Xã hội

8 người chạy thận tử vong: Nguyên nhân nghiêng nhiều về nguồn nước

Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn, nguyên nhân sự cố y khoa chạy thận nhân tạo tại BVĐK Hòa Bình được "nghĩ nhiều đến nguồn nước chạy thận".

Nguyên nhân ban đầu

Chia sẻ về nguyên nhân có thể xảy ra dẫn tới sự cố y khoa nghiêm trọng ngày 29/5 tại bệnh viện Đa khoa Hòa Bình khi 18 bệnh nhân chạy thận nhân tạo, ông Trương Quý Dương - Giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, Hội đồng chuyên môn đã có kết luận kiểm thảo về nguyên nhân gây tai biến cho 18 bệnh nhân này.

Theo đó, ông Dương dẫn ra 4 yếu tố có thể gây tai biến là quy trình, quả lọc, dịch lọc và hệ thống nước qua dịch lọc vào máu bệnh nhân.

Yếu tố thứ nhất, các bác sĩ cho rằng quy trình chạy thận nhân tạo tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã thực hiện từ gần 10 năm nay và không có vấn đề gì bất thường. Với ca chạy thận xảy ra sự cố, kiểm tra cho thấy quy trình được nhân viên y tế áp dụng như hàng ngày.

Yếu tố thứ 2 là quả lọc thận có thể tồn dư hóa chất do tái sử dụng, gây sốc cho bệnh nhân. Tuy nhiên trong 18 trường hợp bị tai biến có đến 1/3 sử dụng quả lọc mới mà vẫn gặp nạn.

Yếu tố thứ 3 là dịch lọc thì dịch lọc được đóng nguyên đai nguyên kiện do khoa Thận nhân tạo nhận từ phòng vật tư và đã được dùng một phần cho các ca chạy thận ngày hôm trước không có bất thường.

Vì ngày Chủ nhật vừa bảo dưỡng máy móc thường quy thì sau đó xảy ra sự cố nên ông Dương cho hay, Hội đồng chuyên môn nghiêng nhiều về khả năng nguyên nhân tai biến từ hệ thống nước "có thể tồn dư hóa chất tại hệ thống nước RO”.

Kết luận ban đầu này đã được báo cáo bộ Y tế để có kết luận cuối cùng.

Cái nắm tay thật chặt của các bệnh nhân với bác sĩ bệnh viện Bạch Mai trước khi lên xe trở về Hòa Bình.

Hội đồng được thành lập ngay sau vụ tai biến, gồm 12 thành viên. Phó Giám đốc sở Y tế Hòa Bình, đồng thời là đại biểu Quốc hội bà Bùi Thu Hằng làm chủ tịch hội đồng thay vì ông Trần Quang Khánh, Giám đốc sở Y tế như bộ Y tế yêu cầu trước đó. Ngoài ra, còn có 7 người là lãnh đạo các phòng chuyên môn của sở Y tế Hòa Bình, lãnh đạo bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình và 4 chuyên gia đến từ bệnh viện Bạch Mai gồm: TS. Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo, TS. Đào Xuân Cơ, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Ths. Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách trung tâm Chống độc, TS. Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu.

10 bệnh nhân chuyển về Bạch Mai đã được xuất viện

Trong sáng 8/6, bệnh viện Bạch Mai cũng thông tin tới báo chí về 10 bệnh nhân trong sự cố y khoa trong lọc máu chu kỳ tại bệnh viện Đa khoa Hòa Bình được ra viện.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng cục Quản lý Khám chữa bệnh (bộ Y tế) gửi lời chia buồn sâu sắc nhất của bộ Y tế tới những người bệnh không may tử vong trong sự cố y khoa tại bệnh viện Đa khoa Hòa Bình.

Bên cạnh đó, Cục trưởng cũng bày tỏ sự vui mừng khi 10 bệnh nhân trong sự cố y khoa đang điều trị tại bệnh viện Bạch Mai sức khỏe đã ổn định và được xuất viện để tiếp tục lọc máu chu kỳ.

“Tối 29/5 khi tôi trực tiếp có mặt tại bệnh viện Đa khoa Hòa Bình và đã cùng các bác sĩ đưa ra 4 quyết định cực kỳ khó khăn, có lẽ là khó khăn nhất trong cuộc đời công tác của tôi tính tới thời điểm này. Hôm nay, 10 bệnh nhân đã được ra viện với sức khỏe ổn định, chúng tôi cũng thấy nhẹ lòng”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê bày tỏ.

Theo đó, 4 quyết định được PGS.TS Lương Ngọc Khuê chia sẻ là: Đóng cửa nguyên đơn Thận nhân tạo để phục vụ công tác điều tra; Đi thăm từng bệnh nhân, tới từng giường bệnh để sàng lọc bệnh nhân với nguyên tắc xử lý tại chỗ, có 02 bệnh nhân nặng nên không thể di chuyển đi được, quyết định chuyển ngay 10 bệnh nhân về bệnh viện Bạch Mai an toàn trong đêm 29/5; Quyết định thứ 3 là đưa hơn 100 bệnh nhân lọc máu chu kỳ vào ngày hôm sau về những nơi nào để họ cũng được lọc máu; Quyết định thứ 4 là ổn định bệnh viện để tiếp tục điều trị cho hơn 1.000 bệnh nhân ở các khoa phòng khác.

10 bệnh nhân vụ chạy thận nhân tạo nhận hoa kỷ niệm của lãnh đạo bộ Y tế và các bác sĩ bệnh viện Bạch Mai.

Thông tin từ PGS.TS Lương Ngọc Khuê, hơn 100 bệnh nhân lọc máu chu kỳ của Hòa Bình được lọc máu tại bệnh viện Đa khoa Thành phố Hòa Bình và các bệnh viện trong thành phố Hà Nội sức khỏe cũng tốt.

Hiện tại, bộ Y tế cũng đang tập trung khắc phục sớm sự cố để đưa hơn 100 bệnh nhân này về Hòa Bình để được lọc máu chu kỳ vì thời tiết nắng nóng sẽ ảnh hưởng tới bệnh nhân. Thêm vào đó, gia đình phải đi theo họ xuống Hà Nội cũng sẽ tốn thêm chi phí.

“Khi nào chấm dứt điều tra mới đưa khoa Thận nhân tạo của bệnh viện Đa khoa Hòa Bình vào hoạt động được”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

Có mặt tại buổi ra viện, bệnh nhân Nguyễn Hồng Quân (SN 1985, trú tại Tu Lý, Đà Bắc, Hòa Bình) - người đã có 6 năm thâm niên chạy thận không giấu được xúc động. Anh đã khóc khi nhắc tới sự cố y khoa đã xảy ra trong lần mình chạy thận ngày 29/5 và những người chạy thận cùng mình ngày hôm đó đã tử vong.

“Ngày hôm đó, tôi thấy toàn thân nóng. Nghĩ lại vẫn thấy mình may mắn hơn mọi người. Giờ tôi được xuất viện và về Hòa Bình nhưng vẫn phải tiếp tục chạy thận nhân tạo”, anh Quân tâm sự.

Về phía bệnh viện Bạch Mai, TS. Dương Đức Hùng – Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp bệnh viện Bạch Mai cũng khẳng định: “Hiện tại chúng tôi có đủ điều kiện khẳng định các bệnh nhân còn lại trong sự cố y khoa chạy thận nhân tạo ở Hòa Bình đã trở lại tình trạng sức khỏe như trước khi xảy ra biến cố”.

Tác giả: Nguyễn Huệ

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok