Số ca mắc sốt xuất huyết trên toàn cầu tăng đột biến từ đầu năm đến nay. Ảnh: AFP |
Ô nhiễm và biến đổi khí hậu
Theo thống kê, trên thế giới cứ 10 người thì có đến 9 đang hàng ngày hít thở bầu không khí ô nhiễm. Các chất gây ô nhiễm trong không khí có thể xâm nhập vào hệ thống hô hấp và tuần hoàn, gây hại cho phổi, tim và não. Những căn bệnh này giết chết 7 triệu người mỗi năm. Khoảng 90% số ca tử vong ở các nước thu nhập thấp và trung bình, với lượng khí thải lớn từ công nghiệp, giao thông và nông nghiệp cũng như bếp lò và nhiên liệu bẩn trong nhà.
Đốt nhiên liệu hóa thạch cũng là tác nhân chính gây ra biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người theo những cách khác nhau. Các đợt nắng nóng kéo dài, nhiệt độ không khí tăng, dẫn đến gia tăng một số nguy cơ đối với tuổi già, những người mắc bệnh tim mạch, bệnh thần kinh, dị ứng. Tác động gián tiếp của biến đổi khí hậu đến sức khoẻ con người thông qua những nguồn gây bệnh, làm tăng khả năng bùng phát và lan truyền các bệnh dịch và các bệnh nhiệt đới…
Từ năm 2030 - 2050, biến đổi khí hậu được dự báo sẽ làm 250.000 người tử vong mỗi năm.
Bệnh không lây nhiễm
Các bệnh không lây nhiễm như bệnh tiểu đường, ung thư và bệnh tim… là nguyên nhân chính gây ra hơn 70% tổng số ca tử vong trên toàn thế giới, tương đương 41 triệu người. Trong đó, 15 triệu người tử vong trong độ tuổi 30 - 69.
Hơn 85% số ca tử vong sớm này ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Sự gia tăng của các bệnh này được thúc đẩy bởi 5 nguy cơ chính: Sử dụng thuốc lá, không hoạt động thể chất, uống rượu bia, chế độ ăn uống không lành mạnh và ô nhiễm không khí. Những yếu tố này làm tăng nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe tâm thần, trong đó 50% bệnh nhân bắt đầu từ năm 14 tuổi. Hầu hết họ không được phát hiện và điều trị sớm, dẫn đến nhiều người đã tự tử.
Đại dịch cúm toàn cầu
Theo WHO, thế giới có thể phải đối mặt với đại dịch cúm. Tuy nhiên, họ không biết chắc chắn khi nào nó xảy ra và mức độ nghiêm trọng của nó. Vì vậy, WHO khuyến cáo mọi người nên tiêm vắc-xin cúm để phòng ngừa và bảo vệ bản thân. Bên cạnh đó, WHO cũng liên tục giám sát sự lưu hành của virus cúm để phát hiện các chủng gây đại dịch tiềm tàng tại 153 trung tâm phòng chống cúm ở 114 quốc gia. Từ đó, WHO có kế hoạch ứng phó trên phạm vi toàn cầu.
Môi trường sống không đảm bảo
Hơn 1,6 tỷ người (22% dân số toàn cầu) đang sống ở những nơi chịu khủng hoảng kéo dài về: Hạn hán, nạn đói, chiến tranh, xung đột và chuyển dịch dân số. Những người ở nơi xảy ra khủng hoảng thường không được tiếp xúc với các dịch vụ y tế cơ bản. Do đó, WHO đang tiếp tục làm việc tại các quốc gia để tăng cường các hệ thống y tế nhằm giúp họ tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn, bao gồm cả tiêm chủng.
|
Kháng kháng sinh
Sự phát triển của kháng sinh được coi một trong số những thành công lớn nhất của nền y học hiện đại. Tuy nhiên, theo thời gian hiệu quả đang bị giảm đi bởi con người phải đối mặt với tình trạng kháng kháng sinh.
Khi tình trạng này xảy ra, các loại vi khuẩn, ký sinh trùng, virus và nấm sẽ đe doạ trực tiếp đến sức khoẻ nhân loại. Con người sẽ ngày càng gặp khó khăn trong việc điều trị các bệnh nhiễm trùng như viêm phổi, lao, lậu và thương hàn cũng như không có khả năng ngăn ngừa nhiễm trùng khi phẫu thuật và hóa trị.
Kháng thuốc chống lao là trở ngại lớn cho việc điều trị cho khoảng 10 triệu người mắc bệnh và 1,6 triệu người tử vong do lao mỗi năm. Trong năm 2017, khoảng 600.000 trường hợp mắc bệnh lao đã kháng rifampicin và 82% trong số những người này mắc bệnh lao đa kháng thuốc. Việc kháng thuốc được thúc đẩy do sự lạm dụng thuốc ở người và cả ở động vật, đặc biệt là những động vật được sử dụng để sản xuất thực phẩm.
Ebola và các bệnh nguy hiểm khác
Năm 2018, Cộng hòa Dân chủ Congo đã chứng kiến hai đợt dịch Ebola riêng biệt, cả hai đợt đều lan sang các thành phố lớn. Dịch Ebola khiến rất nhiều người tử vong đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về mức độ nguy hiểm của các bệnh dễ lây nhiễm như Ebola, sốt xuất huyết, Zika, hội chứng MERS-CoVi và hội chứng viêm hô hấp cấp SARS.
Dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu yếu kém
Chăm sóc sức khỏe ban đầu có thể đáp ứng phần lớn nhu cầu sức khỏe của một người trong suốt cuộc đời. Các hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt là điều cần thiết để đạt được bảo hiểm y tế toàn cầu.
Tuy nhiên, nhiều quốc gia không có cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu đầy đủ. Theo WHO, sự lơ là này có thể do thiếu nguồn lực ở các nước thu nhập thấp hoặc trung bình. Điều này có thể gây nguy hiểm cho người bệnh vì nó khiến họ không được điều trị kịp thời.
Không tiêm vắc-xin
Vắc-xin giúp nhân loại phòng tránh 2 - 3 triệu trường hợp tử vong mỗi năm. Tuy nhiên, do dự tiêm phòng hoặc từ chối tiêm vắc-xin dù có sẵn dịch vụ tiêm chủng đang đe dọa đảo ngược mọi nỗ lực con người đạt được trong công cuộc chống lại bệnh truyền nhiễm.
Ví dụ điển hình nhất là bệnh sởi. Những năm gần đây, số ca mắc bệnh sởi trên thế giới tăng 30% cho dù đây là bệnh phòng được bằng vắc-xin. Thực tế, các quốc gia đã xóa sổ bệnh sởi giờ đây lại chứng kiến căn bệnh này trỗi dậy. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này chính là do không tiêm vắc-xin.
Sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là căn bệnh do muỗi gây ra với các triệu chứng giống như cúm. Nó là nguyên nhân khiến 20% người mắc tử vong. Từ đầu năm đến nay, số lượng người mắc bệnh sốt xuất huyết đã tăng đột biến so với cùng kỳ năm ngoái và đạt đến mức kỷ lục trong những năm trở lại đây.
Trên thế giới, các khu vực đang là điểm nóng như Nam Mỹ có hơn 1,6 triệu ca mắc, trong đó chiếm 80% ở quốc gia nhiệt đới Brazil. Honduras thì đang phải đối diện với nạn dịch sốt xuất huyết tồi tệ nhất trong vòng 50 năm trở lại đây.
Tại Châu Á, Philippines vừa công bố tình trạng bệnh dịch trên toàn quốc sau khi có 146 nghìn ca mắc với 622 trường hợp tử vong đến thời điểm hiện tại. Quốc gia Bangladesh có thời điểm chỉ trong một ngày tại bệnh viện đã ghi nhận tới gần 14.000 ca mắc. Việt Nam cũng không ngoại lệ khi đã vượt ngưỡng 100.000 ca bệnh sốt xuất huyết trong năm 2019.
HIV
Tuy các nhà khoa học đã phát minh ra loại thuốc chống HIV và nhiều biện pháp phòng ngừa phơi nhiễm nhưng căn bệnh này vẫn đang giết gần một triệu người mỗi năm. Kể từ khi dịch bệnh bắt đầu, hơn 70 triệu người đã mắc và khoảng 35 triệu người đã chết. Ngày nay, khoảng 37 triệu người trên toàn thế giới sống với HIV. Thêm vào đó, người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao (đồng tính, mại dâm, nghiện ma túy) thường là đối tượng khó tiếp cận để kiểm soát hành vi nguy cơ.
Tác giả: NGỌC LY
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ Thủ đô