Thế giới

9 cú "ngáng chân" ông Obama để lại cho ông Trump

Trước khi ông Donald Trump nhậm chức, Tổng thống Mỹ Barack Obama đang gấp rút hoàn thành những “di sản” cuối cùng để người kế nhiệm không thể đảo ngược.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống 2016, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump nhiều lần tuyên bố sẽ can thiệp vào các chính sách mà ông Obama để lại. Những tuần cuối cùng ở Nhà Trắng, Tổng thống Obama đang chạy đua với thời gian nhằm củng cố những chính sách này, bao gồm một số “di sản” mà ông tâm huyết.

Dưới đây là 9 điều được Tổng thống Obama dốc sức thực hiện thời gian qua, theo liệt kê của đài CNN.


Tổng thống Obama (trái) đang gấp rút hoàn thành những “di sản” cuối cùng để ông Trump (phải) không thể đảo ngược. Ảnh: CNN

1. Trừng phạt Nga

Tổng thống Obama cam kết đáp trả Nga vì cáo buộc Moscow đứng sau các cuộc tấn công mạng làm ảnh hưởng đến quá trình bầu cử Mỹ. Và hôm 29-12, ông chủ Nhà Trắng ra lệnh trừng phạt 4 cá nhân và 5 tổ chức Nga bị cáo buộc dính líu đến vụ xâm nhập máy tính của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ. Ngoài ra, 35 nhà ngoại giao Nga cùng gia đình họ đã bị trục xuất khỏi Mỹ.

Quan điểm của ông Trump: Mỹ cần “bước qua và tiến hành hòa giải”.

2. Cấm khoan thăm dò ở Bắc Cực

Ngày 20-12, Tổng thống Obama dựa vào Đạo luật Thềm lục địa mở rộng (OCSLA) 1953 để cấm vĩnh viễn hoạt động thăm dò dầu khí ở vùng biển Bắc Cực và Đại Tây Dương. Theo đó, toàn bộ lãnh hải Mỹ trong biển Chukchi và phần lớn biển Beaufort sẽ không được cho thuê để thăm dò dầu khí trong tương lai. Lý do ông đưa ra là để bảo vệ các loài động vật biển, tài nguyên sinh thái và động - thực vật bản xứ quan trọng.

Đảng Cộng hòa đã lên án kế hoạch này nhưng Nhà Trắng nói ông Trump sẽ không thể đảo ngược nó trừ khi phải đối mặt với một cuộc chiến pháp lý.

Quan điểm của ông Trump: Trump không cho biết ông có ý định can thiệp vào kế hoạch của Tổng thống Obama hay không. Tuy nhiên, ông đã có một số động thái như bổ nhiệm một nhân vật ủng hộ gia tăng các hoạt động khoan thăm dò làm bộ trưởng năng lượng. Đồng thời, ông còn lựa chọn Rex Tillerson – trước là Giám đốc điều hành Công ty Exxon Mobil vốn được hưởng lợi từ hoạt động khoan thăm dò tại Bắc Cực – làm ngoại trưởng Mỹ.

3. Tiến trình hòa bình Trung Đông

Sau nhiều năm thất bại trong việc môi giới hòa bình giữa Israel và Palestine, Tổng thống Obama vừa “làm ngơ" cho Liên Hiệp Quốc thông qua một nghị quyết lên án các khu định cư của Israel ở Bờ Tây và Đông Jerusalem.

Sau đó, tới lượt Ngoại trưởng Mỹ John Kerry chỉ trích các chính sách định cư này tại những khu vực do người Palestine tuyên bố chủ quyền nhưng bị Israel chiếm đóng. Ông Kerry lập luận điều đó tiếp tục đe dọa khả năng hướng tới giải pháp “hai nhà nước” mà Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tán thành.

Quan điểm của ông Trump: Trước hành động này, ông Trump chờ đợi. Sau bài phát biểu của Ngoại trưởng Kerry hôm 28-12, ông Trump nói: “Chúng ta hãy chờ xem những gì sẽ xảy ra sau ngày 20-1-2017 (thời điểm ông Trump nhậm chức). Tôi nghĩ rằng mọi người sẽ rất ấn tượng”. Ông Trump cũng đã đề cử một luật sư ủng hộ chính sách định cư của Israel làm đại sứ tại quốc gia này.

4. Chương trình chăm sóc sức khỏe Obamacare

Vào những tháng cuối cùng của năm 2016, số người đăng ký Đạo luật chăm sóc sức khỏe với giá phải chăng (còn gọi là Obamacare) của Tổng thống Obama đã thu hút 6,4 triệu người Mỹ tham gia, tăng 400.000 người so với năm ngoái. Nhà Trắng hy vọng nếu càng nhiều người đăng ký Obamacare thì đảng Cộng hòa sẽ càng khó bãi bỏ đạo luật hơn.

Quan điểm của ông Trump: Ông tuyên bố sẽ tìm cách bãi bỏ đạo luật. Hiện chưa rõ ông Trump sẽ làm cách nào nhưng việc hủy bỏ toàn bộ hoặc một phần đạo luật này sẽ là một trong những ưu tiên chính của vị tổng thống đắc cử.

5. Di tích quốc gia

Hôm 28-12, Tổng thống Obama đã chỉ định hai khu vực Bears Ears (bang Utah) và Golden Butte (bang Nevada) làm di tích quốc gia. Hành động này gây tranh cãi vì những người phản đối cho rằng nó sẽ gây cản trở đối với nền kinh tế Mỹ.

Quan điểm của ông Trump: Chưa thấy dấu hiệu ông Trump sẽ đảo ngược quyết định trên. Trong lịch sử, không có tổng thống Mỹ nào loại bỏ một di tích vốn được Luật cổ vật bảo hộ.

Trong khi đó, các thành viên đảng Cộng hòa ở hai bang Utah và Nevada bày tỏ sự không hài lòng. Nghị sĩ Jason Chaffetz (bang Utah) cho biết ông sẽ tác động để ông Trump bãi bỏ 2 di tích này.

6. Chương trình theo dõi người nước ngoài

Tuần trước, Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) bãi bỏ chương trình theo dõi người Ả Rập hoặc Hồi giáo tới Mỹ (NSEERS), ra đời sau vụ khủng bố 11-9-2001.

Quan điểm của ông Trump: Khi tham gia tranh cử, ông Trump cam kết sẽ trục xuất lên đến 3 triệu người nhập cư bất hợp pháp ở Mỹ. Nhưng sau khi đắc cử, quan điểm của ông bớt cứng rắn hơn. Cụ thể, bà Kellyanne Conway, quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump, nói rằng ông sẽ tập trung vào các quốc gia có xu hướng đào tạo và cho ra lò nhiều phần tử khủng bố.

7. Giải tán nhà tù Vịnh Guantanamo

Tổng thống Obama đề nghị các nhà lập pháp lên kế hoạch chuyển 1/3 trong số các tù nhân còn lại ở nhà tù Vịnh Guantanamo tới nước khác trước khi ông rời khỏi văn phòng. Trong số 59 tù nhân có 22 người đủ điều kiện chuyển đi nơi khác, theo Lầu Năm Góc.

Quan điểm của ông Trump: Hoàn toàn trái ngược! Ông muốn tiếp tục duy trì nhà tù, không những vậy còn muốn chuyển thêm tù nhân tới đó.

8. Ân xá và giảm án cho tù nhân

Trong một nỗ lực đem lại sự công bằng cho hệ thống tư pháp hình sự, Tổng thống Obama đã ra lệnh giảm án cho hơn 1.000 tội phạm ma túy phi bạo lực, đồng thời ân xá cho hơn 100 người khác. Một luật sư của Tổng thống Obama cho biết ông sẽ tiếp tục sử dụng quyền hạn của mình cho đến ngày 20-1-2017 để ân xá và giảm án cho tù nhân.

Quan điểm của ông Trump: Vẫn chưa rõ ràng. Chỉ biết ông lựa chọn thượng nghị sĩ bang Alabama Jeff Sessions làm Bộ trưởng Tư pháp. Người này vốn không đồng tình với chính sách khoan hồng đối với tội phạm ma túy cũng như lên án “sự lạm dụng chính sách khoan hồng đáng báo động” của Tổng thống Obama.

9. Diễn văn "đi, ở"

Trong khi Tổng thống Obama dự kiến tổ chức buổi lễ “chia tay” - nhiều khả năng tại TP Chicago với một bài phát biểu chính thức trước khi rời nhiệm sở, ông Trump nói với nhà sử học Douglas Brinkley rằng bài diễn văn nhậm chức của ông sẽ “ngắn gọn”.

“Họ sẽ nói về đoàn kết nước Mỹ, mang người dân Mỹ xích lại gần nhau. Hiện chúng tôi đang trong giai đoạn hậu chính trị, hậu tranh cử và đó là thông điệp xoay quanh lễ nhậm chức” – phát ngôn viên Ủy ban nhậm chức của ông Trump, Boris Ephsteyn, tiết lộ.

Tác giả bài viết: P.Nghĩa 

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok