Hãng nghiên cứu hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Gartner dự đoán rằng tới năm 2020, số lượng điện thoại được trang bị tính năng AI sẽ chiếm tới 80%. Đi kèm với nó là các tính năng AI tiên tiến, mang tới các trải nghiệm khác nhau cho từng đối tượng người dùng.
|
"Với sự phổ biến ngày càng tăng của smartphone, các nhà sản xuất đang tìm kiếm cách thức mới để cá nhân hóa thiết bị của người dùng, thông qua các tính năng AI. Thiết bị di động tới đây sẽ có khả năng học tập và giúp mọi người lập kế hoạch cũng như giải quyết các vấn đề. AI không chỉ làm cho điện thoại thông minh hơn, mà còn giúp con người giảm bớt các áp lực trong cuộc sống", giám đốc nghiên cứu của Gartner, Lu Jun chia sẻ.
Hiện nay, chỉ có các mẫu flagship có trí tuệ nhân tạo và hầu hết các tính năng này tập trung vào việc bảo vệ dữ liệu hay quản lý năng lượng. Nhưng theo dự đoán trong vài năm tới, một loạt chức năng AI mới sẽ xuất hiện mang tới cho người dùng các trải nghiệm tốt hơn rất nhiều.
Dự đoán hành vi của người dùng
Bằng cách sử dụng cảm biến, camera và dữ liệu, smartphone có thể dự đoán được hành động tiếp theo của người dùng. Ví dụ, trong một ngôi nhà có các kết nối thông minh, thiết bị có thể tự kích hoạt máy hút bụi để làm vệ sinh khi không có người ở nhà, hoặc hâm nóng lại thức ăn trong nồi điện trước khi người dùng đi làm về.
Xác thực người dùng
Chỉ vài năm tới, mọi người sẽ không còn phải vất vả trong việc nhớ mật khẩu truy cập của mình, hay giơ điện thoại lên mặt để mở khóa thiết bị. Tính năng AI sẽ nhận dạng dựa trên hành vi của người sở hữu thiết bị và học tập nó. Ví dụ như các thói quen khi đi bộ, các động tác vuốt nhẹ lên màn hình hay lực nhấn khi sử dụng, cách cuộn và nhập dữ liệu.
Nhận thức tình cảm
|
Các hệ thống cảm nhận cảm xúc của con người từ smartphone sẽ thúc đẩy sự gia tăng mạnh mẽ của các trợ lý cá nhân ảo. Ứng dụng thực tiễn của nó, đơn cử như việc các nhà sản xuất ô tô có thể sử dụng camera phía trước của điện thoại thông minh để kiểm tra tình trạng thể chất của người lái xe hoặc đánh giá mức độ mỏi để nhằm tăng độ an toàn khi điều khiển phương tiện.
Hiểu biết về ngôn ngữ tự nhiên
Khả năng học tập sâu (Deep Learning) trên điện thoại thông minh sẽ cải thiện tính chính xác của tính năng nhận dạng tiếng nói và ý định của người dùng. Ví dụ như khi người dùng nói "thời tiết lạnh", điện thoại có thể dự đoán xem ý định của họ là "đặt hàng áo khoác trực tuyến" hay "bật máy sưởi lên".
Thực tế tăng cường (AR)
Apple và Google đã và đang đầu tư rất nhiều vào lĩnh vực này. Với việc phát hành iOS 11, Apple đưa bộ công cụ ARKit tới tay các nhà phát triển để dễ dàng tạo ra thêm nhiều ứng dụng hơn trong tương lai. Tương tự như vậy, Google đã công bố công cụ ARCore dành cho Android và dự định cho phép hỗ trợ AR trên khoảng 100 triệu thiết bị vào cuối năm tới.
Quản lý thiết bị
Để cải thiện khả năng quản lý thiết bị, trí tuệ nhân tạo sẽ giữ các ứng dụng thường xuyên sử dụng ở chế độ chạy nền để nhanh chóng có thể khởi động trở lại, hoặc tắt các ứng dụng không sử dụng để tiết kiệm bộ nhớ và pin.
Hồ sơ cá nhân
Điện thoại thông minh đang thu thập các dữ liệu về người dùng. Nhưng không chỉ như vậy, trong những năm tới, điều này sẽ ngày càng được áp dụng nhiều hơn để tuỳ chỉnh các dịch vụ cho từng cá nhân. Ví dụ, các công ty bảo hiểm sẽ điều chỉnh mức phí bảo hiểm xe hơi dựa trên hành vi lái xe của người dùng.
Kiểm duyệt và phát hiện nội dung
|
Trong tương lai, các thiết bị di động có thể hạn chế nội dung một cách tự động. Đó có thể là hình ảnh, video hoặc văn bản và chúng sẽ được gắn cờ hay kích hoạt các loại thông báo cảnh báo khác nhau. Ví dụ như trong một công ty, điện thoại phát cho các nhân viên sẽ gửi cảnh báo khi phát hiện có người sử dụng nó để chụp lại hoặc lưu trữ các dữ liệu có tính bảo mật cao nằm ngoài phạm vi cho phép.
Nhiếp ảnh cá nhân
Là một trong những tính năng ngày càng trở nên hoàn thiện, smartphone sẽ tiếp tục mang tới nguồn cảm hứng cho thói quen chụp ảnh của người dùng. Đặc biệt là các thể loại như chụp ảnh selfie, với khả năng tự động "làm đẹp" dựa trên sở thích cá nhân của mỗi người.
Phân tích âm thanh
Hãy tưởng tượng tới một ngày, smartphone của bạn sẽ tự kích hoạt chế độ yên lặng vào ban đêm khi nghe thấy tiếng ngáy của người dùng. Hoặc nó có thể kích hoạt thiết bị đeo tay của bạn để khuyến khích người dùng thay đổi vị trí khi bất chợt ngủ quên trên bàn làm việc. Khả năng phân tích âm thanh của AI trong tương lai có thể sẽ mang tính chủ động hơn, dựa trên khả năng phân tích các dữ liệu thu được từ nhiều nguồn.
Tác giả: Mai Anh
Nguồn tin: Báo VnExpress