Bảng xếp hạng gồm danh sách 1.000 nhà khoa học hàng đầu từ tất cả lĩnh vực nghiên cứu chính, trong đó thống kê chỉ xét nhà khoa học có công bố đầu tiên trong 13 năm trở lại đây (tức từ năm 2012 đến nay). Trong số 5 nhà khoa học đang làm việc tại Việt Nam có tên, 3 nhà khoa học trong nước và 2 người nước ngoài.
5 nhà khoa học đang làm việc tại Việt Nam có mặt trong danh sách. (Ảnh: VNE) |
Trong đó, PGS Trần Xuân Bách, Đại học Y Hà Nội, là nhà khoa học của Việt Nam duy nhất có mặt trong top 10 nhà khoa học đầu bảng (xếp hạng 3), lĩnh vực Y học cộng đồng. Trần Xuân Bách trở thành Phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam ở tuổi 32 năm 2016. Ông có hơn 300 bài báo trên các tạp chí quốc tế được đánh giá cao về khoa học sức khỏe toàn cầu.
PGS.TS Lê Hoàng Sơn, Đại học Quốc gia Hà Nội, xếp hạng 190, lĩnh vực Khoa học máy tính. PGS Sơn công bố hơn 180 công trình, bài báo trên các tạp chí nước ngoài trong danh mục ISI. Ông lọt vào top 10.000 nhà khoa học xuất sắc của thế giới trong 3 năm liên tiếp 2019, 2020, 2021.
PGS.TS Phùng Văn Phúc, Đại học Công nghệ TP HCM, xếp hạng 958, lĩnh vực Kỹ thuật cơ khí và Hàng không vũ trụ. PGS Phúc là nhà khoa học Việt quen thuộc trong các bảng xếp hạng thế giới, ông có 4 năm liền vào danh sách 100.000 nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới.
Các phó giáo sư Trần Xuân Bách, Lê Hoàng Sơn và Phùng Văn Phúc. (Từ trái qua) |
Có hai nhà khoa học thuộc ĐH Tôn Đức Thắng nhưng là người nước ngoài gồm: Mohammad Ghalambaz (xếp hạng 571) và Hossein Moayedi (xếp hạng 773).
Trong bảng xếp hạng này, ngôi sao khoa học đang lên có thứ hạng cao nhất là Mohsen Sheikholeslami đến từ Đại học Công nghệ Babol Noshirvani, Iran, với chỉ số H-index là 126.
Trung Quốc có số lượng ngôi sao khoa học đang lên cao nhất trong bảng xếp hạng, với 344 (34,4%) học giả được liệt kê. Điều này cho thấy xu hướng ngày càng tăng của thế hệ các nhà nghiên cứu mới từ Trung Quốc đang có những đóng góp đáng kể hơn cho nghiên cứu toàn cầu. 4 trong số 10 nhà khoa học giỏi nhất trong bảng xếp hạng cũng có liên kết với các tổ chức của Trung Quốc.
Mỹ đứng thứ hai với 209 nhà khoa học được liệt kê, chiếm 20,9%. Tuy nhiên, chỉ có 2 trong số 10 nhà nghiên cứu giỏi nhất đang làm việc tại Mỹ. Vị trí thứ ba thuộc về Iran, quốc gia hiện có 44 nhà khoa học được xếp hạng, chiếm 4,4%. Các quốc gia dẫn đầu khác là Australia (41 nhà khoa học), Đức (38), Vương quốc Anh (34), Ấn Độ (19) và Singapore (19).
Tác giả: Việt Hương (T/h)
Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn