Trong nước

5 siêu ban, gần 1.000 cán bộ: Sáp nhập chỉ mang tính hình thức?

Việc TP Hà Nội thành lập 5 “siêu ban” trên cơ cơ sở tiếp nhận nguyên trạng tổ chức bộ máy, nhân sự của 26 ban tiền thân, được đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến đánh giá chỉ mang tính hình thức.

Kết quả khảo sát thực hiện Nghị quyết 16 của HĐND TP Hà Nội về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp được Ban Pháp chế cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2017, TP Hà Nội đã thực hiện 3 đợt tinh giản biên chế với 296 trường hợp. Còn 3 đợt tinh giản biên chế năm 2016, TP Hà Nội đã giảm được 151 biên chế (16 công chức, 83 viên chức, 52 công chức cấp xã).

Đối với các cơ quan hành chính, Ban Pháp chế cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017 đã hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy 22 sở ngành. Sau sắp xếp tổ chức bộ máy, lãnh đạo cấp sở phòng ban đã tinh gọn hơn trước. Cụ thể, đã giảm được 46/204 phòng, giảm được 17/82 Phó Giám đốc sở, giảm được 26/182 trưởng phòng, giảm 116/517 phó phòng.

5 "siêu ban" của Hà Nội được hình thành trên cơ sở sáp nhập nguyên trạng 26 ban tiền thân

Qua hai đợt giám sát trong năm 2016 và 2017, Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội đã chỉ rõ mặt hạn chế trong việc tinh giản trên địa bàn thành phố Hà Nội. Cụ thể, cả hai đợt, ban này đều đưa ra nhận định chung, đó là TP Hà Nội vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình tinh giản biên chế, các đối tượng được tinh giản biên chế cơ bản vẫn là đối tượng nghỉ hưu, chứ chưa phải được tinh giản sau sắp xếp, kiện toàn bộ máy.

Trong năm 2017, TP Hà Nội cũng mạnh tay sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc các sở ngành. Trên cơ sở 26 Ban Quản lý dự án (QLDA) thuộc UBND và các sở ngành, Hà Nội đã “gói gọn” trong 5 Ban QLDA. Các Ban QLDA này được hình thành trên cơ sở tiếp nhận nguyên trạng về tổ chức bộ máy, nhân sự, tài sản, công việc của 26 ban tiền thân. Quá trình này, đã giảm từ 108 phòng xuống còn 73 phòng, 308 lãnh đạo trưởng phó phòng đơn vị xuống còn 177 người.

Qua khảo sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HDND TP Hà Nội lại thấy rõ những bất cập trong quá trình sáp nhập 26 Ban QLDA thành 5 “siêu ban” gồm: BQLDA Dân dụng và công nghiệp, BQLDA Giao thông, BQLDA NN&PTNT, BQLDA Văn hóa - xã hội, BQLDA Cấp nước - thoát nước và môi trường.

Quá trình sắp xếp, kiện toàn bộ máy đã thành 5 “siêu ban” có độ cồng kềnh không kém một sở của TP Hà Nội. Cụ thể, trong 5 Ban QLDA có tổng số 984 người, trong đó có 5 công chức, 706 viên chức và 273 lao động hợp đồng.

Ban “khủng” nhất trong 5 ban kể trên là Ban QLDA Giao thông có 407 người, gồm 1 công chức, 294 viên chức, 112 lao động hợp đồng. Do quá nhiều cán bộ và người lao động nên Ban QLDA Giao thông chỉ đủ chi phí hoạt động đến hết quý 3/2017.

BQLDA NN&PTNT có 101 người, gồm 1 công chức, 149 viên chức, 39 lao động hợp đồng cũng phải ứng ngân sách 6,2 tỷ đồng để duy trì hoạt động.

Nguyên nhân chính dẫn đến những khó khăn gây ra cho các “siêu ban” kể trên được Ban Kinh tế ngân sách chỉ rõ là do các BQLDA có số lượng cán bộ, người lao động nhiều hơn so với khối lượng công việc tương ứng số lượng dự án, kế hoạch vốn được giao triển khai. Ngoài ra, thành phố chưa kịp hướng dẫn, quy định về phân công, phân cấp, ủy quyền trong quyết định phê duyệt dự toán chi phí quản lý của BQLDA.

Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội hoan nghênh việc TP Hà Nội sáp nhập 26 Ban QLDA xuống còn 5 ban. Bởi theo ông Tiến muốn giảm được biên chế, trước tiên phải giảm được đầu mối.

Tuy nhiên, nguyên đại biểu Quốc hội cho rằng, việc giảm này không nên làm một cách cơ học. Nghĩa là các Ban QLDA không nên bê nguyên trạng tổ chức bộ máy, nhân sự, tài sản, công việc của 26 ban tiền thân.

“Ví dụ như cứ 5 ban này thành 1 ban kia và bê nguyên cả bộ máy, biên chế, viên chức… thì tức là không giảm. Từ 26 ban giảm xuống còn 5 ban, nhưng là 5 “siêu ban” thì chỉ làm giảm về hình thức, chứ không giảm về nội dung”, ông Lê Như Tiến đánh giá.

Theo ông Lê Như Tiến, hiệu quả của việc sáp nhập các ban lại phải được chứng minh bằng hoạt động thực tế. Còn nếu các ban hoạt động không hiệu quả, trong khi đó gần 1.000 lao động vẫn nhận lương bình thường thì không thể nào chấp nhận được. Do vậy, cần phải xem chủ trương hoặc quá trình sáp nhập các Ban QLDA của TP Hà Nội như vậy còn khúc mắc ở khâu nào.

Nguyên đại biểu Quốc hội cho rằng, quá trình sáp nhập, sắp xếp lại bố máy các Ban QLDA chỉ cần giữ lại những người thực sự phù hợp với công việc và giỏi chuyên môn. Khi sáp nhập như vậy, Hà Nội cũng phải tính toán từng vị trí công việc mới xác định được số lượng cán bộ, công chức, người lao động cần thiết cho từng ban.

“Nhập vào như vậy phải thúc đẩy sự phát triển công việc, lĩnh vực được họ đảm nhận. Còn nhập vào mà trì trệ hơn thì nhập làm gì, trong khi quỹ lương không có để hoạt động”, ông Lê Như Tiến nói thêm.

Tác giả: Quang Phong

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok