Kinh tế

6 lý do khiến Nhà máy Đạm Ninh Bình thua lỗ nghìn tỷ

Bộ Công Thương vừa chỉ ra 6 nguyên nhân chính khiến dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình hoạt động không hiệu quả, thua lỗ nghìn tỷ.

Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình được khởi công vào ngày 10/5/2008 với tổng mức đầu tư là 667 triệu USD (tương đương 12.000 tỷ đồng). Từ ngày 15/10/2012, Công ty TNHH một thành viên Đạm Ninh Bình tiếp nhận, quản lý và vận hành nhà máy.

Trong giai đoạn 2012-2015, nhà máy liên tục rơi vào tình trạng thua lỗ. Theo báo cáo nghiên cứu khả thi, lỗ kế hoạch được đặt ra trong 3 năm đầu là hơn 47,9 triệu USD (1.025 tỷ đồng - quy đổi theo tỷ giá ngày 31/12/2014), từ năm thứ 4 trở đi nhà máy sẽ có lãi.

Trên thực tế, tổng lỗ lũy kế từ khi nhà máy đi vào sản xuất năm 2012 đến ngày 31/12/2014 là 1.719 tỷ đồng, vượt so với kế hoạch là 694 tỷ đồng.

4 năm sau khi đi vào hoạt động, vào năm 2015, nhà máy tiếp tục lỗ 364 tỷ đồng. Đến nay, dự án không có hiệu quả về kinh tế, phải tạm dừng sản xuất, người lao động thực hiện nghỉ luân phiên.

Báo cáo Kết luận thanh tra của Bộ Công Thương chỉ ra 6 nguyên nhân chính dẫn tới thực trạng trên.
Nhà máy đạm 12.000 tỷ đang đóng cửa im ỉm vì thua lỗ. Ảnh: Nguyễn Dương.
Thứ nhất, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) và Ban quản lý dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình và Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình chưa kịp thời xử lý những thay đổi phát sinh, còn một số thiếu sót trong chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện dự án dẫn đến chi phí tăng cao trong đó, chi phí lãi vay phát sinh do chậm tiến độ thi công đưa nhà máy vào hoạt động hơn 527 tỷ đồng.

“Việc chủ đầu tư cấp than chạy thử cho nhà thầu vượt so với Hợp đồng EPC hơn 251 nghìn tấn cũng là khiến chi phí tăng cao”, Bộ Công Thương đánh giá.

Thứ hai là do lực lượng lao động lớn. Tính đến ngày 31/12/2015, có 997 người trong khi theo báo cáo nghiên cứu khả thi chỉ có 603 người và chính điều này đã làm tăng chi phí đầu vào trong khi trình độ kĩ thuật và kinh nghiệm vận hành nhà máy còn yếu, chưa làm chủ được khoa học công nghệ.

Thứ ba, công tác quản lý, điều hành còn hạn chế, chưa chặt chẽ dẫn đến chênh lệch tại nhiều thời điểm về tồn kho, chênh lệch số lượng nhập xuất vật tư tiêu hao theo thống kê của các xưởng, phòng.
Tổng lỗ lũy kế từ khi Nhà máy Đạm Ninh Bình đi vào sản xuất (năm 2012) đến năm 2015. (Đơn vị: Tỷ đồng). Đồ họa: Kiều Vui.
Ngoài ra còn thiếu sự quản lý trong công tác vật tư thu hồi dẫn đến hệ thống thống kê, hạch toán kế toán không phản ánh đúng, đầy đủ giá trị tài sản, chi phí tiêu hao đồng thời giảm hiệu quả công tác quản lý giá thành, giảm lợi ích có thể thu hồi cho công ty.

Theo Bộ này, dây chuyền công nghệ của nhà máy hoạt động không ổn định, không đảm bảo công suất thiết kế, nhiều chỉ tiêu tiêu hao vật tư không đạt, phải dừng máy nhiều ngày (từ năm 2013 dừng 152 ngày, năm 2014 dừng 87 ngày, năm 2015 dừng 83 ngày).

Không chỉ thế, việc xác định, quản lý các yếu tố đầu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh cũng như giá bán sản phẩm không chính xác với thực tế, giá trị và cơ cấu chi phí thực tế chênh lệch nhiều so với Báo cáo nghiên cứu khả thi. Về việc này, Bộ lý giải nguyên nhân là do công tác dự báo còn hạn chế, chưa dự báo được giá nguyên liệu, nhiên liệu, nhu cầu, giá phân đạm và các yếu tố khác thuộc giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

Cuối cùng, Bộ cho rằng thị trường tiêu thụ còn khó khăn, tình hình biến động giá nguyên liệu, vật liệu ảnh hưởng tới giá bán sản phẩm đạm thành phẩm, sản phẩm sản xuất ra chậm tiêu thụ, tồn kho lớn. Nguồn vốn lưu động cho sản xuất kinh doanh còn thiếu, hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu dựa trên cơ sở vốn vay dẫn kến chi phí tài chính tăng cao…

Ngoài ra, Bộ cũng đề cập tới một số nguyên nhân khác như ảnh hưởng của cơn bão số 1 - Mirinae gây ra thiệt hại trang thiết bị nhà máy ước tính khoảng 19 tỷ đồng; tiêu thụ khó khăn, giá bán thấp, lượng ure tồn kho lớn; và đặc biệt là khó khăn về tài chính, thiếu vốn cho sản xuất.

Đầu năm nay, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình cho biết nếu dừng chạy máy toàn bộ, Nhà máy đạm Ninh Bình sẽ lỗ khoảng 1.200 tỷ đồng trong năm 2017 do vẫn phải trả các chi phí liên quan. Tuy nhiên, nếu sản xuất 290.000 tấn ure, số lỗ có thể giảm đi 250 tỷ đồng.

Để giảm lỗ, công ty này kiến nghị Chính phủ cho phép kéo dài thời hạn trả nợ vay cho các hợp đồng của VDB thành 20 năm, điều chỉnh lãi suất cho vay thành 3% trong thời gian 2017-2020.

Từ năm 2022 trở đi mức lãi suất nào cao hơn 8,55% sẽ được điều chỉnh về mức lãi suất được Bộ Tài chính công bố hàng năm; nợ lãi chưa trả đến 31/12/2016 được trả dần trong 5 năm 2017-2021; giãn mức trích khấu hao tài sản trong giai đoạn 2017-2021 với mức 50% như đã áp dụng trong năm 2016….

Tác giả bài viết: Kiều Vui

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok