Theo địa chỉ ghi trên lá đơn kêu cứu, chúng tôi tìm đến nơi ở của gia đình chị Vũ Thị Thúy. Cái lán nhỏ trống hoác giữa “đồng không mông quạnh”, thuộc cánh đồng Sen, thôn Thận Y, xã Yên Nam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, là nơi trú ngụ của 5 con người. Được biết, chị Thúy lấy chồng ở xã Văn Lý, huyện Lý Nhân, nhưng bởi hoàn cảnh khó khăn nên cả nhà phải dắt díu nhau lên dựng lán ở nhờ trên mảnh đất giữa cánh đồng của cô em gái.
Bé Đỗ thanh Dương(15 tuổi), mắc chứng bại não. |
Đã 15 năm, em chỉ biết nằm 1 chỗ, chân tay co quắp, miệng ú ớ, la hét. |
Vừa bước chân vào cửa, chúng tôi đã giật mình bởi những tiếng la hét, gào thét từ phía trong vọng ra. Trên chiếc giường nhỏ, bừa bộn, cậu bé Đỗ Thanh Dương (15 tuổi) thân hình tiều tụy, chân tay co rút lại, miệng thì méo xệch chảy dãi và la hét liên hồi. Chị Thúy vội vàng chạy vào ôm đứa con tội nghiệp vào lòng cưng nựng…. Dường như đã cảm nhận được tình yêu thương của mẹ dành cho mình, mà cậu bé Dương ngoan ngoãn dụi đầu vào ngực mẹ, nằm im thít.
Nếu được chữa trị thường xuyên, thì các chức năng cơ bản của bé có thể được phục hồi |
Nhưng vì nhà quá nghèo nên gia đình mới chỉ một lần duy nhất đưa con đến viện khi cháu 1 tháng tuổi. |
|
Ghì chặt đứa con tội nghiệp trong lòng, chị Thúy ứa nước mắt tâm sự:“ 1 tháng tuổi cháu bị sốt cao, điều trị ở viện huyện rồi lên tỉnh mãi không khỏi, đến khi chuyển lên bệnh viện trung ương, thì kết luận cháu bị bại não…bác sĩ bảo bệnh của cháu phải điều trị vật lý trị liệu lâu dài mới mong hồi phục được …Nhưng, sau lần đó, vì chẳng có tiền nên em vẫn chưa cho cháu đi chữa trị được thêm lần nào nữa…”.
Để lo cho các con, chị Thúy đưa bọn trẻ về bên ngoại, dựng lán ở nhờ trên mảnh đất của em gái ở giữa cánh đồng |
Vậy là thấm thoát đã 15 năm, vừa chăm sóc đứa con tật nguyền, vừa phải vật lộn với công cuộc mưu sinh, khi thêm 2 đứa con lần lượt ra đời. Đã có lúc 2 vợ chồng gửi các con cho bà nội chăm sóc, rồi dắt nhau lên Hà Nội làm thuê, những mong có chút tiền để trang trải cuộc sống, và ki cóp dành dụm ít nhiều để đưa Dương đi chữa trị. Nhưng “lực bất tòng tâm”, công làm mướn chẳng được là bao, lại thương nhớ các con quá, nên chị Thúy lại trở về quê, để tiện chăm sóc đứa con bất hạnh.
Một tay người mẹ này chăm sóc đứa con tật nguyền, và 2 đứa con còn nhỏ dại. |
Thật khó có nỗi khổ đau nào hơn nỗi đau mà người phụ nữ này đang phải gánh chịu. Sinh con ra lành lặn khỏe mạnh, vậy mà đã 15 năm, con vẫn nằm đấy thân hình tiều tụy, chân tay co quắp, chỉ biết ú ớ và gào thét vô nghĩa. Cũng ngần ấy năm trời, người mẹ này chưa bao giờ nguôi hy vọng, được nhìn thấy con bước đi những bước chân đầu đời, và cất tiếng gọi, “mẹ ơi!”..
Bởi, người chồng phải chấp nhận tha hương lên Hà Nội làm thuê. |
Trao đổi với anh Ngô Duy Dền, chủ tịch UBND xã Văn Lý, anh Dền ái ngại cho biết: “ Gia đình chị Thúy là hoàn cảnh khó khăn ở địa phương nhiều năm nay. Bản thân cháu Dương mắc bệnh từ nhỏ luôn phải có người ở bên chăm sóc rất vất vả. Mấy năm nay vợ chồng con cái phải dắt díu nhau về quê ngoại ở nhờ. Hiện tại, địa phương đã cố gắng hỗ trợ cho gia đình và làm các chế độ bảo trợ xã hôi cho cháu. Nhưng thú thực cũng chỉ được phần nào thôi. Qua đây, tôi cũng tha thiết kính mong quý báo cùng các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ gia đình…”
Đã 15 năm, chưa lúc nào người mẹ này nguôi hy vọng, đứa con tội nghiệp của mình, sẽ bước những bước chân đầu đời, và cất tiếng gọi “mẹ ơi!” |
Tiết trời mùa đông, màn đêm sầm sập buông nhanh, cái căn lán nhỏ chơ vơ, quạnh hiu giữa cánh đồng thoáng cái đã chìm trong bóng tối. Cái dáng chị Thúy khom người cõng đứa con tật nguyền, vừa vỗ về dỗ dành 2 đứa con nhỏ đang đói bụng, sao mà tội thế!
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: 1.Mã số 2764 : Chị Nguyễn Thị Thúy, thôn Quan Thượng, xã Văn Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam ĐT 0983 485 236 Hiện chị Thúy và gia đình sinh sống tại cánh đồng Sen, thôn Thận Y, xã Yên Nam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam |
Tác giả: Hương Hồng
Nguồn tin: Báo Dân trí