Thế giới

4 điều ông Duterte gây lo ngại ở Philippines

Chuyên gia Philippines nhiều năm nghiên cứu về Biển Đông nêu lên 4 mối quan ngại khi Tổng thống Duterte có các tuyên bố nghiêng về phía Trung Quốc.

Tổng thống Philippines Duterte. Ảnh: Reuters


"Tôi rất lo lắng", Giáo sư Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Nghiên cứu các Vấn đề Hàng hải và Luật Biển Philippines, Đại học Philippines, trả lời câu hỏi của VnExpress rằng những phát ngôn của Tổng thống Philippines Duterte từ khi nhậm chức cuối tháng 6 vừa qua ảnh hưởng thế nào đến tình hình ở Biển Đông.

Là người theo dõi tranh chấp ở khu vực này trong thời gian dài, Giáo sư Batongbacal chia sẻ có 4 điều khiến ông quan ngại trước diễn biến gần đây.

Thứ nhất, Tổng thống Duterte và Nội các của ông đưa ra những tuyên bố gây khó hiểu. Về cơ bản, mọi người không thể nói rõ kết quả chính sách của chính phủ là gì.

Thứ hai, ông Duterte tạo nên một bản thảo đối lập với chính quyền trước của ông Benigno Aquino, đảo lại hoàn toàn chính sách của chính quyền tiền nhiệm. "Trong khi sự kiên định trong chính sách là điều rất quan trọng".

Điều thứ ba, Tổng thống Philippines dường như chấp nhận khuôn khổ về cách giải quyết vấn đề Biển Đông của Trung Quốc. Đó là có lợi ích kinh tế và sự ủng hộ của Trung Quốc còn quan trọng hơn nhiều so với quyền của đất nước theo luật pháp.

"Vì thế phán quyết của Toà trọng tài quốc tế với vụ kiện Philipines đưa ra với Trung Quốc ở Biển Đông trở thành điều quan trọng thứ yếu", ông Batongbacal nhấn mạnh.

Thứ tư, Philippines không xử lý vấn đề Trung Quốc trên thực tế đã mở rộng sự kiểm soát lâu dài của họ ở Biển Đông.

Đính chính nhằm xoa dịu người dân

Bình luận về việc Tổng thống Duterte nhanh chóng lên tiếng đính chính sau khi tuyên bố "cắt" quan hệ với Mỹ, Giáo sư Batongbacal phỏng đoán việc ông Duterte một lần nữa "nói lại" có thể là nhằm xoa dịu phản ứng dữ dội của người dân.

Tổng thống Rodrigo Duterte hôm 21/10 cho hay ông không có ý cắt đứt quan hệ với Mỹ như đã nói ở Trung Quốc trước đó. Phát ngôn "chia cắt khỏi Mỹ về cả quân sự và kinh tế" chỉ là chấm dứt chính sách ngoại giao quá lệ thuộc vào Mỹ của Philippines.

"Phát ngôn của Tổng thống thực sự gây nên phản ứng mạnh từ nhiều giới khác trong. Có thể ông hoặc các trợ lý đã nhận ra không thể giải thích khác, những gì ông nói theo cách gây nguy hiểm, do đó ông đã đính chính để kiểm soát được thiệt hại", ông Batongbacal nói.

Đáng chú ý, chuyên gia này cho hay người Philippines đánh giá những gì Tổng thống nói "không phải là chính sách". Ông Duterte có thể nói rất nhiều điều nhưng nó không thể trở thành chính sách của đất nước cho đến khi được quy định bằng văn bản.

Dưới góc nhìn từ phía Mỹ, Jamie Metzl, chuyên gia tại Atlantic Council, cho hay những phát ngôn của ông Duterte rõ ràng gây nên khó khăn cho mối quan hệ thân cận giữa Philippines và Mỹ tồn tại trong nhiều thập kỷ qua. Về khả năng thực hiện trên thực tế, có thể Tổng thống Philipines không đổi hướng quan hệ dựa trên hiệp ước với Mỹ nhưng ông sẽ thay đổi quan điểm trong chính sách ngoại giao.

"Dù ông Duterte có nói điều gì thì cũng không thay đổi được thực tế là Trung Quốc vẫn đang chiếm giữ vùng biển của Philippines ở Biển Đông và duy trì sức mạnh quân sự ở đây", ông Metzl cảnh báo.

Chuyên gia này cho rằng việc nối lại quan hệ với Trung Quốc có thể làm giảm quyết tâm của Philippines trong việc bảo vệ chủ quyền của mình ở Biển Đông, đồng thời làm suy yếu việc thực thi luật pháp ở đây.

Nhắc đến sự thống nhất của Hiệp hội ASEAN về vấn đề Biển Đông, Giáo sư Batongbacal cho rằng lãnh đạo các nước thành viên cũng đang băn khoăn trước các phát ngôn trái ngược của ông Duterte.

"Chúng ta bây giờ phải quay trở lại điểm xuất phát để xem xét cần phải làm gì về tranh chấp Biển Đông", ông nói.

Tác giả bài viết: Việt Anh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok