Thế giới

550 ngày cầm tù và nước mắt Đoàn Thị Hương

550 ngày chờ đợi, từ hoảng loạn, sợ hãi đến tin tưởng, hy vọng, cuối cùng Hương vẫn chưa thể về với người thân khi tòa Malaysia cho rằng bằng chứng của công tố viên đủ sức nặng.

Khán phòng nhỏ bỗng xôn xao khi tất cả mọi người đều đứng dậy sau khi vị thẩm phán đọc xong phán quyết. Cánh nhà báo cố ngóng tai nghe xem ông vừa tuyên bố "các yếu tố cấu thành tội danh được thỏa mãn" hay không.

Hương dường như cũng cảm nhận được sự khác thường. Cô quay sang người phiên dịch cũng đang lộ rõ vẻ thất thần trên mặt.

Từ vành móng ngựa, Hương bật khóc trong khi các luật sư nói gì đó với thẩm phán bằng tiếng Mã Lai. Gương mặt biến sắc có thể thấy rõ dù cô đội khăn trùm đầu. Người phiên dịch cho cô cũng không kiềm được nước mắt.

Sau phán quyết sáng 16/8, Hương sẽ còn đến tòa án rất nhiều lần như thế này nữa. Ảnh: Reuters.

Và các luật sư, với sự thất vọng xen lẫn căng thẳng, dường như vẫn chưa tin vào quyết định của thẩm phán. Tuyên bố Đoàn Thị Hương vô tội đã không được đưa ra tại tòa án Malaysia hôm 16/8.

Ông Azmi Ariffin, thẩm phán Tòa Thượng thẩm Shah Alam, nói các chứng cứ cho thấy vụ giết hại người được cho là Kim Jong Nam, anh trai cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, là "âm mưu đã được lên kế hoạch kỹ lưỡng giữa hai người phụ nữ và 4 người Triều Tiên đã bỏ trốn".

"Vì vậy tôi buộc phải yêu cầu các bị cáo tiến hành đối chất trước tòa về các cáo buộc", ông tuyên bố trong phán quyết mất đến gần 2 giờ 30 phút để đọc, thời lượng được cho là dài bất thường.

"Xem xét kỹ lưỡng"

Trước đó, luật sư của cả Hương và Siti Aisyah, bị cáo người Indonesia, đều bày tỏ tin tưởng rằng thẩm phán sẽ tha bổng và trả tự do ngay lập tức cho hai cô gái.

Các luật sư lập luận rằng hai cô gái nghĩ mình tham gia vào một chương trình truyền hình thực tế và không biết thứ chất lỏng mà họ áp vào mặt nạn nhân là chất độc thần kinh VX. Tuy nhiên, thẩm phán Ariffin đã bác bỏ lập luận đó, nói ông đã "xem xét kỹ lưỡng" những vụ chơi khăm.

Công dân Triều Tiên mang hộ chiếu Kim Chol, được cho là Kim Jong Nam, bị sát hại ở Malaysia vào tháng 2/2017 bằng chất độc thần kinh VX. Ảnh: Reuters.

Ông Ariffin nói lập luận của luật sư rằng Hương không biết đó là chất VX có vẻ hợp lý, song cho rằng việc cô chạy đến phòng vệ sinh sau khi tiếp xúc với nạn nhân là "điều rất lạ thường".

Các công tố viên chỉ ra hành vi của Hương sau sự việc là chứng cứ chủ chốt, cho rằng cô chạy đi rửa tay vì biết tay dính chất lỏng nguy hiểm. Trong khi đó, luật sư của Hương khẳng định ngược lại, chỉ ra thực tế là cô đã không thay quần áo để củng cố lập luận rằng Hương hoàn toàn không biết về sự nguy hiểm của chất lỏng đó.

Thẩm phán Ariffin nói ông tin phía công tố đã cung cấp đủ bằng chứng để chứng minh rằng nạn nhân thiệt mạng vì chất độc VX. Tuy nhiên, ông nói lập luận của công tố viên còn yếu vì dựa hoàn toàn vào băng hình giám sát an ninh cũng như không đưa ra được bất kỳ nhân chứng nào.

Trong các phiên tòa trước đó, ông Gooi Soon Seng, luật sư của Aisyah, đã chỉ trích công tố viên chỉ đưa ra những đoạn băng hình đã được cắt ghép. Ông cũng phê phán cơ quan điều tra không giữ được bản sao nguyên gốc của băng hình giám sát làm bằng chứng sau khi bắt giữ thân chủ của ông.

"Chúng tôi sẽ không nói quyết định của tòa là công bằng hay không công bằng, nhưng chúng tôi thấy rằng quyết định này vô cùng gây thất vọng", luật sư Gooi trả lời Zing.vn sau phiên tòa hôm 16/8.

Luật sư Gooi Soon Seng trả lời báo giới sau phiên tòa. Ảnh: Vũ Mạnh.

Đại sứ Indonesia tại Malaysia Rusdi Kirana nói ông sốc trước quyết định của tòa nhưng chính phủ Indonesia sẽ tuân thủ. Ông cũng cho rằng thẩm phán lẽ ra nên trả tự do ngay lập tức cho hai cô gái.

Trong khi đó, luật sư Hisyam Teh Poh Teik, người bào chữa cho công dân Việt Nam, nói ông tôn trọng quyết định của tòa và vẫn tự tin rằng cuối cùng Hương sẽ được chứng minh vô tội.

Tòa đã định ngày để hai nữ bị cáo bước vào quá trình đối chất: Aisyah thực hiện trước, từ tháng 11, và Hương sẽ tiến hành vào trong tháng 1 và tháng 2/2019.

Động cơ chính trị

Các luật sư nói vụ giết người xuất phát từ động cơ chính trị với rất nhiều nghi can chủ chốt có liên quan đến Đại sứ quán Triều Tiên ở Malaysia, khẳng định thân chủ của họ chỉ là những "con tốt thí".

"Tôi không loại trừ khả năng đây là vụ ám sát chính trị. Tuy nhiên, tôi không thể khẳng định điều này", thẩm phán Ariffin nói trong phán quyết.

Ông cũng nói 4 nghi can Triều Tiên có "vai trò thực chất" và là "một phần của chuỗi (hành động) dẫn đến vụ sát hại" ở sân bay Kuala Lumpur ngày 13/2/2017. Trước đó, các luật sư nhiều lần khẳng định hung thủ thực sự là 4 nghi can Triều Tiên đã bỏ trốn chỉ vài giờ sau vụ việc, đồng thời chỉ ra một nhân viên sứ quán Triều Tiên đã giúp đỡ sắp xếp việc đi lại cho 4 người này, nói đây là bằng chứng về sự liên can của sứ quán.

Đại sứ quán Triều Tiên tại Malaysia. Ảnh: Reuters.

Kim Jong Nam, con trai cả của cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il, đã sống lưu vong ở Macau nhiều năm. Ông từng được xem là người có thể thay thế vị trí của nhà lãnh đạo Kim Jong Un.

Bình Nhưỡng trước sau một mực phủ nhận nạn nhân là Kim Jong Nam, chỉ đề cập bằng cái tên Kim Chol trên hộ chiếu của ông này khi qua đời. Nước này cũng bác bỏ cáo buộc của Hàn Quốc và Mỹ rằng họ đứng sau vụ sát hại.

Hồi tháng 6, Malaysia nói họ có kế hoạch mở lại sứ quán ở Bình Nhưỡng, nhằm hàn gắn rạn nứt trong mối quan hệ từng rất khắng khít giữa hai bên, vốn đã gây nên một cuộc khủng hoảng ngoại giao sau nghi án Kim Jong Nam.

Mong sự công bằng

Từ quê nhà ở Nam Định, ông Đoàn Văn Thạnh, cha của Hương, cho biết ông rất buồn khi hay tin. Cả đêm qua ông đã không ngủ được vì hồi hộp chờ đợi quyết định của tòa án.

"Nó bị người ta lừa", ông nói với AFP. "Tôi thương con gái lắm, nhớ nó lắm nhưng không thể làm được gì cả".

Ông Đoàn Văn Thạnh, cha của Hương, nói ông cả đêm không ngủ chờ đợi phán quyết. Ảnh: Reuters.

Cả Hương và Aisyah giờ đây có thể phải đối mặt với bản án tử hình sau quá trình đối chất nếu bị tuyên có tội. Khi nghe người phiên dịch thuật lại lời thẩm phán Ariffin, Hương dường như bị sốc. Nước mắt bắt đầu rơi trên khuôn mặt trắng bệch.

Ở phía bên kia vành móng ngựa, Aisyah, người từng nói rất thương người bạn Việt Nam vì Hương ít có người vào thăm như mình, cũng bật khóc nức nở.

Trong hơn 10 năm qua, Hương ít khi về thăm nhà, lần gần nhất là dịp Tết Nguyên đán vừa rồi. Ba năm trước, mẹ ruột cô qua đời vì bệnh tim khi cô 27 tuổi. "Nó cứ khóc suốt", ông Thạnh nhớ lại khi ngồi bên bàn thờ người vợ đầu.

Lần gần nhất ông gặp con gái út là tháng 4/2017 khi sang Malaysia thăm Hương trong tù, hai tháng sau khi cô bị bắt. Ông nói gia đình không có tiền để sang lần này.

Trả lời Zing.vn trước phiên tòa, bà Nguyễn Thị Vỳ, vợ thứ hai của ông Thạnh, nói cả gia đình "chỉ biết cầu nguyện cho con được trở về đoàn tụ với gia đình".

Anh trai của Hương, anh Đoàn Văn Bính, nói anh hy vọng em gái sẽ được đối xử công bằng.

"Gia đình chúng tôi hy vọng chính phủ Malaysia sẽ tổ chức một phiên tòa công bằng", anh nói với AFP.

Hương và Aisyah được dẫn đi sau khi phiên tòa kết thúc. Ảnh: Hoàng Việt.

550 ngày kể từ khi xảy ra vụ việc chấn động truyền thông quốc tế, Hương vẫn chưa thể trở về ngôi nhà nằm bên cạnh bờ kênh ở vùng nông thôn Nam Định. Giờ đây, cô phải đợi thêm hơn 4 tháng trong tù để chờ đến ngày tự biện hộ cho mình.

"Cố lên nha!", những người Việt có mặt trong phiên tòa ở Shah Alam sáng 16/8 nói với Hương khi cô bị còng tay dẫn đi.

"Cảm ơn anh", cô đáp và mỉm cười.

Đường về sao bỗng xa hơn...

Chưa được tuyên vô tội, Đoàn Thị Hương tiếp tục hầu tòa

Tòa Thượng thẩm ở Malaysia tuyên Đoàn Thị Hương và Siti Aisyah tiếp tục hầu tòa để đối chất, biện hộ hành động của mình trong cáo buộc giết người nghi là Kim Jong Nam.

Tác giả: Vũ Mạnh

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok