Trong nước

50 năm, lá thư trở về

'Tôi không thể nói rằng mình vui hay buồn khi được nhìn thấy những lá thư cuối cùng của bố. Lá thư về nhà muộn 50 năm...'

Những lá thư đầy yêu thương của chiến sĩ Phạm Quang Ảnh gửi cho cha mẹ, anh chị và người vợ thân yêu của mình. Mãi 50 năm sau lá thư mới trở về...

"Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ/Anh chẳng để lại gì cho riêng anh trước lúc lên đường...". Đó là hình dung chung về các anh giải phóng quân trên đường phố Sài Gòn Mậu Thân 1968, là lý giải cho những tấm bia liệt sĩ vô danh, những nấm mộ tập thể người dân lập trên đường. Nhưng có khi cũng không hẳn như thế...

Góc nhìn từ nữ nhà báo Ý

Trong tập bút ký Cuộc sống, cuộc chiến tranh và rồi... viết về những ngày Mậu Thân 1968, nữ nhà báo người Ý Oriana Fallaci đã dành rất nhiều trang cho chính những người lính Việt cộng kể chuyện mình.

Bà kể: "Ngày 12-2-1968... Tôi rời sân thượng đến ngồi trên chiếc ghế bành, cạnh đống giấy tờ mà François (đồng nghiệp tại hãng thông tấn Pháp - PV) đã chất đống. Ở đó có một quyển vở đánh máy, tiếng Anh. Tôi lơ đãng cầm lên đọc, thiếu điều la lên: "Cái gì vậy?". François miễn cưỡng ngừng tay: "Nhật ký của một Việt cộng". "Xác thực chớ?". François rút trong ngăn kéo ra quyển sổ nhỏ, bẩn thỉu, viết chữ Việt Nam li ti, khít khao. Vết bẩn hình như là máu khô lại.

- Xác thực. Đây là bản gốc. Hầu như tất cả Việt cộng đều viết nhật ký, trong đó họ chép thơ vào những cuốn nhỏ như cuốn này.

- Ở đâu có vậy?

- Trên một thi thể, tất nhiên. Có đến hàng trăm cuốn như vậy...

Tôi đọc cuốn nhật ký như người khát uống nước, quên ngủ, đọc tới sáng. Việt cộng - chủ nhân cuốn nhật ký - không còn là một bóng ma không sao tóm được trong đêm nữa. Tôi đọc và đã tìm thấy ở họ điều mà ngay đến chiến tranh cũng không sao xóa được: nỗi đau khổ vinh quang được làm người".

50 năm sau, những cuốn nhật ký, những lá thư, những tấm ảnh, những giấy tờ người Mỹ đã thu được trên chiến trường năm ấy lần lượt được đưa lên mạng và quay về với Việt Nam, với quê hương, gia đình...

Di ảnh liệt sĩ Phạm Quang Ảnh

Lá thư về muộn 50 năm

"Tôi không thể nói rằng mình vui hay buồn khi được nhìn thấy những lá thư cuối cùng của bố. Đọc và nghĩ đến mẹ, ông bà nội, người đáng lẽ phải được nhận thư, được đọc, được cười hay khóc trên lá thư ấy.

Việc đó đáng lẽ là quyền của mẹ tôi, ông bà nội tôi nhưng họ đã không thể. Lá thư về nhà muộn 50 năm. Tôi nay 55 tuổi, mất bố đã 50 năm, mất mẹ 49 năm. Cả tuổi thơ sống với ông bà nội, với những mẩu thông tin chắp nối về cha mẹ.

Lớn lên, nhiều năm để tâm tìm kiếm, cuối cùng chỉ được thấy tên cha trên nấm mộ tập thể ở nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM. Nay có thêm mấy lá thư, như được bù đắp lại một phần mất mát" - ông Phạm Văn Cường hiện sống ở Hà Nội tâm sự.

Những lá thư của cha ông - chiến sĩ Phạm Quang Ảnh, tiểu đội trưởng - đại đội 2 - tiểu đoàn 16 viết ngày 27-12-1967; 25,26-1-1968 hẳn là vẫn được cất kỹ trong balô, được mang theo như vật bất ly thân khi vào trận, với hi vọng sẽ gửi về Hải Phòng kịp tết.

Cùng với hàng trăm đồng đội của tiểu đoàn 16, 267, 269, tiểu đội trưởng Phạm Quang Ảnh nhận nhiệm vụ xung kích vào sân bay Tân Sơn Nhất rạng sáng 31-1-1968. Anh đã ngã xuống ở đó. Những lá thư cũng nằm lại ở đó.

Người lính Mỹ nào đó đã nhặt lấy những lá thư, giấy tờ để rồi 50 năm sau mới đến nơi cần đến trên đường truyền Internet, qua sự nhiệt tình giúp tìm địa chỉ, thân nhân của những người nhiệt tâm.

Các cựu binh ở tiểu đoàn 16 cho biết những ngày tháng 11, 12-1967, tháng 1-1968, tiểu đoàn vừa vượt Trường Sơn vào đến Nam Bộ, lập tức lao vào tập làm quen với địa hình đồng bằng, thực tập chiến thuật đánh công kiên bằng 10 trận công đồn ở Tây Ninh. Sau những trận công đồn ấy, tiểu đội trưởng Quang Ảnh ngồi viết thư.

Luôn mơ ngày hòa bình, thống nhất

Ông Cường trầm ngâm: "Hồi nhỏ tôi được ông bà nội cho xem vài bức thư, bức vẽ của bố, chỉ nhớ rằng chữ của bố rất đẹp, nét vẽ cũng bay lượn". Sau này tôi đi học xa, ông bà ở nhà vất vả, các kỷ vật ấy không giữ được.

Những lá thư này đã mang hình ảnh người bố tài hoa của tôi quay về. Lúc ở nhà ông là nông dân, vào chiến trường là một người lính, nhưng với ký ức một cậu bé như tôi ngày xưa, bố là người gắn với những cái đẹp như thế".

Không chỉ là tưởng tượng của một cậu bé phải xa bố từ năm 2 tuổi (ông Cường sinh năm 1963, ông Ảnh nhập ngũ năm 1965 - PV), những lá thư đã tái hiện một chiến sĩ Phạm Quang Ảnh thật sự tài hoa, tràn đầy tình cảm.

"Con vui mừng báo tin thầy mẹ hay, từ ngày con đi đến nay thời gian tương đối dài, trèo đèo, lội suối, luồn rừng, vượt sông, nắng mưa đã tôi luyện cho con một lớp da sắt thép nên con đã chống chọi được với ngoại cảnh thiên nhiên. Đến nay con vẫn khỏe.

Ở nơi tiền tuyến xa xôi, con làm sao mà biết được tin tức gia đình, nên mỗi khi nhìn thấy đồng bào, con lại hình dung những ngày nào ở quê hương. Thầy mẹ thương mến con bao nhiêu, giờ đây đồng bào miền Nam quý con bấy nhiêu.

Bao người mẹ hiền lành như mẹ, ngày ngày gần gũi bên con, vá lại mụn áo rách, khâu lại chiếc quần... Thầy mẹ đừng lo con cô đơn. Một ngày không xa con trở lại, lúc đó hẳn thầy mẹ vui vẻ lắm, cả nhà hân hoan đón chào một mùa xuân huy hoàng hạnh phúc".

Và ông viết cho người vợ: "Căn thương yêu! Một mùa xuân cũ đã sắp qua, và một mùa xuân mới đến, đầy hứa hẹn niềm tin thắng lợi. Tết này chắc gia đình ăn tết cũng không lớn lắm vì còn bao sự nhớ thương.

Anh hình dung lại những năm qua sao mà đẹp đẽ ấm áp thế, anh tin chắc rằng ngày mai kia đất nước được nối liền, Bắc - Nam thống nhất thì ngày ấy xuân sẽ vui và còn lớn lao hơn trăm lần những xuân qua...".

Lá thư nào cũng nhắc đi nhắc lại một giấc mơ "hòa bình - thống nhất", giấc mơ của tất cả những chiến sĩ giải phóng quân trên đường vào chiến trường, giấc mơ của bao nhiêu ông bố, bà mẹ, người vợ ở hậu phương.

Lệnh tổng tấn công đến ngay mùng 1 tết. Được giao một trong những mục tiêu quan trọng nhất, các cựu chiến binh tiểu đoàn 16 kể: "Chúng tôi được lệnh chôn giấu hết vật dụng cá nhân, balô chỉ chứa đạn để vào trận...".

Thế nhưng tiểu đội trưởng Phạm Quang Ảnh và nhiều đồng đội khác nữa đã để lại trong balô những lá thư, giấy tờ của riêng mình. Đạn sẽ bắn hết. Máu sẽ đổ. Họ biết như thế, và cũng biết rằng những tình yêu, những giấc mơ đã gửi gắm trong những lá thư sẽ đi cùng với mình, sẽ trở về.

"Con viết lá thư này không biết có đến gia đình kịp tết không, nhưng nó sẽ về đến quê hương với thầy mẹ, những dòng chữ đậm đà cùng với tin mừng từ tiền tuyến".

Anh bước vào trận chiến bi hùng. Và ở lại đó với tuổi 29. Nhưng lá thư, đúng như tiên đoán của anh, đã về đến quê hương, dẫu 50 năm đã qua.

Lá thư của người lính

"Thầy mẹ! Từ ngày con từ giã gia đình, thầy mẹ và các anh chị, các cháu lên đường đến nay, đã một năm trời trôi đi. Một năm không thấy thư con, chắc thầy mẹ nhớ lắm. Con biết rằng có những lúc gia đình phải buồn vì nỗi nhớ, niềm thương, mong thư con ngày đêm, tất cả tình thương dồn cả về con. Lúc này, chỉ một chút tin tức thôi cũng đã đủ để thầy mẹ yên lòng, nhưng không sao gửi được.

Hôm nay, khi năm cũ sắp qua, tất cả những mù mịt xa xôi đều dồn cả về phía sau, một mùa xuân thắng lợi đang nhích lại gần, cũng là lúc con đang hướng về quê hương, nghĩ về gia đình nơi tiền tuyến xa xôi...".

"Em thương yêu! Xa em anh không biết nói gì, hẹn ngày thống nhất, anh trở lại quê hương với đồng lúa chín, dưới ánh trăng anh kể chuyện em nghe. Từ ngày ấy ta tạm biệt nhau trên bãi cỏ xanh bến xe, giờ nghĩ lại đã một năm trời trôi đi, giờ nghĩ lại anh và em đã làm được gì rồi nhỉ...".

"Lâu lắm anh chị em mình không gặp nhau, nhớ lắm phải không anh, các chị, tình cảm tay chân ai mà không thế. Từ ngày xa quê hương, xa anh chị, gia đình đến nay cũng đã khá dài, tình cảm anh em ta bị gián đoạn, không biết gì về sức khỏe cả. Hôm nay em biên thư về thăm anh chị và các cháu, cũng là để báo tin sức khỏe của em cho anh chị biết. Cắn bút mãi không biết viết gì, sự xúc động cứ đọng lại trong ý nghĩ, thôi anh ạ, tất cả sẽ dành cho ngày thống nhất...".

Cả ba lá thư gửi cha mẹ, vợ, các anh chị em đều được viết ngày 25-1-1968, tức 26 tháng chạp Tết Mậu Thân. Hôm ấy tiểu đoàn 16 vẫn còn đóng ở Tây Ninh, lệnh hành quân còn chưa tới, kế hoạch tổng tiến công vẫn còn được giữ tuyệt mật. Chỉ có cái tết, mùa xuân là rộn ràng trước cửa, trong lòng, dù cho người lính đang ở chiến trường, giữa cuộc chiến tranh.

Tác giả: PHẠM VŨ

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

  Từ khóa: lá thư , người lính , gia đình

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok