Du lịch

4 sản vật xứ Thanh lọt top 100 món ăn và đặc sản quà tặng

Thanh Hoá có 4 món ăn lọt top 100 món ăn và đặc sản quà tặng do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - Vietkings và Tổ chức Top Việt Nam (VietTop) công bố. Tuy nhiên, trong số đó lại không có... nem chua.

Bất ngờ khi nem chua - món quà nổi tiếng xứ Thanh không có trong danh sách. Ảnh: T.L

Theo đó, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - Vietkings và Tổ chức Top Việt Nam (VietTop) vừa công bố top 100 món ăn đặc sản và top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam 2020 - 2021. Trong đó, 4 đặc sản của Thanh Hóa lọt vào top 100 món ăn đặc sản và đặc sản quà tặng Việt Nam là: Gỏi Nhệch Nga Sơn, Bánh lá răng bừa, Nước mắm Ba Làng và Bưởi Luận Văn.

Gỏi Nhệch Nga Sơn. Ảnh: T,.L

Nguyên liệu chính của món gỏi Nga Sơn là những con cá nhệch mình trơn nhẫy, sống được trong cả môi trường nước ngọt, nước lợ và nước mặn. Gỏi cá được ăn kèm với nhiều loại rau lá như lá chanh, lá sung, rau húng, tía tô, bạc hà. Điểm nhấn cho gỏi cá Nga Sơn chính là chẻo nhệch chế biến từ xương cá giã nhuyễn chưng cùng mẻ chua và các loại gia vị.

Không chỉ có giá trị dinh dưỡng cao, gỏi cá nhệch ở Nga Sơn, Thanh Hóa còn đặc biệt lôi cuốn bởi vị dai ngọt mát, lạ miệng và cách gói độc đáo.

Bánh lá răng bừa. Ảnh: T.L

Gắn với câu chuyện lịch sử khi vua Lê Đại Hành đích thân xuống ruộng cày bừa trong lễ hội đầu năm, để tưởng nhớ công lao của vị vua anh minh này, người dân làng Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân thường làm chiếc bánh lá răng bừa để tiến vua. Người Thanh Hóa gọi bánh răng bừa do hình dạng chiếc bánh trông rất giống cái răng bừa, một công cụ lao động của người dân nơi đây.

Từ những hạt gạo ngon nhất để làm nên những chiếc bánh với hương vị riêng lại thêm với vị ngọt của thịt, mộc nhĩ quyện cùng chút cay cay của hạt tiêu chạm vào đầu lưỡi lại chấm cùng một chút nước mắm cốt, bánh răng bừa trở thành món ngon để du khách mỗi khi có dịp về thăm nơi đây đều không thể bỏ qua, ăn một lần rồi thì hương vị còn đọng mãi.

Nước mắm Ba Làng. Ảnh: T.L

Được sản xuất tại vùng Ba Làng, thị xã Nghi Sơn từ cá cơm tươi. Sau khi đưa lên bờ, cá cơm được làm sạch và ướp cùng với muối biển, sau đó ủ trong thùng gỗ kín, phơi đủ nắng và ngâm ít nhất 1 năm rồi mới dùng công nghệ tiên tiến rút nỏ, chắt chiu ra từng giọt nước mắm ngọt thơm. Nước mắm Ba Làng đặc trưng với hương vị ngọt đằm, đậm vị cá, màu sóng sánh như mật ong, càng để lâu ăn càng ngon - là đặc sản mà người xứ Thanh gìn giữ, tự hào.

Có nguồn gốc từ làng Luận Văn, xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân, loại bưởi này thường được người dân trong làng “tiến vua”. Khi nhỏ quả có vỏ màu xanh như các loại bưởi thông thường, đến khoảng tháng 10 - 11 âm lịch, bưởi có sự thay đổi về màu sắc. Toàn bộ quả bưởi từ vỏ đến tép bưởi đều chuyển sang màu đỏ gấc. Ngoài ra bưởi đỏ còn có mùi thơm đặc trưng, bởi vậy giống bưởi này được nhiều người ưa chuộng, được cho là sẽ đem lại may mắn, thịnh vượng khi bày trong mâm quả đặc biệt là vào dịp tết về.

Bưởi Luận Văn - sản vật “tiến vua” ngày xưa, hiện nay rất được ưa chuộng, nhất là vào dịp Tết. Ảnh: T.L

Việc công bố Top 100 món ăn đặc sản và Top 100 đặc sản quà tặng hàng năm chính là tiền đề, cơ sở nền tảng để xác lập những kỷ lục ẩm thực trong nước và vươn ra thế giới.

Trong gần 10 năm đã có 500 món ăn, đặc sản nổi tiếng Việt Nam ở các vùng miền trong cả nước được vinh danh. Điều này không chỉ góp phần tôn vinh giá trị ẩm thực Việt mà còn là nơi quảng bá ẩm thực Việt rộng rãi đến du khách trong và ngoài nước, đem lại cái nhìn toàn diện về một nền ẩm thực Việt.

Tác giả: Trần Lâm

Nguồn tin: Báo Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok