Du lịch

12 thành phố sạch nhất thế giới

Từ khắp các châu lục, Helsinki (Phần Lan), Curitiba (Brazil) hay Brisbane (Australia) đều góp mặt trong danh sách những thành phố có không gian trong lành, môi trường sạch sẽ bậc nhất thế giới.



Helsinki, Phần Lan

Chính quyền thành phố nỗ lực mang đến không gian xanh cho Helsinki và phát triển hệ thống giao thông công cộng. 36% diện tích đất dành cho công viên với hơn 40 khu dự trữ sinh quyển trên diện tích 890 ha. Phần Lan cũng đang tích cực bảo vệ bờ biển trước nguy cơ nước biển dâng và băng tan từ hai cực.



Brisbane, Australia

Brisbane định hướng trở thành thành phố xanh sạch nhất Australia thông qua chính sách nâng cao chất lượng không khí, giảm thiểu rác thải. Người dân thành phố Brisbane được khuyến khích tái chế rác và sử dụng các sản phẩm hữu cơ.



Curitiba, Brazil

Curitiba là thành phố có tỉ lệ không gian xanh cao nhất thế giới với mật độ 52m2/ người. Thành phố có chương trình đổi rác thải và các sản phẩm tái chế lấy thẻ xe buýt, thức ăn và cả tiền mặt.



Singapore

Singapore nổi tiếng thế giới là một trong những nơi sạch sẽ nhất với những quy định nghiêm ngặt liên quan tới vứt rác bừa bãi. Bạn có thể sẽ phải trả hơn 700 USD tiền phạt cho lần vi phạm đầu tiên và hơn 5.000 USD kèm lao động công ích nếu vi phạm nhiều lần.



Vienna, Áo

Vienna là một trong những thành phố sạch nhất thế giới với hơn 17.300 thùng rác, được thiết kế với nhiều kiểu dáng khác nhau ở mỗi quận trong thành phố. Có hơn 12.000 thùng rác hình gạt tàn và hơn 300 thùng dành riêng để chứa chất thải của chó.



Luxembourg

Luxembourg được mệnh danh là “trái tim xanh của châu Âu” với diện tích không gian xanh lớn. Dù nơi đây có những chuyên viên dọn vệ sinh riêng, người dân địa phương vẫn tổ chức các chương trình cùng nhau làm sạch, chỉnh trang đô thị vào dịp mùa xuân.



Adelaide, Australia

Adelaide nổi tiếng với cảnh quan đô thị theo định hướng bền vững. Thành phố triển khai nhiều chương trình như “thành phố xanh”, chương trình trồng 3 triệu cây xanh, các dự án năng lượng mặt trời, thúc đẩy sử dụng phương tiện giao thông công cộng và các phương pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.



Honolulu, Mỹ

Chính quyền Honolulu cam kết sử dụng năng lượng sạch và bền vững trong hệ thống cơ sở hạ tầng thành phố. Nhiều dự án phát triển môi trường bao gồm H-Power, dự án mục tiêu chuyển đổi 2.000 tấn rác thải thành năng lượng điện, cung cấp cho hơn 40.000 hộ dân, dự án Pearl Citybus sử dụng năng lượng mặt trời nhằm cắt giảm chi phí năng lượng.



Wellington, New Zealand

Nhờ tuyến đường sắt trên cao được mở rộng và phát triển, thành phố Wellington đã cắt giảm lượng ô nhiễm không khí từ ùn tắc xe ô tô. Bên cạnh đó là hệ thống phương tiện giao thông công cộng như tàu điện ngầm, phà đường sông, xe buýt.



Calgary, Canada

Calgary trở thành một trong những thành phố sạch nhất thế giới nhờ việc khởi xướng xanh của hội đồng thành phố. Người dân và du khách cũng có thể bị phạt nặng vì hành vi xả rác, vứt thuốc lá hoặc ném rác thải qua cửa ôtô. Chính quyền cũng đề xuất những hỗ trợ tài chính cho lối sống xanh của người dân như sử dụng sản phẩm hữu cơ, hạn chế rác thải từ đồ gói bọc bữa trưa.



Oslo, Na Uy

Thủ đô Oslo của Na Uy có hệ thống xử lý rác thải tự động hiện đại, dùng hệ thống bơm và các đường ống dưới lòng đất để gom rác thải đến các khu xử lý, nơi rác thải được đốt để tạo năng lượng và nhiệt cho thành phố.



Ifrane, Morocco

Ifrane được gọi là “Tiểu Thụy Sỹ” của Morroco với hệ thống đồi núi bao quanh thành phố. Người dân có thể trải nghiệm khung cảnh tuyết rơi trong mùa đông hay tận hưởng khí hậu mát mẻ mùa hè. Ifrane được đánh giá cao nhờ chất lượng không khí, nguồn nước suối dồi dào và trong lành, cũng như không gian xanh của các vườn quốc gia.

Tác giả bài viết: Minh Đức

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok