Du lịch

5 món ăn dân dã ở Bến Tre hấp dẫn du khách

Bánh canh bột xắt, cơm dừa, chuối đập, bánh xèo ốc gạo là những món ngon hiếm hoi chỉ có ở đất “ba cù lao”.

Bến Tre không chỉ là vùng đất nổi tiếng bởi những cù lao đẹp và vườn dừa xanh mát rượi bên dòng sông Tiền thơ mộng, nơi đây còn được mệnh danh là vùng đất sản sinh ra những món ngon đậm chất miền tây Nam bộ. Những món ăn tuy dân dã nhưng có đầy sự phóng khoáng, tự nhiên như phản ánh đúng bản tính của người dân nơi đây.

1. Bánh canh bột xắt

Bánh canh bột xắt còn có tên gọi khác là bánh bột gạo. Cũng như bánh bột gạo ở những vùng miền khác, bánh canh bột xắt ở Bến Tre được làm từ nguyên liệu chính là gạo. Gạo vo sạch rồi đem ngâm mềm sau đó xay thành bột nước rồi cho vào túi vải để ráo nước. Tiếp đó sẽ bóp bột rồi rưới nước sôi lên để nhào thành thứ bột sú, rồi mới cán sợi, xắt thành từng miếng nhỏ, sợi nhỏ. Công đoạn này cần đòi hỏi sự tỉ mỉ, nhanh nhẹn và đòi hỏi công phu nhất nên qua quá trình này ta có thể lí giải được tại sao bánh lại có tên là bánh canh bột xắt.


Thêm một điều độc đáo của bánh canh bột xắt đó chính là món ăn được nấu cùng thịt vịt, huyết vịt cùng nếp dẻo. Thứ nước lèo thường phải có màu trắng đục là do bột gạo tạo nên, đây cũng chính là điều làm ra sự khác biệt, và làm cho bánh khó lẫn với các loại bánh khác. Khi ăn bánh canh bột xắt ở Bến tre bạn đừng quên kêu thêm chén huyết nếp béo ngậy, khi ăn như vậy bạn sẽ cảm nhận đươc trọn vẹn hương vị của món ăn.

2. Cơm dừa

Để làm cơm dừa, người ta dùng gạo ngon, sau khi vo sạch bằng nước dừa, để cho ráo rồi cho vào trái dừa đem chưng cách thủy.

Trái dừa dùng nấu cơm phải là dừa xiêm. Sau khi chọn được trái vừa ý, người ta gọt cho quả dừa có hình dáng bắt mắt. Kế đó, cắt ngang một phần trên quả dừa để trút nước ra và dùng miếng cắt đó như cái nắp để đậy. Tiếp theo là cho gạo vào trái dừa, đổ nước dừa tươi vào vừa đủ rồi đậy nắp lại. Nấu cơm dừa cái khó nhất là phải canh nước dừa và gạo đều nhau, nếu nhiều nước ít gạo và ngược lại thì cơm dừa sẽ nhão nhoẹt hoặc cứng ngắc, hỏng mất mùi vị.

Cơm dừa chín còn nóng mở ra thơm phức ngửi mùi đã muốn ăn.

Cơm dừa ăn nóng mới ngon. Nếu để lâu, hạt cơm trắng ngần sẽ thấm thêm hơi dầu dừa và ngả sang màu vàng nhạt.


Món ăn kèm với cơm dừa là tôm rang thì mới đúng điệu. Sau khi bỏ tôm lên chảo rang người ta cho nước cốt dừa vào chảo để lửa riu riu. Đến khi tôm ngấm nước cốt dừa chuyển sang màu đỏ quạch là đã xong món tôm rang dừa. Lúc này thịt tôm ngấm dừa sẽ có mùi vị dai, giòn, thơm ngậy.

Khi ăn bạn nhớ dùng muỗng nhỏ và nhai chầm chậm thôi, sẽ thưởng thức vị ngọt lẫn hương thơm của nước dừa thấm vào hạt cơm.

3. Chuối đập

Nguyên liệu để làm món này được lựa chọn rất kỹ càng. Chuối được lựa chọn phải là chuối xiêm, vỏ còn xanh vừa ngả vàng, người miền Tây hay gọi là “chín hường hường”. Nếu lựa chuối quá chín thì lúc nướng sẽ bị nhão, không ngon. Sau khi bóc vỏ, chuối được cắt dọc cho vào túi ni lông đập dẹt rồi cho lên bếp nướng. Khi màu chuối từ trắng đục chuyển sang màu vàng óng, sờ vào thấy giòn thì lấy xuống.

Nước cốt dừa đun lên cho đến khi đặc quánh, thêm chút hành xắt để không ngấy là đã có ngay nước cốt để chấm với chuối đập rồi.

Những ngày mưa lành lạnh, núp dưới mái dù của quán ven đường nào đó, bóc từng miếng chuối vừa giòn trên bếp xuống rồi xì xụp húp nước cốt dừa tới muỗng cuối cùng, sao mà khó quên đến thế!

Giá mỗi đĩa chuối đập thơm lừng nóng hổi khoảng 10.000 đồng.


4. Bánh xèo ốc gạo

Tới Bến Tre mà chẳng nán lại dùng bánh xèo ốc gạo thì xem như cuộc du lịch tới xứ dừa chưa trọn vẹn. Ốc gạo sau khi rửa sạch, được tẩm ướp một ít muối, bột ngọt rồi cho nước vào đun sôi. Sau khi ốc chín, vớt ra lấy thịt ốc bên trong. Tiếp đó xào thịt ốc với hành tây, hẹ thái mỏng để làm nhân bánh.

Để có món bánh xèo ngon, ngoài nhân ốc gạo, vỏ bánh xèo cũng là một thành phần quan trọng. Với xứ dừa như Bến Tre thì thật không khó để vị ngọt béo của phần vỏ bánh trở nên đặc sắc. Đầu tiên, phải trộn bột làm bánh xèo với nước cốt dừa, sữa bò tươi, trứng, bột nghệ và hành lá thái mỏng. Công đoạn tráng bánh xèo yêu cầu cần có chảo chuyên dụng và một chút khéo léo của người thực hiện. Đổ một ít bột bánh xèo vào chảo, láng thật mỏng, sau đó cho nhân ốc gạo vào rồi cuộn lại. Khi ấy, bạn sẽ thấy những con ốc gạo trắng tinh nằm cuộn tròn trên da bánh vàng ruộm thật hấp dẫn.

Đây là món ăn đặc sản của cồn Phú Đa, Chợ Lách, Bến Tre.


Hãy tưởng tượng miếng bánh xèo được bẻ ra gói trên một ít rau sống, rau rừng và chấm vào chén nước mắm tỏi ớt. Vị mằn mặn cay cay của nước mắm, thêm chút giòn tan trong vị béo ngậy của da bánh xèo và đặc biệt, có ốc gạo trong nhân bánh cộng hưởng, tạo nên một cảm giác trên cả tuyệt vời cho người thưởng thức.

5. Chè bưởi

Để làm ra món chè bưởi ngon, cùi bưởi cần gọt hết phần vỏ xanh bên ngoài và những phần gân, xơ bên trong, chỉ lấy phần cùi trắng. Sau đó cắt ra thành các miếng nhỏ vừa ăn. Cùi bưởi được nhồi nhiều lần trong nước cho hết vị the và đắng sau đó lại nhồi nước lã, xả khi nào nhai thử thấy không còn hơi hướng của vỏ bưởi mới thôi. Sau khi ráo nước, cùi bưởi được thái sợi vuông cạnh, vừa tầm như sợi bột khoai rồi tiếp tục lăn khô cùi bưởi với bột năng.

Đưa vào nấu với nước đường tinh, sau đó đổ bột sắn dây đã hoà tan rồi thả cùi bưởi vào và đun cho chè sôi lên. Chờ khi cùi bưởi trong lại thì cho thêm đậu xanh đã hấp chín vào và khấy đều lên.

Món chè bưởi Bến Tre múc ra bát thêm chút nước cốt dừa, dừa nạo và đậu phộng giã nhỏ cùng đá bào là có thể thoải mái thưởng thức.

Chè bưởi Bến Tre có giá khoảng 10.000 đồng một li.

Tác giả bài viết: Thùy Dương

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok