Trong bối cảnh kinh tế thị trường như hiện nay, con người phải đối mặt với nhiều rủi ro ngay từ đồ ăn thức uống hàng ngày. Theo một nghiên cứu mới của Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) công bố cuối tháng 7/2018 thì trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đang phải đối mặt với nhiều loại phụ gia gây hại cho sức khỏe. Vì lẽ đó, AAP khuyến cáo các bậc phụ huynh nên giảm tiêu thụ thực phẩm đóng hộp, hạn chế dùng lò vi sóng và tăng cường tiêu thụ rau xanh hoa quả tươi thay cho thực phẩm đã qua chế biến, đặc biệt 4 phụ gia thực phẩm phổ biến dưới đây cần đặc biệt lưu ý:
1. Chất tạo màu thực phẩm nhân tạo
Nghiên cứu của AAP đã phát hiện thấy mối liên quan giữa thuốc nhuộm thực phẩm và chứng hiếu động thái quá ở trẻ em. Sau khi loại bỏ màu thực phẩm tổng hợp ra khỏi chế độ ăn uống, một số triệu chứng rối loạn tăng động giảm chú ý đã giảm hẳn.
Chất tạo màu nhân tạo có nhiều trong các loại kẹo. |
2. BPA và các loại bisphenol khác
Bisphenol A (BPA) là một hóa chất được sử dụng để làm cứng bao bì nhựa và bao gói kim loại. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấm sử dụng bao gói có chứa BPA, trong khi đó các sản phẩm khác có chứa hóa chất này vẫn chưa bị cấm. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, đối với người trưởng thành lớn bisphenol ở ngưỡng nhỏ có thể chấp nhận được, nhưng ở trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh thì bisphenol rất độc hại. Một số rủi ro được đề cập trong báo cáo của AAP là tạo ra những thay đổi ở tuổi dậy thì, tăng mỡ cơ thể, giảm khả năng sinh sản, v.v.
BPA có trong đồ nhựa đựng thực phẩm. |
3. Phthalates
Phthalates thường được sử dụng trong bao bì nhựa và các dạng đóng gói khác, có liên quan đến các vấn đề sức khỏe ở trẻ em như tăng nguy cơ hen suyễn, tăng huyết áp, béo phì..... Các tác giả nghiên cứu khuyến cáo các bậc cha mẹ nên tránh đựng thực phẩm trong bao gói kiểu này hoặc đưa chúng vào lò vi sóng sẽ làm cho phthalates và BPA ngấm vào thức ăn gây hại cho trẻ.
4. Nitrat và nitrit
Nitrat và nitrit là những phụ gia được dùng để bảo quản và tăng cường màu sắc cho các loại thực phẩm đã qua chế biến. Theo nghiên cứu của AAP, nitrat và nitrit có thể ảnh hưởng đến việc sản sinh hormon tuyến giáp, thậm chí còn gia tăng sản xuất các hợp chất gây ung thư trong một số trường hợp. Ngay cả khi ở ngưỡng cơ bản, nghiên cứu của AAP đã phát hiện thấy nó tác động rất lớn đến quá trình sản xuất hormon tuyến giáp. Đây là loại hormon giúp phát triển trí não, chức năng tim, xương và cơ bắp. Khi hai hóa chất này thâm nhập vào cơ thể nó làm đảo lộn chức năng nội tiết tố của tuyến giáp và cuối cùng phát sinh nhiều chứng bệnh thần kinh nan y.
Thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều nitrite. |
Tác giả: Duy Khoa
Nguồn tin: Báo Sức khỏe & Đời sống