Các thí sinh thi vào lớp 10 năm 2017 tại Hà Nội. Ảnh: Thanh Hùng. |
Chị Thanh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) năm nay có con thi vào lớp 10. Cô con gái thứ 2 của chị chọn đăng ký vào một trường THPT thuộc top giữa của Hà Nội. Các thầy cô ở trường đều nói, nếu cố gắng, con chị có thể đỗ được.
Thế nhưng mấy ngày nay chị Thanh không khỏi cảm thấy bất an, hồi hộp. Tỉ lệ chọi ở trường con chị đăng ký sau khi thay đổi nguyện vọng từ 2 chọn 1 đã tăng lên 3 chọn 1 mà mặt bằng chung thì cũng thấy có nhiều bạn học tốt. Chị đâm lo.
Biết mẹ đợt này cũng áp lực vì công việc nên mỗi lần thấy mẹ bày tỏ nỗi lo lắng của mình, cô con gái lại phải khuyên mẹ bình tĩnh. "Thành ra con thi nhưng mẹ thì sợ, hồi hộp như là mình đi thi vậy" - chị Thanh tâm sự.
Nói vậy nhưng chị Thanh biết cô con gái út trong nhà cũng đang vô cùng áp lực. Suốt mấy tháng nay, đều đặn mỗi ngày, con gái chị Thanh sáng học ở trường, chiều ở nhà học bài rồi tối chị lại cho đi học thêm bên ngoài từ 6 giờ đến 9 giờ.
"Có hai môn toán với văn nhưng cả trong lẫn ngoài học tới 4 thầy cô. Cũng chóng cả mặt" chị Thanh nói. "Thế nhưng về đến nhà cháu vẫn học bài. Nhiều hôm 2h đêm tỉnh dậy tôi lên phòng vẫn thấy cháu đang ngồi xem văn, giải đề toán. Những lúc ấy, thương con, tôi chỉ chực khóc".
Con gái chị Dương (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng có lịch học tương tự. Ngày thường có ngày 2 ca, có ngày 1 ca, còn thứ 7 thì 3 ca, từ 7h30 sáng cho tới 9 giờ tối cháu mới được về nhà. Thế mà về đến nhà, đêm nào con gái chị cũng học muộn. Gần tới ngày thi, nhiều hôm, cháu học gần như trắng đêm.
Công việc của chị Dương đặc thù, bận tối mắt tối mũi từ sáng tới tối đêm mới về tới nhà nên con gái chị tự lập từ nhỏ. Thấy cháu hay học khuya, chị chỉ nhắc: Gần đến ngày thi đừng học khuya quá. "Sáng ra, nó nói đêm qua nó học đến 2-3 giờ sáng" - chị Dương kể.
Chị Dương nói, áp lực thi cử của học sinh trong nhà trường giờ rất lớn. Con gái chị mấy lần vừa rồi thi thử, thấy điểm kém nhiều bạn thường ngày vẫn học đuối hơn mình nên lại càng lo, càng cố, cắm đầu cắm cổ vào học.
"Đợt nắng nóng vừa rồi, đi học về còn không ăn được cơm vì mệt dù mấy ngày gần thi mình đã đặt ra quy tắc: Không học khuya, không bỏ ăn sáng, không bỏ bữa" - chị Dương tâm sự. "Thấy nó học, nó nghĩ mà lo quá".
Mười mấy năm lăn lộn với các kỳ thi tuyển sinh, chứng kiến không biết bao nhiêu thí sinh và phụ huynh ở cổng trường thi nhưng đây là lần đầu tiên chị Dương trở thành phụ huynh đưa con đi thi. Lần đầu tiên chị được nếm trải cái cảm giác lo lắng, hồi hộp như chính mình đi thi của các phụ huynh.
Một phụ huynh đang "dò" số báo danh và phòng thi của con tại một điểm thi sáng 8/6. Ảnh: Thanh Hùng. |
Thấy con vất vả vì thi cử, các phụ huynh nghĩ đủ mọi cách để giúp con giải tỏa được áp lực, nhất là những ngày sát thi.
Chị Nghĩa (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, chị không đặt ra bất cứ áp lực nào cho con đối với việc thi cử. Dù điểm học ở trường kỳ nào cũng được 9,0 nhưng con chị chỉ đăng ký thi vào trường loại trung bình mà chị nghĩ rằng không khó khăn để đỗ.
Chị Nghĩa quan niệm, không kỳ vọng quá cao sẽ không phải lo lắng nhiều vì thế, chị không đặt ra cho con quá nhiều mục tiêu. "Thế hệ chúng tôi đã bị yêu cầu quá nhiều, mục tiêu quá nhiều nên cuộc sống quá ngột ngạt" - chị Nghĩa tâm sự. "Còn kể cả đại học cũng vậy thôi, quan trọng không phải là học ở đâu mà ai là người học".
Chị Nghĩa cho biết, nhờ quan niệm "thoáng" như vậy mà con chị gần như không áp lực chút nào với kỳ thi.
Chị Dương thì kể, sáng 8/6, chở con gái đi làm thủ tục, chị nói đùa: Bài nào khó con liếc sang bên cạnh xem bạn làm thế nào, nào ngờ, bị cô con gái phê bình "một trận". Nó nói, đây là kỳ thi nghiêm túc, không ai làm thế và mỗi người một bàn thì cũng không nhìn ai được.
Chị Dương nói, chị thuộc tuýp người không đòi hỏi phụ huynh đòi hỏi quá cao, không bắt con làm những điều con thích. "Mình cố gắng hướng con đến những mô hình phù hợp và con phải thích. Con thích thì mình không phải gây áp lực".
"Mình khuyên con chọn trường thấp điểm thôi cho khỏi áp lực nhưng cháu nói phải học trường áp lực một chút mới thích. Mình cũng thuận theo nguyện vọng của con".
Trong khi đó, chị Thanh cho biết, rút kinh nghiệm từ đứa con đầu, chị đặt mục tiêu cao hơn sức của cháu khiến cháu cứ phải "gồng mình lên", đứa thứ 2 này chị, chị không muốn gây áp lực. Việc cháu đăng ký vào trường nào, chị không quản, chỉ riêng tư hỏi cô giáo chủ nhiệm của cháu ở trường để biết.
"Tôi hỏi cháu thi vào trường đó thì có quá sức không? Cháu nói trường này áp lực một chút nhưng thuận lợi hơn về đi lại rồi phân tích đủ thứ. Cuối cùng cháu nói: Con thi được" - chị Thanh kể lại.
"Tối qua nhà ăn cơm xong thì thấy bố dắt xe máy ra sân, bảo chở con gái đi một vòng Hồ Gươm để "xả xì-trét". Bố và con gái thân nhau từ nhỏ nên cũng tâm lý, muốn con có tinh thần thoải mái để hôm sau đi thi" - chị Thanh cười kể lại.
Có lẽ, đôi khi, "một vòng Hồ Gươm" mà bố dành cho con gái lại là cách giải tỏa áp lực cho các sĩ tử trước ngày thi hơn bất cứ lời động viên nào.
Tác giả: Lê Văn
Nguồn tin: Báo VietNamNet