Thế giới

'Quan tài' để chôn nhà máy điện hạt nhân Chernobyl như thế nào?

Mái vòm mới vừa được phủ lên Chernobyl. Nó được coi là lớn nhất thế giới với chiều dài 162m, cao 108m và trọng lượng 36.200 tấn. Chi phí cho công trình này lên tới 1,63 tỉ euro.

Mái vòm mới nhìn từ xa chụp lên lò phản ứng hạt nhân số 4 ở Chernobyl ngày 29-11 - Ảnh: Reuters


Ngày 29-11, Ukraine đã hoàn thành giai đoạn chính của công trình chụp một mái vòm mới bằng thép khổng lồ lên lò phản ứng số 4 của Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl.

Chôn vùi vĩnh viễn lò phản ứng hạt nhân

Theo thông báo của chính quyền Ukraine, mái vòm này - có tên gọi Bộ chụp an toàn mới (NSC) - đã được kết nối hoàn chỉnh và được đặt đúng vị trí. Do quy mô rất lớn nên mái vòm này được xây dựng thành 2 giai đoạn.

Đây mới chỉ là công đoạn quan trọng nhất của toàn bộ công trình khổng lồ, nhằm chôn vùi vĩnh viễn lò phản ứng hạt nhân số 4, nơi xảy ra thảm kịch rò rỉ hạt nhân cách đây hơn 30 năm.

Mái vòm có thể di động này được coi là lớn nhất thế giới với chiều dài 162m, cao 108m và trọng lượng 36.200 tấn. Chi phí cho công trình này lên tới 1,63 tỉ euro, do Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu (EBRD) tài trợ.

Một so sánh để hình dung: mái vòm này cao hơn tượng nữ thần Tự Do ở New York (Mỹ) và nặng gấp 3 lần trọng lượng tháp Eiffel ở Paris (Pháp).

Đây được coi là một trong những công trình phức tạp nhất thế giới. Việc di chuyển mái vòm được thực hiện bằng một hệ thống đặc biệt bao gồm 224 kích thủy lực.

Dự kiến toàn bộ công trình này sẽ được hoàn tất vào tháng 11-2017, tức sau khi đưa mái vòm vào vị trí thì sẽ tiến hành công đoạn hoàn thiện với việc lắp các thiết bị cần thiết kèm theo.

Ảnh chụp mái vòm ngày 14-11 trước khi được phủ chụp lên lò phản ứng số 4 - Ảnh: AFP


Các nhà thiết kế cho biết "chiếc quan tài" bằng thép đặc biệt này cũng được trang bị nhiều thiết bị đặc biệt, bao gồm cả máy quay video và hệ thống điều khiển từ xa.

Tuổi thọ thiết kế của công trình là 100 năm và nó hoàn toàn thân thiện với môi trường.

"Chiếc quan tài" cho lò phản ứng

Việc bắt tay xây dựng "chiếc quan tài" mới cho lò phản ứng số 4 tại Ukraine đã nhiều lần bị trì hoãn. Cách đây 8 năm, dự án này được công bố lần đầu tiên, nhưng việc xây dựng chỉ thực sự bắt đầu hồi tháng 4-2012.

Cách đây hơn 30 năm, vào lúc 1g23 sáng 26-4-1986, lò phản ứng số 4 của Nhà máy điện nguyên tử Chernobyl bất ngờ phát nổ. Nguyên nhân là những thao tác kỹ thuật sai lầm trong buổi thử nghiệm độ an toàn.

Một cột khói phóng xạ bị đẩy vào khí quyển. Những người lính cứu hỏa đầu tiên đến địa điểm đã bị nhiễm xạ cực kỳ nặng.

Trong số các nhân viên của Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl và các lính cứu hỏa có 2 người thiệt mạng tại chỗ và 28 người qua đời trong những tuần sau đó do nhiễm xạ nặng.

Cảnh đổ nát của khu lò phản ứng số 4, ba tháng sau vụ nổ - Ảnh: AFP


Sau vụ nổ, phần nhiên liệu hạt nhân của lò phản ứng còn tiếp tục cháy hơn 10 ngày sau đó. Lực lượng cứu hỏa và cứu hộ đã phải dùng trực thăng đổ hàng ngàn tấn cát, đất sét và chì xuống khu vực bị nổ để khống chế tình trạng rò rỉ hạt nhân.

Thảm họa Chernobyl trở thành một trong những sự cố hạt nhân dân sự tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại. Hậu quả nguy hiểm là trong suốt 10 ngày sau đó, lò phản ứng này phun trào phóng xạ độc hại gây ô nhiễm tới 3/4 khu vực châu Âu.

Giới chức địa phương đã sơ tán khoảng 116.000 người ra khỏi “khu vực đặc biệt” có bán kính lên đến 30km từ nơi xảy ra vụ nổ. Để ngăn cản chất phóng xạ rò rỉ và bay ra từ lò phản ứng số 4, người ta đã xây dựng mái vòm bằng bêtông bao quanh lò phản ứng này ngay trong năm 1986.

Mái vòm bêtông đó cao 50m, được hoàn thành vào tháng 11-1986 phủ lên lò phản ứng số 4 để cô lập 200 tấn chất bị nhiễm phóng xạ còn chứa trong đó. Thoạt đầu, tuổi thọ của mái vòm bêtông này được dự kiến vào khoảng 20-30 năm và đến năm 1993 thì được dự đoán chỉ còn an toàn trong bảy năm.

Trong khoảng năm 1986-1990, có đến 600.000 người thuộc Liên Xô đã được huy động đến làm việc tại khu vực này để thực hiện công việc xây dựng mái vòm bêtông và tẩy phóng xạ trong khu vực.

Đáng nói là những nhân công này đã không được bảo hộ hoặc bảo hộ rất ít khi làm việc ở môi trường cực kỳ độc hại.

Đến năm 2010, lo ngại về mái vòm Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đã quá cũ nát và có thể đổ sập bất kỳ lúc nào, với sự giúp đỡ của nhiều nước, Ukraine đã bắt tay vào nghiên cứu chế tạo một mái vòm thép khác thay thế mái vòm cũ.

Vào tháng 9-2005, một báo cáo của Tổ chức Liên Hiệp Quốc cho biết có 4.000 trường hợp đã qua đời hoặc sắp qua đời do liên quan đến thảm họa Chernobyl tại ba quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất. Báo cáo này đã bị chỉ trích dữ dội vì cho rằng làm giảm nhẹ quy mô thiệt hại.

Một năm sau, tổ chức phi chính phủ Greenpeace công bố con số 100.000 người thiệt mạng do liên quan đến thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất này.

Vào năm 1998, chính quyền Ukraine từng cho biết có khoảng 12.500 người trong số những nhân công tham gia xử lý thảm họa đã thiệt mạng.

Tác giả bài viết: Tú Anh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok