Xe

10 công nghệ giữ an toàn cho người lái xe hơi

Hệ thống cân bằng xe, chống bó phanh, túi khí... là những trang bị an toàn trên ôtô nhằm giảm thiểu rủi ro cho người lái khi tham gia giao thông.

Hệ thống cân bằng xe: Cân bằng điện tử xuất hiện lần đầu trên 2 chiếc xe của BMW là 750iL và 850Ci với tên gọi DSC (Dynamic Stability Control) nhằm giúp xe nhanh chóng lấy lại vị trí ổn định khi cua. Sau đó, các hãng xe đã cải tiến công nghệ với nhiều tên gọi khác nhau như ESP (Mercedes), STS (Cadillac), VSC (Lexus).

Hệ thống chống bó phanh (ABS): ABS viết tắt của Anti-lock Braking System, là hệ thống giúp cho bánh xe của phương tiện không bị bó cứng trong khi phanh, chống lại việc bánh xe bị trượt dài trên mặt đường. Hãng Bosch của Đức đã đi đầu trong việc phát triển hệ thống này từ thập niên 1930 và áp dụng lần đầu tiên trên dòng xe S-serie của Mercedes-Benz năm 1978.

Hệ thống giám sát áp suất lốp (TPMS): Nhằm giảm tai nạn lật xe vì nổ lốp, các hãng ôtô đã trang bị TPMS cho những chiếc xe của mình. Tuy nhiên, một điều nhiều hãng cùng áp dụng là biên độ thay đổi của áp suất cho phép trong khoảng 0,2Bar (1 Bar = 1,019kg/cm2). Nếu áp suất vượt quá con số này, hệ thống cảnh báo sẽ phát tín hiệu trên táp-lô để lái xe biết và khắc phục kịp thời, đảm bảo xe vận hành được an toàn.

Túi khí: Năm 1973, Toronado 1973 của Oldsmobile là xe dân dụng chở khách đầu tiên trang bị túi khí. Một năm sau, Buick, Cadillac, và Oldsmobile đưa hệ thống túi khí kép vào danh mục tuỳ chọn cho hầu hết những mẫu xe full-size của họ. Ở châu Âu, Mercedes-Benz cũng lần đầu tiên đưa túi khí vào trong danh mục trang bị tuỳ chọn cho dòng S-Class. Tuy nhiên, quan niệm và cách ứng dụng túi khí của các hãng xe Đức và Mỹ cũng có đôi chút khác biệt. Trong khi Ford và GM coi túi khí như là một thiết kế thay thế đai an toàn thì Mercedes-Benz lại tích hợp cả túi khí và đai an toàn vào xe nhằm ngăn ngừa chấn thương hiệu quả hơn.

Thép cường độ cao (high strength steel): Loại thép có giới hạn bền kéo và chảy cao hơn thép đen thông thường (350MPa). Đây là vật liệu chuyên dùng nhằm tăng tải trọng xe nhưng giảm trọng lượng. Ngoài ra, vật liệu này giúp xe vững chắc hơn trước các tác động mạnh như va chạm, tông.

Đèn pha thích nghi (Adaptive Headlight): Khác với đèn pha truyền thống chỉ chiếu sáng phụ thuộc theo hướng tay lái, Adaptive Headlight sẽ tự động nghiêng và chiếu sáng góc rẽ, mang lại tầm quan sát rộng khi đi ban đêm. Ngoài ra, Adaptive Headlight cũng có thể điều chỉnh cường độ sáng, hạn chế làm chói mắt người đi ngược chiều.

Phanh Tự động Khẩn cấp (Auto Emergency Braking, AEB): Đây là hệ thống an toàn có khả năng cảnh báo một vụ tai nạn từ phía sau hoặc giảm thiểu tốc độ va chạm. Ngoài ra, hệ thống này còn tự động phanh xe một cách độc lập trong tình huống nguy kịch.

Hệ thống cảnh báo điểm mù: Trong điều kiện thời tiết xấu, việc quan sát điểm mù luôn là ác mộng cho người cầm vô-lăng. Công nghệ cảnh báo điểm mù ra đời nhằm giải toả nỗi lo âu ấy. Với camera, radar giám sát, tài xế sẽ dễ dàng trong việc kiểm soát các điểm mù khi chuyển làn đường. Nó sẽ phát tín hiệu đèn hay âm thanh để cảnh báo, giúp tăng tính an toàn khi tham gia giao thông.

Hệ thống quan sát ban đêm (Night Vision): dùng ảnh hồng ngoại làm cho hình ảnh người đi bộ, động vật, và các đối tượng phát nhiệt khác được hiển thị rõ hơn, trong phạm vi khoảng 300m phía trước xe. Những hình ảnh rõ ràng của bất cứ rủi ro tiềm ẩn được phô bày trên màn hình điều khiển giúp người lái an toàn hơi khi di chuyển.

Hệ thống cảnh báo chệch làn đường (Lane Departure Warning ) : Khi xe chệch khỏi làn đường quy định và không có bất kỳ tín hiệu rẽ nào, hệ thống cảnh báo chệch làn đường sẽ phát ra âm thanh cũng như hình ảnh để cảnh báo. Hệ thống này rất hữu ích trong việc ngăn ngừa tai nạn khi người lái mất tập trung hoặc có hiện tượng ngủ gật.

Tác giả bài viết: Gia Bảo

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok