Giáo dục

7 nhà giáo được phong tặng Danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”

Ngày 22/1/2018, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị sơ kết học kỳ I, triển khai nhiệm vụ học kỳ II, năm học 2017-2018. Tại Hội nghị, 7 nhà giáo đã được trao tặng Danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”.

Ban giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa thừa ủy quyền Chủ tịch nước trao tặng Danh hiệu ”Nhà giáo ưu tú” cho 7 nhà giáo đã có công trong sự nghiệp GD&ĐT của dân tộc. Ảnh: Nguyễn Quỳnh

Theo đó, 7 nhà giáo được Chủ tịch nước phong tặng Danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” gồm: bà Lê Thị Minh, Hiệu trưởng Trường mầm non Phan Đình Phùng, TP. Thanh Hóa; Lê Thị Sơn, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hóa; Lưu Thị Tươi, nguyên hiệu trưởng Trường THPT Thạch Thành 1, huyện Thạch Thành; ông Tào Ngọc Thanh, Hiệu trưởng Trường THCS Điện Biên, TP. Thanh Hóa; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thức, Hiệu trưởng Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa; Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hoằng Trạch, huyện Hoằng Hóa; Lê Kim Vinh, nguyên hiệu trưởng Trường THCS Thiệu đô, huyện Thiệu Hóa.

Phát biểu tại Hội nghị, Nhà giáo ưu tú Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa, cũng cho biết: Học kỳ I năm học 2017-2018 ngành GD&ĐT Thanh Hóa đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và đạt được kết quả quan trọng, góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.

Năm học 2017-2018, toàn Ngành tiếp tục triển khai sắp xếp mạng lưới trường lớp trên địa bàn nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trong các nhà trường. Đến nay, toàn tỉnh đã sắp xếp được 44 trường và giảm 22 trường (đạt 27,16% so với kế hoạch); giảm được 36 điểm lẻ của trường tiểu học và 25 điểm lẻ của trường mầm non thuộc địa bàn miền núi.

Phối hợp với Sở Lao động – Thương binh xã hội và các huyện, thị, thành phố thực hiện việc sáp nhập trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp. Bên cạnh đó, thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp, bố trí điều động cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hành chính các trường THPT trên địa bàn tỉnh, nhằm khắc phục tình trạng giáo viên thừa, thiếu.

Đến cuối học kỳ I, khối huyện quản lý đã điều chuyển được 3.424 giáo viên; Khối trực thuộc Sở quản lý đã điều động 70 giáo viên có thời hạn đến giảng dạy tại các trường THPT trên địa bàn còn thiếu. Sau khi sắp xếp, điều chuyển, hiện tại, Khối trường mầm non, tiểu học, THCS thiếu 3.100 người; Khối trường THPT thiếu 377 người so với biên chế tỉnh giao.

Cơ sở vật chất đảm bảo các hoạt động giáo dục và đào tạo ngày càng được tăng cường. Toàn tỉnh có 25.704 phòng học, trong đó số phòng học kiên cố, cao tầng là 22.314 phòng, chiếm tỉ lệ 86,8% (xếp thứ Nhất so với 6 tỉnh Bắc trung bộ); số trường đạt chuẩn quốc gia có 1.314/2111 trường, chiếm tỉ lệ 62,2%, (xếp thứ Nhì so với 6 tỉnh Bắc trung bộ, sau Hà Tĩnh), trong đó: Mầm non 377/672 trường, tiểu học 553/682 trường, THCS 356/624 trường, THPT 28/101 trường.

Ngoài ra, công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông từng bước được quan tâm. Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục cũng được tăng cường...

Bên cạnh những thành tích đạt được, giáo dục Thanh Hóa cũng còn những hạn chế như: Chất lượng giáo dục đại trà tuy được nâng lên song chưa đồng đều ở các vùng miền, nhất là khu vực vùng cao, vùng sâu miền núi, vùng bãi ngang ven biển; chất lượng dạy và học ngoại ngữ (tiếng Anh) chuyển biến chậm.

Việc thực hiện sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp ở một số huyện tiến độ thực hiện chậm, không đạt kế hoạch, nhất là nhiều trường học quy mô số lớp nhỏ còn nhiều nhưng chưa được sắp xếp lại. Đội ngũ cán bộ, giáo viên vừa thừa, vừa thiếu, chưa đồng bộ. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở một số trường còn thiếu, lạc hậu, có nhiều phòng học đã xuống cấp, hết thời gian sử dụng nhưng chưa kịp thời sửa chữa; giáo dục mầm non còn khoảng 20% phòng học tạm. Tình trạng lạm thu, dạy thêm học thêm chưa đúng quy định vẫn còn xảy ra.

Bước sang học kỳ II, năm học 2017-2018, ngành giáo dục Thanh Hóa tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động của ngành Giáo dục, chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tiếp tục thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản của ngành Giáo dục...

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng được nghe tham luận của một số đơn vị như: Phòng GD&ĐT huyện Yên Định, Phòng GD&ĐT huyện Thạch Thành, Trường THPT Lê Lợi... về một số khó khăn trong việc sắp xếp lại mạng lưới trường lớp; các giải pháp trong việc nâng cao chất lượng giáo dục...

Tác giả: Nguyễn Quỳnh

Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok