1. Đồ uống có cồn
Lạm dụng đồ uống có cồn có thể gây hại cho xương (Ảnh minh họa) |
Uống nhiều đồ uống có cồn có thể gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe, trong đó có bộ xương. Theo WebMD, việc lạm dụng đồ uống có cồn trong thời gian dài, đặc biệt ở độ tuổi thanh thiếu niên và thanh niên, có thể ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe xương và làm tăng nguy cơ loãng xương sau này.
Primal Kaur, một chuyên gia về loãng xương của Đại học Temple (Mỹ), cho biết: “Tiêu thụ quá nhiều đồ uống có cồn có thể làm giảm quá trình hấp thụ canxi, khiến xương bị thoái hóa nhanh hơn do không có đủ canxi”.
Ngoài ra, theo vị chuyên gia này, tiêu thụ quá nhiều đồ uống có cồn còn ảnh hưởng tới gan, cơ quan dự trữ vitamin D của cơ thể. Khi chức năng gan suy giảm, chức năng dự trữ vitamin D cũng giảm, từ đó ảnh hưởng tới quá trình hấp thụ canxi.
Thêm vào đó, tiêu thụ quá nhiều đồ uống có cồn cũng làm gia tăng 2 loại hormone có khả năng làm giảm quá trình hình thành xương và tăng quá trình phân hủy xương là cortisol và hormone tuyến cận giáp.
Một số nghiên cứu khác cho thấy, đồ uống có cồn làm giảm estrogen và có thể dẫn đến kinh nguyệt không đều. Khi estrogen giảm sẽ làm chậm quá trình tái tạo xương và dẫn đến mất xương.
2. Nước ngọt có ga
Nước ngọt có ga có thể làm giảm mật độ xương nếu bạn uống quá nhiều (Ảnh minh họa) |
Theo PGS.TS Robert Ashley, bác sĩ nội khoa của Đại học California (Mỹ), tiêu thụ quá nhiều nước ngọt có ga có thể làm giảm mật độ xương.
Một nghiên cứu được đăng tải trên The Journal of Bone and Mineral Research cho thấy, việc tiêu thụ quá nhiều nước ngọt có ga có thể làm giảm nồng độ canxi, vitamin D nhưng làm tăng nồng độ phốt pho và hormone tuyến cận giáp. Điều này dẫn tới giảm mật độ xương, đặc biệt là ở phần xương đùi.
Một nghiên cứu khác được công bố trên The American Journal of Clinical Nutrition cho thấy, những người tiêu thụ quá nhiều nước ngọt có ga có mật độ xương thấp hơn đáng kể so với những người không uống loại đồ uống này. Đồng thời, những người tiêu thụ quá nhiều nước ngọt có ga có nguy cơ gãy xương hông cao hơn 10% so với những người không uống.
Việc tiêu thụ quá nhiều axit photphoric trong nước ngọt có ga còn có thể gây cản trở quá trình hấp thụ canxi, từ đó làm giảm mật độ xương và tăng nguy cơ gãy xương.
3. Đồ uống thể thao
Đồ uống thể thao cũng là nguyên nhân khiến chất lượng xương kém đi nếu bạn lạm dụng chúng (Ảnh minh họa) |
Đồ uống thể thao là đồ uống bổ sung nước và các chất điện giải như natri, kali, canxi và magiê. Nhiều loại đồ uống thể thao có thành phần là carbohydrate, một số loại đường như fructose, glucose và sucrose và đôi khi là caffeine.
Việc sử dụng đồ uống thể thao với mức độ vừa phải, đặc biệt sau khi bạn tập thể dục có thể giúp bổ sung khoáng chất, nước cho cơ thể. Tuy nhiên, việc lạm dụng loại đồ uống này có thể gây hại cho bộ xương theo nhiều cách khác nhau.
Thứ nhất, đồ uống thể thao có chứa natri. Tiêu thụ quá nhiều natri có thể làm tăng quá trình bài tiết canxi ra khỏi cơ thể, từ đó có thể ảnh hưởng tới mật độ xương.
Thứ hai, uống quá nhiều loại đồ uống này, đặc biệt là khi không tập luyện, có thể làm tăng nguy cơ thừa cân/béo phì và các vấn đề sức khỏe khác như tiểu đường loại 2, bệnh tim mạch và bệnh gút. Tất cả các tình trạng này đều có thể dẫn tới các rối loạn về xương khớp hoặc làm tăng nguy cơ gãy xương.
Tác giả: Lam Chi
Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn