Giáo dục

3 trường đại học lớn ra điều kiện riêng trong xét tuyển

Đó là 3 trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trường ĐH Kinh tế quốc dân và trường ĐH Ngoại thương. Mỗi trường đều ra điều kiện riêng trong xét tuyển.

3truongdaihoclonradieukienriengtrongxettuyen png
Thí sinh cần nghiên cứu kỹ trước khi đăng ký xét tuyển vào các trường đại học

Cả 3 trường đại học này đều nằm trong nhóm xét tuyển GX. Nhóm GX chỉ xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia năm 2016; thí sinh ĐKXT vào một trường thuộc nhóm GX phải tuân theo phương thức xét tuyển của nhóm GX; thí sinh có thể ĐKXT trên hệ thống trực tuyến do Bộ GDĐT quản lý, hoặc gửi phiếu ĐKXT đến địa chỉ của trường nguyện vọng 1 qua bưu điện, hoặc nộp phiếu ĐKXT tại một trường bất kỳ thuộc nhóm GX.

Cụ thể, điều kiện được đăng ký xét tuyển vào trường ĐH Bách khoa Hà Nội như sau:

Thí sinh đạt đủ điều kiện tham gia tuyển sinh quy định tại Điều 6 của Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy hiện hành và đã đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển đại học; không có môn thi nào trong tổ hợp xét tuyển có kết quả từ 1,0 điểm trở xuống.

Tổng điểm trung bình của các môn học thuộc tổ hợp môn xét tuyển, tính cho 06 học kỳ THPT từ 20,0 trở lên (Trường sẽ kiểm tra học bạ THPT khi thí sinh trúng tuyển đến nhập học). Điều kiện này không áp dụng cho thí sinh thuộc diện tuyển thẳng và thí sinh thi liên thông từ hệ cao đẳng chính quy của Trường lên đại học.

Điểm xét tính từ kết quả thi của tổ hợp môn xét tuyển không thấp hơn 6,0.

Khi ĐKXT vào trường ĐH Bách khoa Hà Nội, tThí sinh được phép đăng ký tối đa 2 nguyện vọng theo nhóm ngành (gọi tắt là nguyện vọng ngành) vào trường ĐHBK Hà Nội. Các nhóm ngành (gồm một hoặc vài ngành đào tạo) có chung một mã xét tuyển, có cùng tổ hợp các môn xét tuyển và cùng điểm chuẩn trúng tuyển. Các ngành/chương trình đào tạo đại học của Trường được liệt kê trong bảng dưới đây. Việc phân ngành học (đối với các nhóm có 2 ngành trở lên) được thực hiệnsau năm học thứ nhất trên cơ sở kết quả học tập và nguyện vọng của sinh viên.

+ Các nhóm ngành Kỹ sư/Cử nhân kỹ thuật (mã KTxx) theo mô hình đào tạo 4+1: sinh viên sẽ được tự chọn học chương trình 4 năm để nhận bằng Cử nhân kỹ thuật hoặc chương trình 5 năm để nhận bằng Kỹ sư.

+ Các nhóm ngành Kinh tế-quản lý (mã KQ1- KQ3) học 4 năm nhận bằng Cử nhân như các trường đại học khác.

+ Nhóm ngành Cử nhân công nghệ (mã CN1-CN3) đào tạo chương trình đại học 4 năm, nhẹ hơn khối kỹ thuật về kiến thức nền tảng cơ bản nhưng chú trọng hơn kỹ năng thực hành-ứng dụng. Bằng Cử nhân công nghệ và bằng Cử nhân kỹ thuật có giá trị như nhau, tuy nhiên Cử nhân công nghệ muốn học tiếp để nhận bằng Kỹ sư sẽ phải cần thêm thời gian học khoảng 1,5 năm.

Thí sinh lưu ý, điểm chuẩn trúng tuyển cho mỗi nhóm ngành sẽ được xây dựng theo thang điểm 10 phù hợp với công thức tính Điểm xét, ví dụ 6,85; 8,20 vv.

Đối với một nhóm ngành của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, điểm chuẩn trúng tuyển bằng nhau cho tất cả các tổ hợp môn xét tuyển. Do đó thí sinh chỉ đăng ký một tổ hợp môn xét tuyển có kết quả thi cao nhất.

Trường ĐH Kinh tế quốc dân đưa ra điều kiện xét tuyển riêng là điểm ba môn thi của tổ hợp môn xét tuyển cao hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định của Bộ GD-ĐT ít nhất 2 điểm.

Trường ĐH Ngoại thương yêu cầu điểm trung bình chung học tập của từng năm lớp 10, 11, 12 từ 6,5 trở lên, hạnh kiểm của từng năm lớp 10, 11, 12 từ khá trở lên, điểm ba môn thi (theo tổ hợp môn xét tuyển) đạt mức điểm thông báo nhận hồ sơ xét tuyển của nhà trường.

Thông tin chi tiết về thủ tục đăng ký xét tuyển theo nhóm GX, thí sinh có thể xem và tải mẫu đơn đăng ký xét tuyển tại trang web tuyển sinh của nhóm theo địa chỉ http://tsgx.vn.

Tác giả bài viết: Hồng Hạnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok