Sơ chế đóng gói thanh long xuất khẩu ở Công ty TNHH Chế biến nông sản thực phẩm Cát Tường (Tiền Giang). Ảnh: Minh Trí - TTXVN |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thuỷ sản tháng 4/2019 đạt 3,5 tỷ USD; trong đó, nông sản chính ước đạt 1,5 tỷ USD, lâm sản chính ước đạt 875 triệu USD, thuỷ sản ước đạt 694 triệu USD, sản phẩm chăn nuôi ước đạt 46 triệu USD.
Lũy kế 4 tháng đầu năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 12,4 tỷ USD, tương đương so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm các mặt hàng nông sản chính đạt 5,2 tỷ USD, giảm 5,6% so với cùng kỳ
Một số mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu tăng như: cao su tăng 14,1%, chè tăng +14%, rau, quả tăng 7,2%. Các mặt hàng như hạt điều, hồ tiêu tăng về khối lượng nhưng giảm về giá trị, tương ứng với mức giảm lần lượt là 13,3% và 6%.
Các mặt hàng gạo, cà phê, sắn và sản phẩm từ sắn giảm cả khối lượng và giá trị xuất khẩu. Khối lượng gạo xuất khẩu giảm 8% với giá trị đạt 915 triệu USD, giảm 19%; khối lượng cà phê giảm 13%, giá trị đạt 1,13 tỷ USD giảm 19%; sắn và sản phẩm từ sắn giảm 14% khối lượng với 3,3% về giá trị.
Xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi ước đạt 170 triệu USD, giảm 6,5%.
Xuất khẩu lâm sản và thủy sản vẫn có sự tăng trưởng, đặc biệt là lâm sản có mức tăng rất cao 17,8%, đạt 3,2 tỷ USD; trong đó gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 3,1 tỷ USD (tăng 17,1%), sản phẩm mây, tre, cói 142 triệu USD (tăng 38,3%).
Các mặt hàng thủy sản xuất khẩu đạt 2,48 tỷ USD, tăng 2,4%; trong đó cá tra ước đạt 635 triệu USD, tôm các loại ước đạt 913 triệu USD.
Trong tháng 4, giá trị nhập khẩu nông lâm thủy sản và vật tư nông nghiệp đạt 2,68 tỷ USD. Như vậy, tổng giá trị nhập khẩu 4 tháng đạt khoảng 9,7 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ; trong đó, nhập khẩu các mặt hàng phân bón, thuốc trừ sâu và các nông sản chính khoảng 8,1 tỷ USD, tương đương so với cùng kỳ.
Như vậy, thặng dư thương mại của ngành 4 tháng đầu năm 2019 đạt 2,68 tỷ USD, giảm 8,7% so với cùng kỳ.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những khó khăn khi kinh tế toàn cầu được dự báo hạ mức tăng trưởng, căng thẳng thương mại còn hiện hữu, giá cả hàng hoá thế giới diễn biến phức tạp, thương mại toàn cầu có dấu hiệu sụt giảm rõ nét…; thách thức từ dịch bệnh, nhất là dịch bệnh tả lợn châu Phi, thời tiết bất lợi nắng nóng, hạn hán, nhưng nhiều lĩnh vực sản xuất của ngành vẫn đạt kết quả cao hơn so với cùng kỳ năm 2018.
Hiện sản xuất lúa ở các địa phương tương đối ổn định; cây điều và hồ tiêu đang thu hoạch dự kiến sản lượng đều tăng so với niên vụ trước; cao su và chè chuẩn bị cho khai thác.
Trong lâm nghiệp, diện tích rừng trồng tăng 1,72%, sản lượng khai thác gỗ ước đạt 6,23 triệu m3, tăng 4,4% so với cùng kỳ. Chăn nuôi gia cầm, bò tăng so với cùng kỳ. Sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đều tăng khá, nâng tổng sản lượng thuỷ sản lên 2,2 triệu tấn, tăng 4,9% so với cùng kỳ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ đang chỉ đạo các đơn vị tập trung theo dõi, chỉ đạo chăm sóc lúa Đông Xuân, lúa hè thu, sản xuất cây ăn quả, cây công nghiệp, tình hình rải vụ cây ăn quả tại các tỉnh phía Nam; tăng cường thâm canh các cây công nghiệp, cây ăn quả có thị trường thuận lợi, đảm bảo giữ vững năng suất, chất lượng cây trồng.
Trước tình hình thời tiết khắc nghiệt, ngành tiếp tục triển khai nhiệm vụ quan trắc cảnh báo môi trường tại các vùng nuôi tập trung, đặc biệt đối với tôm, cá tra tại Đồng bằng sông Cửu Long, chú trọng tổ chức phát triển các chuỗi giá trị bảo đảm lợi ích của các bên tham gia; kịp thời thông tin về thị trường để chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp, hạn chế rủi ro mất cân bằng cung cầu.
Trong chăn nuôi, Bộ sẽ hướng dẫn, phối hợp các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt và triển khai đồng bộ các giải pháp, phòng chống dịch tả lợn châu Phi; xử lý dứt điểm các ổ dịch, ngăn chặn, không để phát sinh trên diện rộng./.
Tác giả: Bích Hồng
Nguồn tin: bnews.vn