Chợ hoa Quảng Bá
Chợ hoa Quảng Bá là một trong những chợ hoa lớn nhất Hà Nội. Thông thường, chợ chỉ họp vào khoảng nửa đêm đến 3 - 4h sáng, nhưng những ngày cận Tết thì sẽ họp từ sáng đến tối.
Chợ tuy chỉ bán mặt hàng duy nhất là hoa nhưng lại tấp nập không thua kém bất cứ khu chợ nào. Các loài hoa ở đây rất đa dạng và rực rỡ sắc màu, tạo nên vẻ đẹp tươi vui nhưng cũng rất dịu dàng, duyên dáng. Với nhiều người, đi dạo trong chợ vào dịp Tết là một cách để cảm nhận nhịp sống của Hà Nội.
Có lẽ ngoài chợ hoa Quảng Bá, bạn sẽ chẳng tìm được nơi nào mua hoa rẻ hơn. Đây chính là lí do mà cho dù chợ họp vào ban đêm nhưng vẫn thu hút được số lượng lớn những chủ hàng hoa nhỏ hay những gánh hoa rong tìm đến, cốt để lấy được nguồn hoa với giá gốc.
Chợ hoa Hàng Lược
Chợ hoa Tết Hàng Lược chỉ họp một phiên duy nhất trong năm, bắt đầu từ 23 tháng Chạp tới tối ngày 30. Điểm đặc biệt nhất của chợ chính là nằm ngay trong lòng phố cổ, kéo dài qua các phố Hàng Lược, Hàng Chai, Hàng Rươi, Hàng Đồng và một vài tuyến phố khác.
Dọc khu chợ, vô số loài hoa đua nhau “phô diễn” vẻ đẹp, làm nổi bật lên cả một vùng trời đầy màu sắc. Bạn sẽ thấy bạt ngàn những cành đào, cây quất và cả những chậu cây cảnh độc đáo chưa từng được chiêm ngưỡng. Thỉnh thoảng, ở một góc nhỏ nào đó còn thấp thoáng sắc mai phương Nam đang vươn lên khoe sắc vàng rực rỡ giữa trời đông giá rét.
Đặc biệt, khi đi dạo ở đây, du khách còn có thể tận hưởng không khí Tết truyền thống cổ xưa và mua sắm đủ các mặt hàng cần thiết phục vụ cho ngày Tết.
Chợ đồ cổ phố Hàng Mã
Đã thành thông lệ, cứ khoảng ngày 20 tháng Chạp đến hết chiều 30 Tết, phiên chợ đồ cổ trên phố Hàng Mã (Hà Nội) lại trở nên nhộn nhịp. Cùng với chợ hoa Hàng Lược, chợ đồ cổ là một địa chỉ văn hóa thu hút người dân Thủ đô mỗi dịp xuân về.
Khu chợ bày bán các loại đồ cổ khá đa dạng và lạ mắt, từ những món có niên đại lâu năm đến những vật dụng giả cổ. Khách tham quan đến đây nhìn ngắm và cố gắng chọn lựa cho mình một món đồ ưng ý với hy vọng sẽ có một năm mới tràn ngập niềm vui, thịnh vượng.
Nếu là người có chút hiểu biết về đồ cổ thì đây đích thực là nơi giao lưu, gặp gỡ của những người bạn tri âm.
Chợ Nủa (Thạch Thất)
Cách trung tâm Hà Nội hơn 20 km, chợ Nủa (xã Bình Phú, huyện Thạch Thất) là phiên chợ quê thuộc đồng bằng Bắc Bộ còn giữ nhiều nét truyền thống. Chợ họp vào các ngày 2, 7, 12, 17, 22, 27 âm lịch hàng tháng. Riêng những phiên chợ cuối cùng của năm bao giờ cũng tất bật hơn cả.
Người dân nơi đây ai cũng biết câu: "Gái 22, trai 27" được lưu truyền từ xa xưa về phiên chợ Nủa. Theo đó, chợ họp vào ngày 22 dành cho phụ nữ, còn phiên chợ cuối cùng của năm (ngày 27) dành riêng cho các đấng mày râu.
Đi tới chợ Nủa, bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên khi thấy chợ được họp trên một bãi đất trống, dựng lều quán với những mái ngói bằng cọ lụp xụp. Chợ chủ yếu bán nông sản, vật nuôi, đồ dùng gia đình như chiếu cói, chổi tre, nón lá, áo quần, tăm đũa tre, bánh rán, kẹo bột, bỏng gạo...
Những ngày cuối năm, nhiều người tìm đến Chợ phiên xứ Đoài để mua bán hoặc dạo chơi một vòng cho thỏa nỗi nhớ hương vị quê hương.
Chợ Bưởi
Từ lâu, trong dân gian đã lưu truyền câu ca dao: “Chợ Bưởi một tháng sáu phiên/Ngày tư, ngày chín cho duyên đèo bòng”. Chợ Bưởi là chợ phiên hiếm hoi còn tồn tại tới ngày nay giữa lòng Hà Nội. Chợ họp chính vào các ngày 4, 9, 14, 19, 24, 29 âm lịch hàng tháng. Đây là điểm đến của những người yêu muông thú, cây cảnh hay đang muốn tìm mua một số vật dụng nông nghiệp.
Nếu ghé chợ Bưởi vào phiên chợ cuối cùng ngày 29 tháng Chạp âm lịch, du khách sẽ bị choáng ngợp trước muôn vàn loại hoa, cây cảnh khoe sắc. Từ thuỷ tiên, trạng nguyên, đỗ quyên, hải đường, nhài, tường vi, đến quất, sen đá, sen cạn,... mỗi cây, mỗi hoa một vẻ. Không những vậy, khách tham quan từ khắp nơi đổ về tạo nên một bầu không khí vô cùng náo nhiệt.
Tác giả: Hoàng Ngọc
Nguồn tin: Báo Dân trí