Chùa Shwedagon ở Yangon, Myanmar - Ảnh: Minh Đan |
Chùa Shwedagon (Yangon, Myanmar)
Myanmar nơi được mệnh danh “vùng đất Vàng”, chùa Shwedagon, hay chùa Vàng, chính là ngôi chùa được cư dân bản địa xem là chốn linh thiêng bậc nhất ở đây. Ngôi chùa vẫn còn lưu giữ 4 báu vật thiêng liêng của Phật giáo Myanmar gồm gậy của Phật Câu Lưu Tôn, lọc nước của Phật Câu Na Hàm, một mảnh áo của Phật Ca Diếp và xá lợi 8 sợi tóc của Phật Thích Ca.
Chùa nằm trên đồi Singuttara ở độ cao có thể ngắm nhìn toàn cảnh thành phố Yangon. Nếu viếng thăm chùa, người Myanmar thường chọn con đường vòng quanh tháp chùa theo chiều quay kim đồng hồ như một nghi thức thể hiện sự tôn kính. Trong chùa có 7 bồn nước tương ứng với 7 hành tinh và với 7 ngày trong tuần, là nơi người mộ đạo thường tới tưới nước tắm cho tượng Phật.
Chùa Phật Ngọc (Thái Lan)
Chùa Phật Ngọc nằm trong khuôn viên hoàng cung Thái Lan - Ảnh: SGT |
Đến Thái Lan, đâu đâu cũng sừng sững những bảo tháp và bóng áo vàng nhà sư, bởi đây là xứ sở của những ngôi chùa tháp linh thiêng bậc nhất.
Chùa Phật Ngọc (Wat Phra Kaeo) ở thủ đô Bangkok là một trong ba đại quốc bảo của Thái Lan. Chùa này tọa lạc góc đông bắc Đại Vương Cung Bangkok (Bangkok Grand Palace) tạo thành chỉnh thể thống nhất của Đại Vương Cung.
Chùa được xây dựng từ năm 1784, làm nơi thờ cúng Phật Ngọc, tổ chức các nghi thức Tôn giáo của Hoàng gia Thái Lan, nổi tiếng khắp vùng Đông Nam Á.
Chùa Vàng - Bạc (Campuchia)
Thủ đô Phnom Penh là một thành phố lớn nhất Campuchia. Nằm bên cạnh Hoàng cung, là ngôi chùa Vàng - chùa Bạc, còn gọi chùa Phật Ngọc lục bảo cổ kính. Ngôi chùa với lối kiến trúc độc đáo này kết hợp giữa sự lộng lẫy và xa hoa, đặc biệt với 5.329 miếng bạc được lát trên nền nhà, mỗi miếng đều làm thủ công và có trọng lượng 1,125gr.
Chùa Sri Dalada Maligawa ở Sri Lanka
Chùa Sri Dalada Maligawa nơi lưu giữ xá lợi Răng Phật, được xem như báu vật quốc gia Sri Lanka - Ảnh: SGT |
Đảo quốc Sri Lanka được ví như hòn ngọc ẩn của Ấn Độ Dương. Đảo quốc tuy nhỏ, nhưng không thiếu các thánh tích thiêng liêng về Phật giáo. Người Sri Lanka đa phần theo đạo Phật nên trong mình luôn mang nét hiền hòa, chân chất của người dân xứ “thuần Phật”.
Ở Sri Lanka còn có ba Di sản thế giới đã được UNESCO công nhận, gồm đền thờ hang động Dambulla, pháo đài đá Sigiriya và đền xá lợi răng Phật - di tích Phật giáo quan trọng nhất của Sri Lanka và là địa điểm thu hút khách hành hương từ khắp nơi trên thế giới.
Đất nước Bhutan
Mùa xuân của Bhutan, thường kéo dài từ tháng 3 đến tháng 5, đây là mùa cao điểm của du lịch và là mùa đẹp nhất trong năm. Nếu có dịp đến xứ sở được mệnh danh “Quốc gia hạnh phúc nhất hành tinh”, du khách sẽ chạm đến ngưỡng cảm xúc khi khám phá những di sản văn hóa Phật giáo Himalaya. Đây là truyền thống duy nhất còn sót lại tại thủ đô Thimphu và cố đô Punakha. Nơi gắn liền với cuộc đời của Ngài Liên Hoa Sinh (Padmasambhava) - người có công truyền bá Phật giáo Tây Tạng vào Bhutan - tại quần thể tu viện nổi tiếng Taktsang (Tiger’s Nest).
Địa danh này tọa lạc cheo leo trên một vách núi dốc đứng, cao 300m phía trên thung lũng Paro… Đây cũng là lúc cảnh sắc thiên nhiên Bhutan mê hoặc lòng người nhất với vẻ đẹp rực rỡ của những thung lũng xanh mướt trải rộng tới đường chân trời, những rừng hoa đỗ quyên đỏ hồng đua nhau khoe sắc cùng màu tím thủy chung của hoa phượng.
Vương đường Phật giáo tại Hyogo, Nhật Bản
Trải rộng trên diện tích hơn 150 ha, ngôi chùa có khuôn viên rộng lớn nhất Nhật Bản và được xem là một trong những trung tâm Phật giáo lớn nhất thế giới. Được bao bọc bởi 8 ngọn núi tựa như biểu tượng hoa sen 8 cánh quen thuộc của nhà Phật, Vương Đường Phật giáo khẽ níu chân du khách dừng lại lâu hơn để nhẹ bước khám phá bao công trình kiến trúc kỳ vĩ đạt kỷ lục thế giới, như Đại Hùng Bảo Điện, Ngũ Tầng Tháp, Thánh Đức Thái Tử Đường...
Đặc biệt, ngay dưới Ngũ Tầng Tháp là công viên điêu khắc đá thể hiện sinh động hình tượng của 500 vị A La Hán với kích thước gần giống người thật.
Tác giả: Phạm Hữu
Nguồn tin: Báo Thanh Niên