Mùng 6 Tết vừa qua, bệnh nhân cùng 6 người trong công ty đi ăn tiệc gặp mặt đầu xuân và trong bữa tiệc có uống rượu. Trên đường về, người bệnh bị ngã xe máy, chỉ xây xước đầu gối nhưng mắt nhìn lại tối sầm.
Nửa đêm hôm đó, người bệnh kêu đau mỏi người, mệt mỏi. Tới sáng hôm sau, anh mệt nhiều, đau bụng, đau đầu, đi lại khó khăn, những người uống rượu cùng anh không có biểu hiện gì.
Bệnh nhân được người nhà đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình trong tình trạng hôn mê, đồng tử giãn, thở yếu, được đặt ống nội khí quản và chuyển lên Trung tâm chống độc – Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, người bệnh đã rất nguy kịch, đồng tử giãn, tiếp tục được thở máy nội khí quản, lọc máu, sử dụng thuốc giải độc… nhưng hiện vẫn hôn mê.
Người bệnh hôn mê, thở máy vìngộ độc rượu. Ảnh: Công An Nhân Dân |
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, trường hợp này xuất hiện triệu chứng sớm có thể do uống nhiều rượu trong bữa tiệc và không uống thêm rượu khác. Xét nghiệm mẫu rượu bệnh nhân uống có 58,6% là methanol và chỉ có 1% ethanol. Đây là rượu pha cồn công nghiệp hay còn gọi là rượu rởm.
“Chúng tôi tư vấn cho 6 người còn lại trong bữa tiệc đến bệnh viện kiểm tra. Nhưng tới nay mới có 4 người đến, phát hiện 2/4 người có nồng độ cồn methanol trong máu cao, đều phải nhập viện dù chưa có biểu hiện và tổn thương gì đặc biệt, còn 2 người kia thì nồng độ cồn công nghiệp thấp hơn”, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên nói.
Báo Giao Thông đưa tin, chỉ ngày hôm sau, anh B.N.L (43 tuổi, ở Thái Bình, người cùng uống rượu với anh M.) có dấu hiệu toan chuyển hóa (ngộ độc rượu) và phải lọc máu. Một bệnh nhân khác cũng đang điều trị tại đây.
Được biết, ngày nào Trung tâm chống độc – Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận bệnh nhân nhập viện vì ngộ độc rượu với các nguyên nhân cùng diễn biến khác nhau.
Sở dĩ cùng ngộ độc rượu rởm nhưng thời điểm xuất hiện dấu hiệu của mỗi người sớm muộn khác nhau là do bản thân ngộ độc rượu cồn công nghiệp methanol diễn biến đã chậm, vì methanol vào người chuyển hóa rất chậm, qua quá trình chuyển hóa thành acifomic gây tổn thương não và mắt. Do đó, có khi đến 2 ngày sau khi uống rượu, người bện mới có các dấu hiệu ngộ độc.
“Với người dùng thêm rượu ethanol, thì chính loại rượu này khi vào cơ thể lại làm chậm quá trình chuyển hóa và gây độc của methanol. Chính vì vậy, việc uống liên tiếp rượu, đặc biệt trong những ngày Tết khiến ngộ độc methanol không có biểu hiện ngay, mặc dù chất độc vẫn còn trong người.
Tuy nhiên, đến khi dừng rượu, lúc đó không có gì ngăn cản methanol có trong có thể sẽ chuyển hóa chất độc. Đó là lý do vì sao trong nhóm ngộ độc, có 7 người uống nhưng 1 người hôn mê ngộ độc ngay sau khi uống nhiều rượu rởm và không uống loại rượu khác và những người uống thêm rượu ethanol lại ít dấu hiệu hơn và ngộ độc muộn hơn”, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên cho hay.
Vị chuyên gia chia sẻ thêm, tuy đã cảnh báo nhiều về tình trạng ngộ độc rượu nhưng số bệnh nhân nhập viện tiếp tục gia tăng những ngày sau Tết.
Tác giả: Đinh Kim (T/h)
Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn