Sáng nay, vùng tâm bão Phú Yên, Khánh Hòa trời đã nắng ráo, đường phố ngổn ngang cây đổ, mái tôn rơi... Do lưới điện gặp sự cố, toàn tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa (trừ thành phố Nha Trang), Bình Định (trừ huyện Tam Quan) đang mất điện.
Cuộc sống xáo trộn, người dân chủ yếu ăn mì tôm và bánh mì, các quán xá đóng cửa. Chính quyền và người dân đang tập trung chôn cất người chết, tìm kiếm người mất tích và dọn dẹp sau bão.
Tại cuộc họp sáng nay, Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai thông tin số người chết do bão Damrey đã tăng lên thành 27 và 22 người mất tích.
Bão Damrey gây thiệt hại lớn và người và tài sản. Ảnh: Xuân Ngọc. |
Nằm trong tâm bão, Khánh Hòa có số người thiệt mạng cao nhất với 16, hơn 300 ngôi nhà bị sập, trên 25.000 nhà tốc mái.
Không bị bão đổ bộ nhưng tỉnh Bình Định bị thiệt hại nặng về người do các sự cố chìm tàu hàng trên biển. Đến sáng 5/11, tỉnh Bình Định có 10 tàu hàng bị chìm, hư hỏng trong khu vực cảng Quy Nhơn và khu vực phao số 0. Các cơ quan chức năng đã vớt được 74 người (70 người còn sống, 4 người chết), hiện còn 17 người đang trôi dạt hoặc mất tích trên biển.
Ứng phó với mưa đặc biệt lớn
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho hay, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hoàn lưu sau bão Damrey, hôm nay các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định, bắc Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai) có mưa rất to. Riêng các tỉnh từ Thiên Huế đến Quảng Ngãi mưa đặc biệt to và kéo dài đến ngày 7/11.
Mực nước trên các sông từ Quảng Bình đến Quảng Nam và khu vực nam Tây Nguyên đang lên nhanh; các sông ở Quảng Ngãi, Bình Định và khu vực bắc Tây Nguyên dao động ở mức đỉnh; các sông ở Phú Yên, Khánh Hòa đang xuống.
Hoàn lưu bão gây mưa ngập ở phố cổ Hội An. Ảnh: Lý Sơn. |
Theo Tổng cục Thủy lợi, cập nhật đến 6h ngày 5/11, Bắc Trung Bộ có 4 hồ, Nam Trung Bộ có 14 hồ, Tây Nguyên 17 hồ, Đông Nam Bộ có một hồ thủy điện đang xả lũ qua tràn. Trong đó các hồ duyên hải Nam Trung Bộ xả nhiều, như Krông H’năng 1.250/1.180 m3/s; Sông Hinh 800/2.630 m3/s; Sông Ba Hạ 1.400/1.820 m3/s; Sông Tranh 2 xả 2.490/3.750 m3/s, Đak Mi 4a xả 3.530/3.300 m3/s.
Ngoài ra, còn khoảng 20 hồ thủy lợi trên các khu vực trên cũng đang xả xuống hạ du, nhưng với lưu lượng thấp.
Có lúng túng trong đối phó với bão
Tổng cục trưởng Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Trần Quang Hoài đánh giá bão Damrey tan nhưng để lại hậu quả nặng nề. Các địa phương cần đánh giá công tác ứng phó với bão Damrey. "Bão Damrey gây thiệt hại lớn vì sao? Nhiều người chết do chìm tàu vận tải, nhà đổ có phải do chủ quan, chưa quyết liệt cảnh báo, di dời hay không?", ông Hoài đặt vấn đề.
Dẫn thực tế những cơn bão mạnh tương tự, thậm chí mạnh hơn vào Bắc Trung Bộ nhưng thiệt hại về người không lớn, ông Hoài cho rằng có nguyên nhân một số địa phương lúng túng, chưa quyết liệt. “Hôm qua Bình Định báo cáo có 8 tàu hàng chìm, gặp sự cố, đến sáng nay lãnh đạo tỉnh lại nói 10 cái, làm cơ quan chỉ đạo ứng phó trở tay không kịp”, ông Hoài dẫn chứng.
Để đối phó với hoàn lưu bão gây mưa lũ lớn, Tổng cục phòng chống thiên tai yêu cầu bám sát công tác vận hành hồ chứa. "Ngay chiều nay, mời các nhà khoa học, cơ quan chuyên môn họp bàn tính toán vận hành liên hồ chứa, đảm bảo an toàn cho hạ du", ông Hoài nói
Bão Damrey đổ bộ Phú Yên, Khánh Hòa.
Sáng 2/11 áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão, cơn bão thứ 12 trên biển Đông, tên quốc tế là Damrey. Bão tăng cấp rất nhanh khi tiến sát bờ biển Nam Trung Bộ do kết hợp với không khí lạnh. 6h ngày 4/11, bão đổ bộ Phú Yên - Khánh Hòa, mạnh cấp 12 (135 km/h). 13h, tiến sâu vào nam Tây Nguyên, bão giảm còn cấp 9 (90 km/h) và đến 15h cùng ngày thì suy yếu thành áp thấp nhiệt đới khi ở biên giới Việt Nam - Campuchia. |
Tác giả: Võ Hải
Nguồn tin: Báo VnExpress