Theo phản ảnh của người dân, tháng 6-2006, lãnh đạo huyện Tĩnh Gia cùng lãnh đạo Nhà máy xi măng Công Thanh có buổi làm việc với những hộ dân thuộc diện quy hoạch để xây dựng nhà máy xi măng tại thôn Tam Sơn, xã Tân Trường, huyện Tĩnh Gia. Tại buổi làm việc, theo thỏa thuận 31 hộ dân ở đây thực hiện giao đất để tái định cư sang nơi ở mới, nhường đất cho dự án xây dựng Nhà máy xi măng Công Thanh.
Theo đó, phía nhà máy và lãnh đạo địa phương có trách nhiệm hoàn thiện thủ tục hồ sơ để cấp GCNQSDĐ nơi ở mới cho người dân. Tuy nhiên, đã 12 năm trôi qua, người dân nơi đây vẫn mòn mỏi chờ đợi.
Gia đình bà Hà Thị Biển hiện vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. |
Bà Hà Thị Biển, một trong số các hộ dân tái định cư ở thôn Tam Sơn cho biết: “Thực hiện chủ trương nhường đất để xây dựng Nhà máy xi măng Công Thanh, 31 hộ dân chúng tôi đã bàn giao hàng trăm héc-ta đất tại xã Tân Trường, huyện Tĩnh Gia. Tại buổi làm việc với lãnh đạo chính quyền địa phương và lãnh đạo Nhà máy xi măng Công Thanh, hai bên thỏa thuận người dân chuyển đến khu tái định cư sẽ nhận diện tích đất bằng diện tích nơi ở cũ và chỉ được nhận tiền đền bù tài sản trên đất. Những hộ không chuyển đến khu tái định cư sẽ được hỗ trợ thêm để đến nơi ở mới.
Trong quá trình giải phóng mặt bằng, UBND huyện Tĩnh Gia cùng Nhà máy xi măng Công Thanh hứa hẹn sẽ có trách nhiệm hoàn thiện thủ tục hồ sơ để cấp GCNQSDĐ cho người dân chúng tôi. Thế nhưng đến nay đã 12 năm, mọi lời hứa hẹn của chính quyền cũng như doanh nghiệp vẫn chưa được thực hiện”.
Cùng chung nỗi bức xúc như bà Biển, ông Lưu Văn Hoàn - một người dân địa phương cho biết: “Đa số người dân ở đây là người dân tộc Thái, điều kiện kinh tế hết sức khó khăn. Khi bàn giao đất cũ để xây dựng Nhà máy xi măng Công Thanh, chuyển sang chỗ ở mới, chúng tôi tưởng sớm được cấp GCNQSDĐ để có thể thế chấp ngân hàng vay vốn làm ăn, nhưng đã 12 năm trôi qua vẫn chưa nhận được gì.
Nhiều lần đến hỏi các cơ quan chức năng thì mới biết, do đất của chúng tôi chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính nên chưa được cấp GCNQSDĐ. Chúng tôi mong rằng trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sớm quan tâm cấp GCNQSDĐ cho người dân”.
Để tìm hiểu về vấn đề trên, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có buổi làm việc với lãnh đạo UBND xã Tân Trường. Ông Nguyễn Ngọc Bê, Chủ tịch UBND xã Tân Trường cho biết: “Sự việc 31 hộ dân ở thôn Tam Sơn phản ánh là hoàn toàn có thật. Nguyên nhân đến nay các hộ dân chưa được cấp GCNQSDĐ là do thỏa thuận giữa chính quyền địa phương, Nhà máy xi măng Công Thanh và người dân năm 2006 đều là thỏa thuận miệng. Bên cạnh đó, năm 2007 Chủ tịch UBND xã Tân Trường bị khởi tố do liên quan đến vụ án khác dẫn tới giấy tờ thất lạc. Hiện nay, không có văn bản nào chứng minh các hộ dân hay Nhà máy xi măng Công Thanh phải thực hiện nghĩa vụ tài chính để tiến hành các thủ tục cấp GCNQSDĐ.
Chúng tôi cũng nhiều lần gặp lãnh đạo Nhà máy xi măng Công Thanh hỏi xem bên nào phải thực hiện nghĩa vụ tài chính, nhưng lãnh đạo nhà máy cho rằng, họ đã đền bù rồi nên không có trách nhiệm. Chính quyền xã Tân Trường đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền các cấp tạo điều kiện hỗ trợ cho người dân được cấp GCNQSDĐ nhưng hiện nay vẫn phải chờ ý kiến chỉ đạo của huyện Tĩnh Gia và tỉnh Thanh Hóa”.
Nguyện vọng của 31 hộ dân tại thôn Tam Sơn là hoàn toàn chính đáng, bởi họ đã phải di dời đến nơi ở mới nhường đất để xây dựng Nhà máy xi măng Công Thanh. Mong rằng trong thời gian tới, các cấp chính quyền tỉnh Thanh Hóa sớm quan tâm, tạo điều kiện để 31 hộ dân được cấp sổ đỏ, qua đó giúp người dân ổn định cuộc sống.
Tác giả: ĐỨC THỊNH
Nguồn tin: Báo Quân đội nhân dân