Cuộc sống

4 nên khi dùng chăn chiếu để không ảnh hưởng xấu tới sức khỏe

Để loại trừ nguyên nhân gây bệnh từ chính phòng ngủ của mình, bạn nên thực hiện những điều dưới đây đối với chăn chiếu trong nhà.

Nên giặt chăn chiếu thường xuyên

Những chiếc chăn trong nhà nếu không được giặt thường xuyên sẽ là môi trường để nấm mốc và con bọ mạt phát triển.

Hơn nữa, chăn làm từ chất liệu dễ sờn, có thể khiến nhiều sợi bông vải “chu du” trong phòng ngủ, xâm nhập vào hệ hô hấp làm tăng triệu chứng viêm mũi dị ứng, hen suyễn.

Bên cạnh đó, chiếu là vật dụng thường thấy trong phòng ngủ, nhất là vào mùa hè. Tuy nhiên, chiếu cũng là nơi ẩn chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh vì chúng có nhiều khe, kẽ.

Chiếu hiện nay được làm từ nhiều chất liệu khác nhau nên khi mua bạn cần lưu ý chọn lựa cho thích hợp và cũng nên vệ sinh giặt chiếu thường xuyên.

Khi mua bạn nên mua những chiếc chăn có màu đơn sắc và nhạt màu. Ảnh minh họa.


Nên mua chăn có màu đơn sắc

Theo SKGĐ, khi mua bạn nên mua những chiếc chăn có màu đơn sắc và nhạt màu. Tránh mua những chiếc chăn có màu sắc sặc sỡ. Bởi khi giặt thấy chăn phai màu nhiều cũng đáng ngại. Lý do là vì những chiếc chăn này có thể có tồn dư chất độc hại vì dùng phẩm màu công nghiệp.

Đặc biệt, trước khi lựa chọn chăn, nên đập đập, vò vò để kiểm tra chúng có dễ bị xùi ra những sợi bông nhỏ không.

Nên có ít nhất 2 loại chiếu với chất liệu khác nhau

Trong nhà, bạn nên có ít nhất 2 loại chiếu với chất liệu khác nhau cho các mùa. Lý do vì nếu mùa lạnh dùng chiếu trúc có thể bị nhiễm lạnh, ảnh hưởng tới đường hô hấp. Tương tự, mùa nóng sử dụng chiếu nhựa tạo cảm giác nóng bức, gây ngứa ngáy…

Tuy nhiên, không nên dùng chiếu nhựa vì chúng có nguy cơ chứa hóa chất độc hại ảnh hưởng tới sức khỏe, đồng thời khi nằm tạo cho bạn cảm giác bí, nóng.

Tùy thuộc vào chất liệu chăn chiếu, bạn nên vệ sinh đúng cách. Ảnh minh họa.


Nên vệ sinh chăn chiếu đúng cách theo từng loại

Tùy thuộc vào chất liệu chăn chiếu, bạn nên vệ sinh đúng cách. Cụ thể, với chiếu trúc, bạn chỉ nên dùng nước lạnh hoặc ấm lau sạch rồi phơi khô. Tuyệt đối không đập chiếu hay sử dụng bột giặt, thuốc tẩy để giặt vì sẽ gây vỡ mắt trúc, đứt cước dẫn đến hỏng.

Với chiếu cói, nhựa, nên giặt chiếu thường xuyên, sau đó phơi khô, tránh để chiếu ẩm, mốc tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm phát triển.

Chiếu cói nên phơi ngoài nắng nhưng chiếu nhựa chỉ nên phơi ở nơi có nắng nhẹ.

Tác giả bài viết: Vân Anh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok