Du lịch

5 bí kíp cho một chuyến leo núi an toàn

Biết điều khiển nhịp thở, điều tiết nhiệt độ cơ thể theo độ cao hay sơ cứu khi bị chấn thương... đều là những kỹ năng cần thiết trước mỗi chuyến leo núi.

Dưới đây là những chia sẻ của anh Nguyễn Trọng Tú, Admin của trang Go Trekking nổi tiếng trong cộng đồng những người thích leo núi ở Việt Nam. Anh Tú từng chinh phục nhiều núi cao như đỉnh Fansipan, Pu Ta Leng, Pu Si Lung, Bạch Mộc Lương Tử, Khang Su Văn, Tả Liên Sơn...

Tìm hiểu thông tin về ngọn núi

Những thông tin cần thiết về địa hình, độ cao, thời tiết và những nét văn hóa của địa phương nơi có ngọn núi là điều mà bạn nên tìm hiểu kỹ. Bạn có thể tìm hiểu về ngọn núi thông qua nhiều nguồn tin như sách báo, internet và hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước. Tất cả sẽ cho bạn một cái nhìn tống quát ban đầu về nơi đó để có sự cân nhắc kỹ càng trước khi quyết định bước vào hành trình.

Leo núi vừa là một hình thức du lịch vừa là môn thể thao mạo hiểm. Ảnh: Mèo Già


Chuẩn bị về sức khỏe, tâm lý

Không giống như đi du lịch hay đi phượt xe máy bình thường. Leo núi là một việc khá vất vả, nó không dành cho những ai có thể trạng yếu hay tâm lý không vững. Một thể lực tốt sẽ giúp bạn có chuyến đi an toàn và bớt mệt mỏi trước những con dốc cao hay sự thay đổi đột ngột của thời tiết. Tâm lý ổn định, xác định được những vất vả mà mình sắp trải qua cũng giúp bạn vững vàng vượt qua khó khăn trên đường chinh phục đỉnh cao.

Chuẩn bị hành lý cần thiết

Leo một đỉnh núi có thể mất một ngày, hoặc vài ngày tùy độ cao. Đi lại trong đường rừng núi với môi trường khắc nghiệt buộc bạn phải có sự chuẩn bị cẩn thận những hành lý cần thiết.

Bạn nên trang bị cho mình các vật dụng sau: một đôi giày leo núi cổ cao và có độ ma sát tốt; áo mưa có tác dụng giữ ấm; đèn pin loại nhỏ và một chiếc còi tốt; ba lô đựng giấy tờ tùy thân và các đồ điện tử như điện thoại, máy ảnh; túi y tế cá nhân để một số loại thuốc và đồ sơ cứu; dao nhỏ hoặc một bộ dụng cụ đa năng; lều trại cá nhân; găng tay, mũ và gậy leo núi. Cần lưu ý rằng tất cả các vật dụng mang theo đều là loại chống nước, bởi rừng núi rậm rạp luôn ẩm thấp và bạn cũng có thể gặp mưa bất chợt.

Giày cổ cao và có độ ma sát tốt là "vật bất ly thân" của mỗi người leo núi. Ảnh: fujitravelguide


Mang theo một số đồ ăn nhẹ dễ bảo quản và vận chuyển như socola, lương khô, lọ C sủi, nước tăng lực… Chúng rất cần thiết cho những lúc bạn nghỉ chân lấy sức để đi tiếp.

Đi theo tổ chức

Đây là điều mà những ai có ý định leo núi cần đặc biệt chú ý. Leo núi là một hành trình dài đầy những những khó khăn và thách thức. Cho dù bạn là người có nhiều năm kinh nghiệm hay mới bắt đầu thì việc leo núi vẫn không được phép thực hiện một mình. Bởi lẽ, đi theo và tuân thủ chặt chẽ những quy định của tổ chức hay một porter (người bản địa dẫn đường) có kinh nghiệm sẽ giúp cho bạn có hành trình an toàn và hiệu quả hơn.

Bạn cũng nên tìm hiểu về porter hay người dẫn đường của mình. Một porter giỏi và am hiểu địa phương sẽ hỗ trợ cho bạn rất nhiều trong hành trình chinh phục đỉnh cao.

Chuẩn bị về kỹ năng sống

Các kỹ năng sống như đi rừng, làm việc nhóm, tìm kiếm sự hỗ trợ… rất cần thiết đối với người leo núi. Những hiểu biết về việc điểu khiển nhịp thở khi leo núi, điều tiết nhiệt độ cơ thể khi có sự thay đổi độ cao hay biết cách sơ cứu một số chấn thương hoặc gặp như xước sát chân tay, chuột rút, rắn cắn… đều là những điều mà bất cứ người leo núi nào cũng cần phải nắm vững. Cho dù là bạn đi cùng nhóm hay một mình thì những kỹ năng sống luôn giúp bạn có cách xử lý tốt nhất và vượt qua được những khó khăn trong trường hợp cần thiết.

Tác giả bài viết: Minh Khang

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok