|
Theo VNPT, cáp quang biển SMW3 là tuyến cáp cũ, dự kiến sắp dừng hoạt động và nhà mạng này không sử dụng dung lượng của tuyến cáp này cho các dịch vụ Internet băng rộng cố định của mình, vì vậy khi sự cố diễn ra với tuyến cáp, không ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ mạng Internet trong nước do nhà mạng cung cấp.
Hiện, cả 5/5 tuyến cáp quang biển tại Việt Nam đều đang có sự cố. Các nhà mạng đang nỗ lực khôi phục chất lượng mạng. |
Trước đó, 4 tuyến cáp quang biển khác mà các nhà mạng Việt Nam đang khai thác bao gồm AAG, AAE-1, APG và IA lần lượt gặp sự cố khiến cho việc truy cập Internet quốc tế bị ảnh hưởng nặng nề. Với sự chỉ đạo nhanh chóng, kịp thời của Bộ thông tin và Truyền thông, các nhà cung cấp mạng từng bước tìm kiếm các giải pháp khắc phục, đảm bảo chất lượng kết nối đi quốc tế. Hiện, sự cố với các tuyến cáp quang đang được gấp rút khắc phục, dự kiến sẽ hoàn tất trong những ngày tới.
Về phía VNPT, từ 18/2/2023, nhà mạng này đã bổ sung thêm 30% dung lượng băng thông quốc tế từ các tuyến cáp đất liền theo hướng qua Campuchia/Thái Lan đến Singapore và qua Trung Quốc đến HongKong, do vậy chất lượng truy cập Internet quốc tế của các khách hàng VNPT cơ bản được đảm bảo kể cả khi các tuyến cáp biển chưa được sửa chữa xong.
Hiện tại, ngoài các tuyến cáp biển đang được khai thác, VNPT cũng đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến cáp quang biển mới SJC 2 - South East Asia Japan 2 Cable System kết nối Singapore, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, HongKong, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Tuyến SJC 2 dự kiến sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2023, bổ sung thêm dung lượng đáng kể vào mạng lưới Internet tại Việt Nam.
VNPT cũng đang tham gia đầu tư 3 tuyến cáp biển mới. Dự kiến đến 2030, Việt Nam sẽ có hạ tầng cáp biển hiện đại với 9 tuyến, đưa Việt Nam thành Hub kết nối trong khu vực, giảm phụ thuộc vào 2 Hub chính hiện nay là Singapore, HongKong (Trung Quốc).
Tác giả: Nguyên Đỗ
Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn