Đỉnh Fansipan – nóc nhà Đông Dương
Việc chinh phục thành công nóc nhà Đông Dương, đứng trên độ cao hơn 3143m hít thở chút không khí loãng và trong lòng hân hoan tận hưởng niềm vui chiến thắng… chắc hẳn là một trải nghiệm chẳng phải ai cũng có và đôi khi còn là mơ ước của rất nhiều người.
Ngày trước, phải mất 2 ngày 1 đêm để bạn leo lên đến đỉnh. Nhưng kể từ khi có cáp treo, chỉ cần bỏ ra nửa ngày là bạn đã có thể có mặt trên đỉnh Fansipan, tha hồ chụp ảnh và ngắm nhìn khung cảnh xung quanh. Giá vé đi cáp treo khứ hồi là 600.000 đồng/người.
Nếu vẫn muốn tự thử sức mình, bạn có thể đăng ký các gói tour để có chuyến hành trình an toàn nhất. Chi phí tour nằm trong khoảng từ 1.300.000 đồng/người, có những tour lên tới 2.500.000 – 3.000.000 đồng/người tùy thuộc vào thời gian, tour guide, chất lượng dịch vụ…
Bản Tả Phìn, bản Lao Chải, bản Tả Van, bản Cát Cát
Du lịch ở Sapa thú vị nhất vẫn là đi bộ, tự mình lang thang qua hết làng bản này đến làng bản khác. Không phải ngẫu nhiên mà tạp chí du lịch danh tiếng Lonely Planet đã xếp hạng Sa Pa nằm trong top 10 địa điểm tuyệt vời trên thế giới dành cho du lịch đi bộ.
Ghé thăm những bản làng này, bạn không chỉ được đi qua những cây cầu treo, những con suối, thửa ruộng bậc thang, ngắm nhìn cảnh sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số… mà còn có thể ở homestay cùng với gia đình họ. Bạn sẽ được ăn món ăn dân tộc, ngủ nhà sàn, trò chuyện để hiểu thêm về lịch sử, văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao Tây Bắc.
Núi Hàm Rồng
Núi Hàm Rồng nằm ngay tại trung tâm thị trấn, là nơi lý tưởng nhất để ngắm toàn cảnh thị trấn Sapa từ trên cao. Để đi lên được đây, bạn phải mua vé 70.000 đồng/người.
Đứng trên đỉnh núi Hàm Rồng, bạn được ngắm toàn cảnh Sapa, thung lũng Mường Hoa, Tả Phìn,… ẩn hiện trong sương khói. Hiện nay, với bàn tay tôn tạo của con người, Hàm Rồng thực sự là một thắng cảnh đầy hoa trái. Lên Hàm Rồng, du khách như lạc vào vườn tiên với mây bao kín thân người và những vườn hoa rực rỡ dưới mặt đất.
Nhà thờ đá cổ Sapa
Nhà thờ được biết đến với nhiều cái tên như nhà thờ đá cổ Sa Pa, nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi, nhà thờ đá.
Nằm giữa trung tâm thị trấn, nhà thờ được xây dựng từ đá đẽo theo lối kiến trúc Gothic của La Mã. Điểm du lịch này được các du khách yêu mến bởi khung cảnh xung quanh mang những nét đặc trưng của châu Âu. Trải qua biết bao nhiêu thăng trầm cùng sự tàn phá của thời gian và thiên nhiên nhưng nhà thờ đá cổ vẫn đứng hiên ngang như một biểu tượng bất diệt của Sapa.
Thác Bạc
Thác Bạc nằm cách thị trấn Sapa 12km. Dòng thác cao hơn 100m trút nước từ đỉnh núi xuống tạo cho còn người cảm giác vô cùng nhỏ bé trước thiên nhiên tạo vật.
Sau gần nửa giờ vượt lên những đoạn đường quanh co, uốn lượn, từ xa du khách đã nghe thấy tiếng réo rắt, ồ ạt của nước hòa cùng âm thanh thánh thót của tiếng chim ngàn. Dòng thác dần dần hiện ra, tung bọt trắng xóa làm cho du khách cảm thấy lâng lâng thoát tục như đang lạc vào cõi bồng lai. Du khách còn có thể ngâm mình dưới dòng suối trong mát, gột rửa mọi lo toan để trôi theo dòng thác Bạc giữa núi rừng xanh ngút ngàn.
Đèo Ô Quy Hồ
Đèo Ô Quy Hồ còn gọi là đèo Hoàng Liên hoặc đèo Sa Pa. Đèo có độ cao 2.000 m so với mực nước biển, độ dài hơn 50km. Chính độ cao, sự hiểm trở và chiều dài của Ô Quy Hồ khiến đèo được mệnh danh là “vua đèo vùng Tây Bắc”. Năm 2013 đèo đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) xác nhận là con đèo dài nhất Việt Nam. Đèo nằm 2/3 trên địa phận tỉnh Lai Châu và 1/3 còn lại nằm trên địa phận tỉnh Lào Cai.
Nơi ranh giới cao 2.000 m được gọi là Cổng trời - một địa danh du lịch nổi tiếng của Sa Pa được rất nhiều du khách biết tới. Từ đây bạn có thể phóng tầm mắt xuống ngắm thung lũng Lai Châu nơi chân dãy Hoàng Liên hiểm trở hoặc ngắm nhìn đỉnh Fansipan hùng vĩ .
Bãi đá cổ Sapa
Bãi đá cổ nằm trong khu vực Tả Van đi bản Đền với hơn 150 tảng đá lớn được khắc những hoa văn, hình thù lạ. Bãi đá cổ được nhà khảo cổ người Pháp phát hiện vào năm 1925, nằm ngổn ngang bên dòng suối Hoa. Trên những phiến đá chạm khắc hoa văn trang trí, hình người, ruộng bậc thang, nhà sàn hay cả dấu vết của chữ viết.
Người ta cho rằng mỗi phiến đá đều lưu giữ một câu chuyện về đời sống, sinh hoạt, văn hóa của người cổ xưa. Còn đối với những người dân bản địa, quần thể bãi đá cổ Sa Pa là quyển sách lớn nhất của tổ tiên để lại. Các viên đá tập trung thành hai bãi lớn. Bãi thứ nhất nằm cạnh bản Pho – nơi có những khối đá lớn cao tới 12m. Bãi đá thứ hai nằm giáp ranh hai xã Hầu Thào và Lao Chải. Nơi đây có những hình khắc chỉ xuất hiện duy nhất một lần.
Hiện nay hoa văn trên đá đã mờ đi rất nhiều, nhưng đây vẫn là một địa điểm thú vị bạn có thể kết hợp khi ghé thăm bản Lao Chải – Tả Van.
Tác giả: Hoàng Ngọc
Nguồn tin: Báo Dân trí