BVĐK tỉnh Hòa Bình nơi xảy ra vụ sự cố y khoa nghiêm trọng khiến 8 người chết. |
Liên quan đến sự cố xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình khiến 8 người tử vong mà nguyên nhân có thể do nguồn nước RO không đảm bảo, dư luận đặt câu hỏi đơn vị cung cấp dịch và nước trong quá trình chạy thận có còn cung cấp cho các BV khác.
Về vấn đề này, ông Trần Quang Khánh, Giám đốc Sở Y tế Hòa Bình cho biết, Công ty Thiên Sơn có liên kết với Bệnh viên ĐK tỉnh Hòa Bình đặt máy. Vừa rồi, họ có tham gia đấu thầu và trúng thầu cung cấp dịch lọc và vật tư y tế tiêu hao.
Vì vậy, ngoài Bệnh viện ĐK tỉnh Hòa Bình, công ty còn trúng thầu và hiện cung cấp dịch lọc chạy thận cho Bệnh viện ĐK TP.Hòa Bình và Bệnh viên ĐK huyện Mai Châu (Hòa Bình). Hiện tại, dịch lọc và vật tư y tế tiêu hao tại 2 bệnh viện này vẫn vận hành tốt.
Cũng theo ông Khánh, nguồn nước RO để chạy thận Công ty Thiên Sơn ký hợp đồng với một đơn vị khác và đơn vị này lắp đặt hệ thống nước lọc đó. Đơn vị này cũng sẽ chịu trách nhiệm để bảo dưỡng, bảo trì, sử dụng nguồn nước trong quá trình chạy thận nhân tạo.
“Các bên sẽ căn cứ theo hợp đồng, bên nào sai thì bên ấy chịu trách nhiệm” - ông Khánh nói.
Ông Trần Quang Khánh, Giám đốc Sở Y tế Hòa Bình cho biết Bệnh viện ĐK tỉnh Hòa Bình và Công ty Thiên Sơn đã “liên kết” với nhau để cung cấp dịch lọc thận và vật tư thiết bị tiêu hao không qua đấu thầu. |
Được biết trong năm 2014, Sở Y tế tỉnh Hòa Bình đã tổ chức thanh tra Bệnh viện ĐK tỉnh Hòa Bình về việc cung cấp thiết bị y tế. Kết quả, Thanh tra đã phát hiện Bệnh viện ĐK tỉnh Hòa Bình và Công ty Thiên Sơn đã “liên kết” với nhau để cung cấp dịch lọc thận và vật tư thiết bị tiêu hao không qua đấu thầu.
Thanh tra Sở cũng yêu cầu 2 đơn vị này ngừng ngay việc làm không đúng quy định này.
Sau đó, Sở Y tế đã tiến hành các thủ tục cho các công ty dược đấu thầu việc cung cấp thiết bị y tế cho BVĐK tỉnh Hòa Bình theo đúng quy định. Điều lạ lùng là Công ty Thiên Sơn từng có “vết” đó lại vẫn là đơn vị trúng thầu.
Họ không chỉ cung cấp vật tư y tế cho Bệnh viện ĐK tỉnh Hòa Bình mà còn trúng thầu cung ứng thiết bị y tế cho 2 bệnh viện khác trong tỉnh.
“Năm nào chúng tôi cũng tổ chức kiểm tra bệnh viện 2 lần” - ông Khánh khẳng định với PV Dân Việt. Vậy câu hỏi đặt ra là nếu Sở Y tế kiểm tra chặt chẽ như vậy, tại sao trong sự cố y khoa nghiêm trọng xảy ra tại Khoa Thận, Bệnh viện ĐK tỉnh Hòa Bình lại để “lọt” việc Công ty Thiên Sơn đã thuê một bên thứ 3 bảo trì, bảo dưỡng máy chạy thận?
Tác giả: Xuân Tuấn
Nguồn tin: Báo Dân Việt