Chuẩn mực trong đạo đức, lối sống
Trước hết, mỗi thầy, cô giáo phải luôn chuẩn mực trong đạo đức, lối sống, nêu cao và thấm nhuần tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh.
Người giáo viên cần chuẩn mực trong lời nói, việc làm, trên mỗi tiết dạy, trong mỗi lời nhận xét bài làm học sinh, trong sự ứng xử với mỗi phụ huynh…, tiên phong trong các phong trào thi đua yêu nước…
Sự nêu gương, sức lan tỏa của các thầy, cô đến nhân cách học sinh rất lớn nên mỗi thầy cô hãy là một tấm gương.
Giáo viên tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. (Ảnh minh họa) |
Giáo viên làm gì khi giáo án viết tay không còn phù hợp?
Truyền thống thầy đọc - trò chép, giáo án viết tay hiện không còn phù hợp trong thời kì 4.0.
Chính điều này thôi thúc giáo viên tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và xử lí thông tin từ nguồn internet đưa vào phục vụ giảng dạy.
Hình thức học trực tuyến (e-learning) rất thuận lợi trong việc kết nối, khai thác thông tin và người học có thể học mọi nơi, mọi lúc.
Tuy nhiên, robot và internet không thể thay thế vai trò, vị trí của người thầy.
Kiến thức từ nguồn internet phong phú, đa dạng nhưng bên cạnh tính ưu việt, những mặt tích cực, vẫn còn những hạn chế, những thông tin nhiễu, không xác thực mà các trang mạng cung cấp.
Điều quan trọng, mỗi giáo viên phải có chuyên môn, bản lĩnh, lập trường để xử lí thông tin nhằm định hướng cho các em hiểu đúng bản chất, thấu đáo vấn đề.
Là “trọng tài” trong lớp học
Khi đã có kiến thức chuyên môn vững vàng, nắm chắc đối tượng học sinh, mỗi thầy cô cố gắng tìm ra phương pháp dạy học phù hợp để phát huy hết năng lực và phẩm chất người học.
Dạy học ngày nay không dừng lại ở việc trang bị kiến thức, kĩ năng mà chú trọng hơn việc trang bị phương pháp, truyền cảm hứng tự học.
Giáo viên dạy học sinh cách học, tiếp thêm tinh thần tự học, sáng tạo của các em. |
Thay vì truyền thụ kiến thức, giáo viên hiện nay đóng vai trò là người hướng dẫn, định hướng, cố vấn, là “trọng tài” còn học sinh là chủ thể của quá trình học.
Giáo viên dạy học sinh cách học, tiếp thêm tinh thần tự học, sáng tạo của các em.
Hướng dẫn các em phương pháp tư duy khoa học, cách làm việc nhóm đạt hiệu quả, kết nối cộng đồng, lan tỏa yêu thương, chia sẻ...
Giáo viên: Người truyền cảm hứng
Ngoài đạo đức, nhân cách tốt, kiến thức chuyên môn vững, giáo viên thời đại 4.0 phải thực hiện “thiên chức” là người truyền cảm hứng cho học sinh.
Họ truyền ngọn lửa yêu nước, cảm hứng nhân đạo, tinh thần bất khuất, nơi nào có ý chí nơi đó có con đường, luôn suy nghĩ tích cực, sống lạc quan, yêu thương…đến các em.
Để luôn được đồng nghiệp, học sinh, phụ huynh thương yêu, kính trọng, thiết nghĩ bản thân mỗi giáo viên chúng ta luôn phải vận động, đổi mới, sáng tạo, luôn ý thức tự bồi dưỡng, luôn có quá trình đấu tranh với chính mình để hoàn thiện, để đáp ứng được sự kì vọng của toàn xã hội.
Đặc biệt, giáo viên là nhân vật trung tâm quyết định đến sự thành công trong công cuộc đổi mới nền giáo dục nước nhà theo tinh thần: kế thừa tinh hoa văn hóa truyền thống, tích cực đổi mới theo hướng hiện đại để hội nhập, phát triển.
Th.s Nguyễn Quế Kỳ
(Trường THPT Bắc Yên Thành, tỉnh Nghệ An)
Nguồn tin: Báo Dân trí