Du lịch

3 món phở vùng cao khiến người ăn mê mẩn

Không cầu kỳ như món phở dưới xuôi, những món phở ở vùng cao Tây Bắc vừa độc đáo, vừa lạ nhưng lại mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc nơi đây.

Phở Trộn

Món phở trộn ở Bắc Hà (Lào Cai) rất đặc biệt bởi không phải là bánh phở, thịt, hành, hay nước dùng chan ngập cùng các gia vị thông thường. Nguyên liệu làm nên bát phở trộn này không thể thiếu dưa chua được muối vàng ruộm từ những cây cải xanh trồng trên vùng núi cao.

Món phở trộn ở Lào Cai

Bánh phở ở đây có sự khác biệt không lẫn với những nơi khác, được tráng từ loại gạo đỏ của địa phương nên có màu hơi nâu nhưng khi ăn rất mềm và thơm. Riêng về bánh phở không thái mỏng và cũng không quá dày, không có chất bảo quản nên bánh thường chỉ được dùng trong ngày, thơm mùi gạo.
Bát phở trộn vùng cao có hương vị đậm đà và bánh phở mềm, dai

Điểm xuyết bên trên những cọng phở mềm mượt đó là thịt gà, xá xíu, dưa chua, rau trộn... tất cả hòa quyện thành hương vị riêng cho bát phở Bắc Hà. Món ăn được dọn ra trông có vẻ nguội lạnh nhưng khi thưởng thức mới thấy sự kết hợp hài hòa giữa các sợi phở, thịt gà, thịt xá xíu, dưa chua và nước trộn chua ngọt.

Phở Chua

Không biết chính xác món phở chua xuất xứ từ đâu và của dân tộc nào, thế nhưng, với hầu hết các tộc người vùng cao: Mông, Dao, Tày, Nùng hay cả những dân tộc quen sống tít trên đỉnh núi cao như: Thu Lao, Hà Nhì… thì phở chua là món ăn dân dã, không thể thiếu.

Bánh phở chua phải trắng

Nguyên liệu làm một bát phở chua của người vùng cao gồm thành phần chính: Bánh phở, nước chua, dưa muối chua, tàu xì, lạc rang, thịt lợn rán và cuối cùng không thể thiếu là tương ớt. Bánh phở không phải là loại bánh thông thường vẫn bày bán la liệt ở chợ thành phố, mà bột được xay và tráng bằng tay, chọn gạo má hồng của địa phương, khi tráng thành phẩm, bánh đảm bảo độ giòn, không quá mềm mà cũng không quá cứng. Thông thường, nước chua được lấy ngay từ vại dưa muối.
Một bát phở chua đầy đủ nguyên liệu

Tuy nhiên, có điều khác biệt là để thứ nước chua thật sự thanh và thơm, dưa chua phải được muối từ loại rau cải mèo, được thái nhỏ cỡ chỉ chừng hơn nửa đốt ngón tay. Cùng với lạc rang giã nhỏ, nguyên liệu cũng không kém phần quan trọng trong bát phở chua là tàu xì (hay còn gọi là đậu xị). Tàu xì vốn được chế biến, ngâm ủ từ hạt đậu tương.
Người ta thường ăn kèm phở chua với thịt lợn rán

Cuối cùng, nguyên liệu không thể thiếu để làm thêm hoàn hảo hương vị phở chua là tương ớt – phải là thứ tương ớt của người vùng cao như tương ớt Mường Khương, đảm bảo độ cay với màu đỏ tươi.

Phở Tráng Kìm

Phở Tráng Kìm là một trong những món đặc sản của bản Tráng Kìm, xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ, Hà Giang

Bát phở tráng kìm

Phở Tráng Kìm trở thành món ăn một món ăn nổi tiếng ở đây không chỉ vì ngon, hấp dẫn mà còn thú vị, “lạ lẫm” bởi cách chế biến rất tinh tế của người miền núi.
Sợ phở tráng kìm được làm thủ công

Sợi phở Tráng Kìm được làm rất thủ công ở mọi công đoạn. Bột gạo được xay bằng đôi tay của những người phụ nữ. Những tảng bánh phở được phơi rải đều rồi chính những đôi tay ấy lại cắt nên sợi phở to bản, dai và dầy sợi, vì vậy, sợi phở Tráng Kìm đã có những nét khác biệt so với những loại phở khác.

Thịt gà ăn kèm có màu vàng đặc biệt


Đặc biệt những bánh phở này phải ăn kèm với thịt gà núi được luộc, thái sẵn và màu vàng đặc biệt

Đến phiên chợ Tráng Kìm (thứ 5 hàng tuần) bạn có thể nếm thử món ăn này ở những khu hàng quán phía đường lớn, trên đường từ TP.Hà Giang đi Đồng Văn, qua thôn Tráng Kìm, xã Quyết Tiến.

Tác giả bài viết: Thanh Hải

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok