất định, điều duy nhất họ có thể biết về dàn lãnh đạo Triều Tiên là không ngại to tiếng và những hành động liều lĩnh.

Sau năm 2016 liên tục thử hạt nhân và tên lửa, Triều Tiên liệu sẽ tăng tần suất các hoạt động này trong năm 2017? Ảnh: Reuters.
Dù Mỹ tập trận thường niên với quân đội Hàn Quốc, hay tàu hải quân Mỹ bị phát hiện đến gần bờ biển Triều Tiên thì Bình Nhưỡng luôn phản ứng dữ dội. Năm 2016, Triều Tiên gây chấn động thế giới bằng 2 vụ thử hạt nhân liên tiếp (thu hẹp đáng kể tần suất cách nhau vài năm trong quá khứ) và các vụ phóng thử tên lửa.

Khi Triều Tiên tuyên bố đang phát triển hiệu quả chương trình vũ khí hạt nhân, vấn đề này và tình hình ở bán đảo Triều Tiên sẽ là một trong những thách thức lớn đối với Donald Trump sau khi chính thức nhậm chức. Giới quan sát đang theo dõi liệu ông có áp dụng lập trường cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng, qua đó khiến căng thẳng tiếp tục gia tăng?

4. Nga tăng cường hoạt động ở vùng Baltic

Sau vụ Cộng hoà Crimea sáp nhập với Nga và phương Tây cáo buộc Nga can thiệp tình hình ở đông Ukraine, NATO đang tăng cường những hoạt động “phòng thủ” ở Đông Âu. Những diễn biến này khiến Moscow giận dữ và đáp trả.

Tháng 10/2016, Nga đã di chuyển các tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tiến sát tới Ba Lan và Lithunia. NATO phản ứng bằng việc điều thêm binh sĩ và xe tăng đến các quốc gia Baltic.

Nhiều ý kiến nhận định cuộc “Chiến tranh Lạnh" mang dáng dấp của gia tăng quân sự có thể tiếp tục trong năm 2017. Liệu Nga sẽ phải lùi bước hay được đề xuất những chính sách hoà giải mới? Tình hình khó dự đoán hơn khi Trump, người công khai ủng hộ Tổng thống Putin, trở thành tổng thống Mỹ.

5. Liên quân tấn công vào thành trì cuối cùng của IS

Sự hùng hổ của lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) đang trên đà suy giảm và điều này sẽ tiếp tục trong năm 2017. Mỹ và Iraq cuối cùng đã bắt tay hợp tác đối đầu với nhóm khủng bố này trong lãnh thổ Iraq. Dù trận chiến ở Mosul diễn ra chậm chạp, thành phố này có thể sẽ hoàn toàn trở về dưới sự kiểm soát của chính quyền Iraq đầu năm 2017.

Một chiến binh đứng bên cạnh toà nhà đổ nát do không kích ở phía bắc Raqqa, Syria. Ảnh: Reuters.
Sau khi mất Mosul, IS sẽ cố thủ ở những thành phố còn lại ở Iraq mà chúng đang chiếm giữ. Phạm vi cuộc chiến sẽ thu hẹp dần về thành trì Raqqa của IS tại Syria.

Khả năng một cuộc chiến trên bộ nhằm vào Raqqa trong 2017 là điều có thể sau khi IS thất bại ở Mosul còn chính phủ Syria giành lại quyền kiểm soát ở nhiều vùng từng thuộc về phe đối lập. Khi đó, chiến sự ở Raqqa dự kiến sẽ khốc liệt hơn ở Mosul.

6. 'Sói đơn độc' tăng cường hoạt động

Cuối năm 2015 và năm 2016 ghi nhận tổ chức IS tăng cường mạnh mẽ các hoạt động tuyên truyền, kích động những đối tượng cực đoan ở phương Tây. Phần lớn những vụ khủng bố đẫm máu ở châu Âu trong năm 2016 đều do những phần tử “sói đơn độc” thực hiện, với chiêu thức chung là sử dụng các phương tiện đơn giản, dễ tìm (xe tải) làm vũ khí và nhằm vào các mục tiêu mềm để gây thương vong tối đa.

Các nghi phạm đều chưa từng được biết đến là có mối quan hệ với khủng bố. Trước khi ra tay, chúng đều để lại những thông điệp thể hiện lòng trung thành với IS. Một nghiên cứu tại Trung tâm Chống khủng bố ở Học viện Quân sự West Point (Mỹ) cảnh báo: “Khi IS đang mất dần lãnh thổ, cộng đồng quốc tế phải nâng cao cảnh giác chuẩn bị đối mặt với sự gia tăng của khủng bố”.

7. Tổng thống Assad vẫn tại vị ở Syria

Khi phe nổi dậy đã thất bại ở Syria, Tổng thống Assad và các đồng minh như Nga và Iran đã củng cố vị thế và nắm quyền kiểm soát ở phần lớn miền Đông Syria.

Tổng thống Assad vẫn giữ chiếc ghế quyền lực trong hơn 5 năm nội chiến. Ảnh: AP.
Tại Mỹ, Tổng thống đắc cử Trump từng nhiều lần chất vấn chính sách của Mỹ về Syria, cụ thể về việc vũ trang và ủng hộ phe đối lập. Sau khi chính thức nhậm chức, Trump có thể ngầm cho phép (hoặc thậm chí thể hiện ra mặt) ông Assad tiếp tục nắm quyền ở Syria, để “có đi có lại” một số điều tích cực với Nga.

Trong khi đó, phe đối lập ở Syria sẽ buộc phải sơ tán hoặc bị “đè bẹp”. Những thảm cảnh từng xảy ra ở Aleppo có thể sẽ tái diễn khi Mỹ và một số đồng minh phương Tây rút dần sự ủng hộ với nhóm chống đối Assad.

8. Làn sóng dân tuý tiếp tục toàn cầu

Chiến thắng bất ngờ của Trump tạo động lực cho những phong trào dân tuý ở nhiều quốc gia khác. Nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt ở châu Âu, sẽ tổ chức bầu cử trong năm 2017. Sự kiện này ở những nước như Pháp, Hà Lan, Đức… được cho là dịp để cử tri bày tỏ bất đồng với tầng lớp chính trị tinh hoa.

Thủ tướng Đức Angela Merkel muốn tìm kiếm nhiệm kỳ thứ 4 nhưng đang chịu sức ép lớn từ các đảng phản đối mở rộng nhập cư, đặc biệt sau vụ khủng bố ở Berlin vừa qua.

Mở màn năm 2017 là cuộc bầu cử tổng thống Pháp. Đây được xem là cuộc đua giữa bà Marine Le Pen, chủ tịch đảng Mặt trận Quốc gia cực hữu và cựu Thủ tướng Francois Fillon. Các ứng viên của đảng Xã hội (đảng của Tổng thống Francois Hollande) được dự báo sẽ không lọt tới vòng bỏ phiếu thứ 2.

Nếu Le Pen chiến thắng, bà khẳng định một trong những hành động đầu tiên là tổ chức trưng cầu dân ý về việc rời Liên minh châu Âu (EU).

Bà Le Pen. Sau Anh, Pháp có thể là quốc gia thứ 2 rời Liên minh châu Âu? Ảnh: AP.
9. Anh khởi động quy trình rời Liên minh châu Âu (EU)

Nếu chính phủ Anh tuân thủ thời gian biểu đặt ra thì quá trình nước này rời khỏi Liên minh châu Âu - Brexit - sẽ bắt đầu trước ngày 31/3. Khi đó, London sẽ chính thức thực hiện các thủ tục để “ly hôn”, kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon.

Quá trình để Anh giành lại chủ quyền đầy đủ dự kiến kéo dài 2 năm. Trong thời gian này, những cuộc đàm phán cam go là điều được dự báo trước, chú trọng vào vấn đề tự do đi lại và không hạn chế việc tiếp cận thị trường chung châu Âu của Anh.

Tác giả bài viết: Minh Anh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok