Du lịch

5 món ngon từ sâu thách thức lòng can đảm của thực khách

Nhộng ong, đuông dừa, sâu măng....có thể khiến nhiều người ghê sợ nhưng đây thực sự là món ngon được giới sành ăn ở Việt Nam công nhận. Nếu dám thử, có thể bạn sẽ nghiện mê vì mùi vị thơm ngon của những món ăn này.

Sâu muồng

Người Ê Đê ở Đắk Lắk có một món ăn rất đặc biệt: sâu muồng. Sâu muồng là loại sâu có ở cây muồng, loại cây được bà con nơi đây trồng xen trong vườn cà phê, trồng ở bìa rẫy, bờ lô để vừa lấy bóng mát vừa làm trụ cho tiêu leo.

Sâu muồng nhỏ, lưng có mầu nâu vàng, hai bên mình có sọc màu nâu thẫm, da trơn. Sâu ăn lá muồng nên con nào con nấy mập căng. Với người Ê Đê, những người vốn rất gần gũi và am hiểu về thiên nhiên, từ lâu sâu muồng là một món ăn vừa ngon vừa bổ dưỡng.

Sâu muồng là món ăn đặc sản ở cực bắc Tây Nguyên. Ảnh: I.T

Cách làm món sâu muồng rất đơn giản. Sâu bắt về, để chừng nửa buổi cho sâu tiêu hết phân trong ruột rồi rửa qua cho sạch. Đợi cho chảo nóng già, phi hành mỡ cho thơm rồi cho sâu vào xào, đảo nhẹ tay để tránh sâu bị giập nát. Nêm một chút muối và bột ngọt cho vừa ăn.

Sâu muồng xào, ăn mềm và hơi dai, có vị bùi và ngọt rất đặc trưng. Người chưa quen ăn lúc đầu có phần e dè khi đụng đũa, nhưng nếm xong đũa thứ nhất lại muốn gắp thêm đũa thứ hai, rồi đũa nữa… Bởi khó có thể cưỡng lại vị ngọt ngon của món ăn này.

Sâu măng

Sâu măng là loại sâu sống trên cây măng và là đặc sản của huyện Mường Lát (Thanh Hóa). Sâu măng to bằng đầu đũa, dài cỡ 2 đốt ngón tay. Cách săn sâu khá đơn giản, vào khoảng tháng 9, tháng 10, người săn sâu chỉ cần mang theo dao và giỏ đi một vòng quanh rừng nứa. Những bụi nứa có cây măng nào cao khoảng đầu người có biểu hiện héo ngọn, thân cong, mắt u thì hạ xuống, rồi đổ sâu trong ống nứa vào giỏ

Sâu măng xào lá chanh được coi là đặc sản của Mường Lát (Thanh Hóa). Ảnh: I.T

Từ sâu măng có thể làm ra nhiều món ngon, nhưng ngon nhất vẫn là sâu măng xào lá chanh. Sâu măng được rửa sạch, ướp gia vị rồi trút vào chảo mỡ đang phi hành thơm. Đảo nhanh tay đến khi sâu chuyển từ màu trắng sang vàng nhạt là được. Cuối cùng cho lá chanh thái chỉ vào tiếp tục đảo đều rồi bắc ra khỏi bếp.

Đuông

Đuông, ấu trùng của sâu, là một trong những đặc sản khó cưỡng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Có hai loại đuông là đuông dừa và đuông chà là với kích thước và màu sắc khác nhau.

Cách bắt đuông khá đơn giản, cứ thấy cây dừa nào héo ngọn, vàng lá chặt đi là sẽ tìm thấy đuông. Mỗi cây dừa/chà là như thế có hàng trăm con đuông.

Món đuông dừa “lội sông” không phải ai cũng dám thử. Ảnh: I.T

Cách thưởng thức “kinh dị” nhất của đặc sản này là ăn đuông sống với mắm, còn gọi là “đuông lội sông”. Thực khách sẽ thả những con đuông dừa còn sống vào bát nước mắm để chúng “vẫy vùng” trong đó. Rồi gắp từng con, nhai sống để cảm nhận vị mềm, bùi, ngọt đặc trưng của nó.

Riêng với những người mới tập ăn hay “yếu vía”, các món như đuông lăn bột chiên, đuông nướng, đuông luộc nước dừa, đuông hầm… là món tủ.

Nhộng tằm

Nhộng tằm phổ biến và quen thuộc với người Việt Nam hơn nhộng ong. Bề ngoài trông như những con sâu, nhưng món nhộng tằm rang đặc biệt được nhiều người Việt ưa chuộng vì vị béo, thơm, bùi bùi, thơm ngon đậm đà.

Nhộng rang có vị bùi bùi rất hấp dẫn. Ảnh: I.T

Nhộng rang với chút mỡ cho săn lại, cho thêm mắn, hạt nêm vừa miệng, đảo khéo tay để nhộng không vỡ. Cuối cùng trút nhộng ra đĩa, rắc thêm chút lá chanh là ta đã có món nhộng rang vàng ươm, dậy mùi nhộng thơm và mùi lá chanh. Nhộng tằm rang vừa là món ăn thơm ngon, rẻ tiền, vừa giàu dinh dưỡng.

Sâu khoai

Sâu khoai cũng là món nhậu được nhiều người yêu thích. Ảnh: I.T

Trong số các món nhậu từ sâu, sâu khoai cũng là “mồi nhậu” khoái khẩu của cánh đàn ông. Bề ngoài sâu khoai có thể sẽ khiến bạn “khiếp đảm” vì nó vừa to vừa mềm nhũn, lại xanh nhũn. Thế mà có nhiều người dũng cảm ăn sống sâu khoai. Dù ăn sống hay luộc, chiên, xào, sâu khoai đều giữ được vị béo ngậy, thơm bùi.

Tác giả: Huyền Trang

Nguồn tin: Báo Dân Việt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok