Thế giới

18 người chết trong ngày biểu tình đẫm máu nhất, Myanmar như "chiến trường"

Liên Hợp Quốc lên án bạo lực nhằm vào người biểu tình ở Myanmar khi lực lượng an ninh nước này nổ súng khiến ít nhất 18 người biểu tình thiệt mạng.

Biểu tình phản đối đảo chính lan rộng ở Myanmar. (Ảnh: Reuters)

Guardian dẫn thông tin từ Văn phòng Nhân quyền của Liên Hợp Quốc cho biết, ít nhất 18 người thiệt mạng và hơn 30 người bị thương ở Myanmar hôm 28/2 khi cảnh sát và quân đội đàn áp các cuộc biểu tình ôn hòa. Đây là ngày biểu tình đẫm máu nhất ở Myanmar kể từ khi quân đội đảo chính hôm 1/2.

Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc cho biết đã nhận được "thông tin đáng tin cậy" về việc sử dụng bạo lực chống lại người biểu tình ôn hòa"ở một số địa phương của Myanmar ngày 28/2.

"Thương vong xảy ra do lực lượng an ninh dùng đạn thật bắn vào các đám đông biểu tình ở Yangon, Dawei, Mandalay, Myeik, Bago, Pokokku", Ravina Shamdasani, một phát ngôn viên của Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc cho hay.

Thông cáo của văn phòng trên cũng kêu gọi quân đội Myanmar "lập tức ngừng sử dụng bạo lực nhằm vào người biểu tình ôn hòa", và nhấn mạnh người dân Myanmar có quyền biểu tình ôn hòa và yêu cầu khôi phục nền dân chủ.

Những hình ảnh chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy, người biểu tình ở thành phố Yangon khiêng những người bị thương đẫm máu đến nơi an toàn. Một hình ảnh được hãng tin Mizzima đăng tải cho thấy một người biểu tình giơ 3 ngón tay biểu thị phản đối đảo chính ngay cả khi đang nằm trên cáng. Đức hồng y Charles Maung Bo bình luận trên Twitter: "Myanmar giống như một chiến trường".

Chính quyền quân đội Myanmar hiện chưa đưa ra bình luận.

Căng thẳng leo thang nguy hiểm

Làn sóng biểu tình phản đối đảo chính ở Myanmar đã kéo dài suốt 1 tháng qua kể từ khi quân đội dưới sự điều hành của Thống tướng Min Aung Hlaing lật đổ chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi hôm 1/2. Những ngày gần đây, chính quyền quân sự đã mạnh tay hơn đàn áp các cuộc biểu tình. Trong hai ngày qua, lực lượng an ninh đã dùng lựu đạn gây choáng, vòi rồng, đạn cao su, đạn nổ để giải tán biểu tình. Cũng theo kênh truyền hình quân đội MRTV, lực lượng quân sự đã bắt giữ hơn 470 người chỉ riêng trong ngày 27/2. Hiện chưa rõ bao nhiêu người bị bắt giữ hôm 28/2, nhưng các nguồn tin cho biết, hàng chục nhân viên y tế, sinh viên và phóng viên đã bắt giữ.

Một số nước đã lên tiếng chỉ trích việc đàn áp biểu tình ở Myanmar. Một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Anh nêu rõ: "Các hành động bạo lực này cần phải dừng lại, nền dân chủ phải được khôi phục". Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng lên án bạo lực nhằm vào dân thường ở Myanmar. "Chúng tôi ủng hộ người dân Myanmar can đảm và kêu gọi các nước lên tiếng ủng hộ ý chí của họ", ông Blinken bình luận trên Twitter. Indonesia cũng bày tỏ quan ngại về tình hình ở Myanmar.

Trong một diễn biến liên quan khác, kể từ khi bị bắt giữ hôm 1/2, Cố vấn Nhà nước Aung Suu Kyi chưa xuất hiện trước công chúng. Các nguồn tin từ Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ Myanmar (NLD) cho biết, bà có thể đã được chuyển đến một nơi giam giữ bí mật. Một quan chức NLD cho hay, các đồng minh của bà Suu Kyi đang lên kế hoạch lập một chính phủ lâm thời để thách thức chính quyền quân sự và tìm kiếm sự công nhận của cộng đồng quốc tế.

Tác giả: Minh Phương

Nguồn tin: Báo Dân trí

  Từ khóa: đảo chính , Myanmar , biểu tình

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok